Sinh viên hiến kế với lãnh đạo TP.HCM về ‘phát triển tài năng trẻ và lãnh đạo tương lai’

Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải trao đổi với các giảng viên, sinh viên tiêu biểu của Trường đại học Kinh tế TP.HCM – Ảnh: TRẦN HUỲNH

Nhiều giảng viên trẻ, sinh viên đã kiến nghị như vậy tại tọa đàm “Giải pháp hỗ trợ, phát triển tài năng trẻ và lãnh đạo tương lai” do Thành ủy TP.HCM phối hợp với Trường đại học Kinh tế TP.HCM tổ chức sáng nay 2-3.

Buổi tọa đàm được tổ chức nhằm góp phần triển khai thực hiện hiệu quả đề án 01 của Thành ủy TP.HCM về hỗ trợ, phát triển tài năng trẻ và lãnh đạo tương lai của thành phố giai đoạn 2020 – 2035.

Tăng cường thông tin vị trí công việc để phát triển lãnh đạo tương lai

Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng để phát triển tài năng trẻ và lãnh đạo tương lai cần sớm đặt ra các tiêu chí để những người có dự định tham gia chương trình có định hướng học tập. Nên có định hướng rõ ràng thông qua mô tả vị trí việc làm và yêu cầu cho vị trí đó.

Các sinh viên đề nghị thành phố cần có kênh thông tin, trang website giới thiệu đề án 01 để sinh viên biết, chủ động tham gia. Trong đó cần nêu rõ các tiêu chí của chương trình để sinh viên phấn đấu thực hiện các tiêu chí này.

Chị Nguyễn Đình Hoàng Uyên, bí thư Đoàn Trường đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng để thu hút người trẻ phải nắm bắt tâm lý của họ. Khi sinh viên ra trường, mức lương là yếu tố ban đầu để lựa chọn nơi làm việc, nhưng để có thể gắn bó với công việc lâu dài là ý nghĩa của công việc. Các bạn phải biết được việc làm của mình đóng góp cho sự phát triển của thành phố thế nào.

“Dù đã có đề án nhưng vẫn cần tiếp tục có các thông tin cụ thể như mô tả vị trí làm việc để sinh viên hiểu. Với sinh viên xuất sắc, ngay từ năm 3 họ đã có rất nhiều cơ hội việc làm”, chị Uyên nói

Chị Nguyễn Thị Thương Nhớ, phó bí thư Đoàn trường, kiến nghị thành phố cần thực hiện việc “săn đầu người” sớm hơn, tạo điều kiện và có những chính sách hỗ trợ, gần gũi để các bạn trẻ có thể hiểu được quyền lợi đi kèm với trách nhiệm. Nếu sinh viên đi học bằng học bổng, hưởng các chính sách ưu đãi từ cơ quan nhà nước thì phải có những ràng buộc nhất định.

Tâm lý của phần lớn sinh viên hiện nay là được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, có cơ sở vật chất hiện đại, khang trang. Đồng thời, các bạn cũng thích ứng nhanh với chuyển đổi số nên nếu môi trường làm việc hiện đại sẽ thu hút người trẻ nhiều hơn.

“Cần cho sinh viên thấy rõ môi trường làm việc công cũng rất chuyên nghiệp, cạnh tranh để thu hút các bạn ngay từ đầu. Từ đó phát triển năng lực của các bạn theo các chương trình đào tạo riêng”, chị Nhớ kiến nghị.

Chị Nguyễn Đình Hoàng Uyên, bí thư Đoàn Trường đại học Kinh tế TP.HCM, phát biểu tại tọa đàm - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Chị Nguyễn Đình Hoàng Uyên, bí thư Đoàn Trường đại học Kinh tế TP.HCM, phát biểu tại tọa đàm – Ảnh: TRẦN HUỲNH

TP.HCM đang rất cần sinh viên xuất sắc góp sức xây dựng thành phố

Phát biểu tại tọa đàm, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải cho biết nhiều thế hệ lãnh đạo của thành phố đều mong muốn có nhiều người giỏi, người có tài có đức tham gia trong hệ thống chính trị và các đơn vị góp sức xây dựng thành phố.

Quan điểm của TP.HCM lâu nay không phân biệt người thành phố hay người ở tỉnh. TP.HCM là nơi hội tụ của người dân trên khắp cả nước đến sinh sống và làm việc, cống hiến và góp phần xây dựng thành phố. Lãnh đạo thành phố luôn ghi nhận và cảm ơn tất cả mọi người.

“Các bạn được mời hôm nay đều là sinh viên xuất sắc, tiêu biểu của nhà trường. Thành phố rất cần những người như các bạn. Chính vì vậy thành phố có nhiều giải pháp, nhiều chương trình để thu hút người tài, trong đó đề án 01 chỉ là một chương trình thu hút người trẻ xuất sắc.

Tuy nhiên qua cuộc gặp gỡ sinh viên hôm nay cho thấy việc công khai thông tin đề án 01 đến đối tượng cần lại chưa đạt. Rất mong sắp tới từng cấp, từng ngành, từng đơn vị chuyển tải các nội dung này đến tất cả đối tượng chúng ta cần”, ông Hải nói.

Nhấn mạnh đến một số mục tiêu của đề án 01, ông Nguyễn Hồ Hải đề nghị, Ban Tổ chức Thành ủy và Sở Nội vụ TP.HCM tiếp tục tham mưu các chính sách để thực hiện hiệu quả đề án này. Lãnh đạo thành phố sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của sinh viên, giảng viên ở các lĩnh vực khác để có thêm các góc nhìn khác nhau.

Khai giảng khóa đầu tiên đào tạo thạc sĩ chính sách công hệ điều hành cao cấp cho đội ngũ cán bộ TP.HCM

Lãnh đạo Thành ủy TP.HCM và Trường đại học Kinh tế TP.HCM cùng các học viên tại lễ khai giảng chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ chính sách công hệ điều hành cao cấp - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Lãnh đạo Thành ủy TP.HCM và Trường đại học Kinh tế TP.HCM cùng các học viên tại lễ khai giảng chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ chính sách công hệ điều hành cao cấp – Ảnh: TRẦN HUỲNH

Cũng trong sáng 2-3, Trường đại học Kinh tế TP.HCM đã tổ chức lễ khai giảng chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ chính sách công hệ điều hành cao cấp cho đội ngũ cán bộ TP.HCM với 41 học viên theo học.

Đây là cột mốc đầu tiên đánh dấu cho chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2022-2023 giữa nhà trường và Ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM đã được ký kết trước đó.

Theo lãnh đạo nhà trường, đây là chương trình đào tạo tiên tiến và phù hợp với chuẩn mực quốc tế, được xây dựng dựa trên việc tham khảo các chương trình chính sách công từ nhiều trường: Trường Quản lý nhà nước Kennedy (Đại học Harvard), Trường Chính sách công Harris, Đại học Chicago, Trường Kinh tế và Khoa học chính trị London, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore)… và được điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn chính sách ở Việt Nam.

Nhà trường cấp học bổng lên đến 50% học phí cho toàn khóa học.

Gặp gỡ thanh niên tiêu biểu TP.HCM: Đề xuất chính sách phát triển tài năng trẻGặp gỡ thanh niên tiêu biểu TP.HCM: Đề xuất chính sách phát triển tài năng trẻ

TTO – Sáng 26-3, tại Trung tâm hội nghị 272 Võ Thị Sáu (quận 3, TP.HCM) đã diễn ra buổi gặp gỡ giữa Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố với cử tri thanh niên tiêu biểu trên các lĩnh vực.