Quá nhiều sinh viên loại giỏi và xuất sắc khi xét tốt nghiệp

Vì sao lại nhiều sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc như vậy?

Gần 99% tốt nghiệp khá, giỏi, xuất sắc

Trong lần xét tốt nghiệp đợt 4-2022 và 1-2023, Trường ĐH Kinh tế quốc dân có 988 sinh viên được công nhận tốt nghiệp. Đáng chú ý, trong số này có 35% (làm tròn) sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, 41% tốt nghiệp loại giỏi.

Như vậy, 76% sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc. Chỉ có 23% sinh viên tốt nghiệp loại khá trong khi số sinh viên tốt nghiệp trung bình vỏn vẹn 12 (khoảng 1%).

Nhiều đợt tốt nghiệp trước đó tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp giỏi, xuất sắc cũng áp đảo.

Đơn cử như lần xét tốt nghiệp đợt 3-2022, trường này có 376 sinh viên tốt nghiệp. Trong đó số sinh viên giỏi và xuất sắc là 174, khá 199 và có 12 sinh viên tốt nghiệp loại trung bình.

Trước đó, kỳ tốt nghiệp đợt 1-2022 có 1.027 sinh viên được công nhận tốt nghiệp. Số sinh viên tốt nghiệp trung bình, trung bình khá chỉ có 26 người, chiếm tỉ lệ khoảng 2%.

Trong khi đó 271 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, 567 sinh viên tốt nghiệp loại giỏi. Loại khá ít hơn với 343 người. Như vậy tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc chiếm hơn 69%.

Quá nhiều sinh viên loại giỏi và xuất sắc! - Ảnh 2.

Dù không có quá nhiều sinh viên tốt nghiệp xuất sắc nhưng tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp khá, giỏi ở nhiều trường đại học cũng chiếm tỉ lệ rất cao, dao động từ 95% đến gần 99%. Thậm chí nhiều ngành có 100% sinh viên tốt nghiệp khá giỏi.

Trong đợt xét tốt nghiệp tháng 12-2022, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM có 479 sinh viên tốt nghiệp hệ đại trà. Trong số này chỉ có sáu sinh viên tốt nghiệp loại trung bình, chiếm 1,25%. Như vậy, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp khá, giỏi, xuất sắc lên đến 98,75%.

Không chỉ Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp khá giỏi ở nhiều trường đại học khác cũng rất cao.

Trong đợt tốt nghiệp tháng 1-2023, trong số 2.079 sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM chỉ có 24 sinh viên tốt nghiệp loại trung bình, chiếm 1,15%.

Còn lại 98,85% sinh viên tốt nghiệp khá, giỏi và xuất sắc. Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp khá, giỏi trong đợt tốt nghiệp tháng 10-2022 của Trường ĐH Luật TP.HCM cũng lên đến 96,7%.

Tỉ lệ tốt nghiệp khá, giỏi cũng chiếm áp đảo ở nhiều trường ĐH khác như Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), Kinh tế TP.HCM, Cần Thơ…

Đào tạo tín chỉ yêu cầu sinh viên phải học, làm việc nhiều hơn, có điều kiện tích lũy điểm số trước khi kết thúc môn giúp tổng điểm cao hơn so với cách đánh giá trước đây.
TS Phạm Tấn Hạ (phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM)

Nguyên nhân do đâu?

Việc sinh viên tốt nghiệp khá, giỏi, xuất sắc nhiều được các trường lý giải có nhiều nguyên nhân về quy chế đánh giá, cách thức đào tạo và hình thức đào tạo.

Các trường cũng cho rằng không phải tỉ lệ tốt nghiệp giỏi, xuất sắc tăng mạnh đồng nghĩa với việc sinh viên ngày nay giỏi hơn sinh viên trước đây.

PGS.TS Nguyễn Đức Trung – phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM – cho rằng tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp khá, giỏi tăng là do cách đào tạo và đánh giá thay đổi so với trước đây.

Theo ông Trung, trước đây mỗi môn chỉ có một kỳ đánh giá là thi cuối kỳ. Kết quả không tốt sẽ ảnh hưởng đến kết quả chung. Tuy nhiên nhiều năm nay, quy định đào tạo đánh giá hai lần là giữa và cuối kỳ. Bài thi này thấp, sinh viên có thể cố gắng để có điểm cao hơn ở bài thi thứ hai.

Ngoài ra, sinh viên được phép học cải thiện để có thể nâng điểm của môn học. “Đó là lý do rất ít sinh viên tốt nghiệp trung bình. Mặc dù vậy để đạt loại giỏi cũng không phải dễ. Đa số sinh viên tốt nghiệp loại khá” – ông Trung nói.

