Thi đánh giá năng lực vì sao ‘hút’ thí sinh?

Thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM năm 2022 – Ảnh: TRẦN HUỲNH

Tại sao kỳ thi này ngày càng thu hút nhiều thí sinh dự thi?

TS Nguyễn Quốc Chính, giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết: “Số thí sinh đăng ký dự kỳ thi đợt 1 năm nay nhiều hơn năm ngoái gần 10.000, đông nhất từ trước đến nay”.

Thí sinh tăng do thêm địa điểm thi

Lý giải về việc lượng đăng ký dự thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM đợt 1 năm 2023 tăng, ông Nguyễn Quốc Chính cho rằng do kỳ thi năm nay có một số thay đổi, trong đó có việc tăng thêm bốn địa điểm tại các tỉnh Lâm Đồng, Tiền Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long, nâng tổng số địa điểm thi lên 21 tỉnh thành, tạo thuận lợi cho thí sinh tham gia kỳ thi này. Kỳ thi năm nay cũng sẽ có hai đợt thi và thí sinh có thể đăng ký dự thi cả hai đợt.

“Điều quan trọng là kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM tiếp tục được phát triển theo hướng ổn định và bền vững. Số trường đại học, cao đẳng sử dụng kết quả kỳ thi này ngày càng tăng (năm 2022 có hơn 86 đơn vị) và nhiều trường tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực. Riêng ĐH Quốc gia TP.HCM năm nay dự kiến tỉ lệ chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức đánh giá năng lực tối thiểu đạt 45%. Do vậy thí sinh dự thi ngày càng tăng là điều dễ hiểu” – ông Chính nói.

Theo ThS Cù Xuân Tiến, trưởng phòng tuyển sinh và công tác sinh viên Trường ĐH Kinh tế – Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), sở dĩ kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM ngày càng thu hút thí sinh vì đây là công cụ khảo thí hữu hiệu giúp đánh giá năng lực học tập trong những năm học tập của học sinh. Mối tương quan giữa những bạn trúng tuyển phương thức này có kết quả học tập ở bậc đại học cao hơn phương thức xét điểm thi THPT. Điều này giúp các trường mạnh dạn tăng chỉ tiêu của phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực lên.

Ưu thế của kỳ thi này là đề thi ra theo hướng đánh giá năng lực thực sự của thí sinh, không có học tủ hay luyện thi. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều trường đại học, cao đẳng tuyển sinh theo phương thức sử dụng điểm thi từ bài thi này.
ThS Cù Xuân Tiến

Gia tăng cơ hội cho thí sinh trúng tuyển vào đại học

ThS Phùng Quán, chuyên gia tuyển sinh Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cũng cho rằng có nhiều lý do để kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM ngày càng có sức hút với thí sinh.

“Với số điểm thi ở tỉnh thành tăng so với mọi năm, học sinh tiếp cận đến kỳ thi dễ dàng hơn. Hơn thế nữa, khi tham dự kỳ thi này thí sinh không căng thẳng như ôn tập kiến thức thi tốt nghiệp THPT, vì bài thi không hoàn toàn dựa trên lý thuyết, còn có kiến thức xã hội và suy luận logic. Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực cũng khá nhẹ nhàng, trả lời 120 câu hỏi trắc nghiệm trong 150 phút… Nhận thấy việc tham gia kỳ thi này có thêm nhiều cơ hội vào đại học nên thí sinh thi ngày càng đông” – ông Quán nói.

Tương tự, PGS.TS Bùi Hoài Thắng, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng đây là xu hướng tất yếu. Các trường đại học liên tục tăng chỉ tiêu tuyển sinh bằng phương thức dùng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, làm gia tăng cơ hội trúng tuyển vào đại học ở các ngành phù hợp nguyện vọng thí sinh.

Ông Thắng cho biết thêm: “Riêng tại Trường Bách khoa từ năm 2022 đã dùng phương thức tổng hợp với nhiều thành tố là học lực, năng lực cá nhân, thành tích hoạt động văn thể mỹ và phục vụ cộng đồng. Thành tố học tập được xác định dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học tập bậc THPT, trong đó thành phần kết quả thi đánh giá năng lực có trọng số cao nhất. Như vậy, kết quả thi đánh giá năng lực có tác động lớn đến cơ hội trúng tuyển vào trường chúng tôi”.

Thi đánh giá năng lực vì sao hút thí sinh? - Ảnh 3.

Đề thi có khó hơn?

Sau khi biết thông tin kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia năm nay có số thí sinh đăng ký dự thi đợt 1 tiếp tục tăng gần 10.000 so với năm trước, nhiều thí sinh thắc mắc: “Vậy tỉ lệ chọi ra sao và đề thi có khó hơn không?”.

Về việc này, TS Phạm Tấn Hạ, phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết năm nay do tiên lượng được số lượng thí sinh tham dự kỳ thi nhiều hơn nên tất cả các trường đều tăng chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả thi đánh giá năng lực.

Riêng về đề thi, thầy Hạ khuyên thí sinh yên tâm vì đề thi đã được kiểm định, “test” nhiều lần ở nhiều khối trường THPT. “Tất cả đề thi đưa ra đều sử dụng phần mềm để đánh giá độ khó của từng câu hỏi. Qua đề thi mẫu đã được công bố, các em cũng có thể thấy được độ khó thế nào. Không phải thí sinh năm nay đông hơn thì đề thi sẽ khó hơn” – thầy Hạ nhấn mạnh.

Hoàn tất thủ tục đóng lệ phí cho đến 24h ngày 4-3

TS Nguyễn Quốc Chính cho hay trong số thí sinh đã đăng ký dự thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM đợt 1 năm 2023 có 89.567 đã hoàn thành thủ tục lệ phí thi.

“Hiện đã hết hạn đăng ký dự thi đợt 1. Thí sinh đã đăng ký cần hoàn tất thủ tục đóng lệ phí cho đến 24h ngày 4-3. Khi đóng phí xong, thí sinh kiểm tra trên hệ thống có dòng chữ “đã thanh toán” có nghĩa là đã đăng ký thành công. Tài khoản đăng ký thành công và hợp lệ là tài khoản đã được xác nhận thanh toán” – ông Chính lưu ý.

Kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2023 của ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ diễn ra sáng 26-3 tại 21 địa phương. Trước ngày thi 1 tuần, thí sinh đăng nhập vào hệ thống để in phiếu báo dự thi. Trong giấy báo dự thi sẽ có thông tin chi tiết về địa điểm thi, phòng thi, số báo danh, thời gian thí sinh cần có mặt tại phòng thi.

Gần 91.500 thí sinh đăng ký thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM đợt 1Gần 91.500 thí sinh đăng ký thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM đợt 1

Kết thúc đăng ký dự thi kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM đợt 1 năm 2023, có gần 91.500 thí sinh đăng ký, nhiều hơn gần 10.000 thí sinh so với năm 2022.