Theo TS Phạm Tấn Hạ – phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) – hình thức đào tạo theo tín chỉ đã thay đổi cách đánh giá so với niên chế. Theo hình thức đào tạo niên chế trước đây, mỗi môn chỉ có một cột điểm thi cuối kỳ.

Chẳng may vì lý do nào đó, điểm thấp sẽ kéo theo điểm tích lũy thấp, thậm chí rớt phải học lại. Đào tạo theo tín chỉ, mỗi môn có hai cột điểm là giữa kỳ và cuối kỳ. Tùy vào trường, trọng số mỗi cột điểm chia tỉ lệ trong điểm tổng kết môn.

Riêng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn quy định điểm cuối kỳ trọng số không thấp hơn 50% tổng điểm môn học. Đó là lý do điểm môn học của sinh viên tăng lên kéo theo điểm tích lũy toàn khóa tăng.

Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp giỏi, xuất sắc của Trường ĐH Kinh tếquốc dân - Đồ họa: Tuấn Anh

Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp giỏi, xuất sắc của Trường ĐH Kinh tếquốc dân – Đồ họa: Tuấn Anh

“Vấn đề nằm ở quy đổi điểm”

Cũng đưa ra quan điểm tương tự về cách thức đánh giá, trưởng phòng đào tạo một trường đại học công lập tại TP.HCM cho rằng không phải điểm cao hơn là năng lực sinh viên giỏi hơn thế hệ sinh viên trước.

Lý giải thêm tỉ lệ sinh viên khá giỏi tăng mạnh, ông này cho rằng cách đánh giá và xếp loại làm cho số sinh viên tốt nghiệp trung bình giảm đi.

“Xếp loại theo niên chế sẽ có năm mức: trung bình, trung bình khá, khá, giỏi và xuất sắc. Theo tín chỉ chỉ có bốn mức: trung bình, khá, giỏi và xuất sắc. Vấn đề nằm ở chỗ quy đổi điểm niên chế và tín chỉ.

Nếu theo niên chế, điểm từ 7 trở lên mới được xếp loại khá. Trong khi theo tín chỉ, ở mức 6 đến cận 7 điểm được xếp vào mức 2,5 điểm theo thang điểm 4 và được xếp loại khá. Đó là lý do khi đào tạo theo tín chỉ, tỉ lệ sinh viên trung bình sẽ giảm đi.

Mức điểm trung bình khá niên chế được xếp ở mức khá của tín chỉ. Điều này giải thích việc nhiều sinh viên có điểm tích lũy trung bình toàn khóa dưới 7 nhưng xếp loại khá tốt nghiệp. Đó là chưa kể sinh viên được học cải thiện để gia tăng điểm số” – ông này giải thích thêm.

5 lý do chính

Lý giải về tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp giỏi, xuất sắc đang có xu hướng áp đảo, PGS.TS Bùi Đức Triệu, trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho hay có 5 lý do chính:

Thứ nhất, do Quy chế tuyển sinh, đề án tuyển sinh tự chủ hơn, thí sinh có quyền chọn lớn hơn nên trường tuyển được nhiều sinh viên đúng nguyện vọng, chất lượng đầu vào cao hơn.

Thứ hai, Trường ĐH Kinh tế quốc dân liên tục đổi mới chương trình đào tạo, kiểm định chất lượng, liên thông quốc tế, đổi mới phương pháp dạy và học nên chất lượng đào tạo được nâng cao.

Thứ ba, nhà trường thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ, ứng dụng công nghệ thông tin cao, đầu tư thư viện số, đầu tư cơ sở vật chất mạnh/tòa nhà mới với hàng ngàn tỉ đồng.

Thứ tư, thế hệ sinh viên 9X và 2K rất thông thạo ngoại ngữ và công nghệ thông tin nên việc tự học trong điều kiện công nghệ 4.0 được vận dụng cao và hiệu quả.

Thứ năm, việc chuyển hạng tốt nghiệp từ thang 10 sang thang 4 cũng làm cho tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp hạng xuất sắc và giỏi tăng lên.

NGUYÊN BẢO

Gần 99% sinh viên một trường đại học tốt nghiệp khá, giỏiGần 99% sinh viên một trường đại học tốt nghiệp khá, giỏi

Trong hai đợt xét tốt nghiệp gần nhất, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi Trường đại học Ngân hàng TP.HCM đều trên 98%, có ngành trên 99%.