Học sinh Việt Nam, Trung Quốc giao lưu trực tuyến trong dịch Covid-19

Những chia sẻ về cách cân bằng giữa học tập, sức khỏe và những hoạt động khác tại gia đình trong mùa dịch Covid-19 được chia sẻ sôi nổi bằng hình thức trực tuyến. Buổi giao lưu được kết nối từ ý tưởng của thầy giáo Roger Bugh – một chuyên gia đào tạo của tập đoàn giáo dục Franklin Covey (Hoa Kỳ) tại thành phố Nam Ninh (Trung Quốc).

Theo thầy Roger Bugh – những ngày nghỉ phòng tránh dịch tại nhà thực sự là một kỳ nghỉ khó khăn với cả học sinh Trung Quốc và học sinh Việt Nam.

“Chắc chắn, không bạn nhỏ nào mong muốn đón nhận kỳ nghỉ này. Vậy nên, việc chia sẻ kinh nghiệm học online từ xa, chia sẻ lối sống chủ động nâng cao sức đề kháng, giữ gìn vệ sinh tại gia đình là một việc cần thiết giúp các em có thêm các kỹ năng và tư duy tích cực trước dịch bệnh”. – thầy Roger Bugh nói.

Thông qua đại diện của Franklin Covey tại Việt Nam, thầy Roger Bugh đã thực hiện kết nối buổi giao lưu trực tuyến giữa Trường tiểu học Thực Nghiệm (trực thuộc Trường trung học Jingling của thành phố Nam Ninh) với học sinh của thành phố Hà Nội – đó là Trường tiểu học Ban Mai (quận Hà Đông) và Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (quận Bắc Từ Liêm).

Đây là hai trường vừa được Franklin Covey công nhận là trường Lighthouse (Hoa tiêu) đầu tiên tại Việt Nam (trên thế giới hiện có 520 trường đạt được danh hiệu này, trên tổng số hơn 5000 trường triển khai chương trình giáo dục của Franklin Covey tại hơn 50 quốc gia).

Nguyễn Hà Anh – học sinh Trường tiểu học Ban Mai thực hiện một poster chia sẻ về các hình thức để bảo vệ bản thân khỏi dịch bệnh.

Tại buổi giao lưu, các học sinh của hai thành phố cùng chia sẻ về việc mình đã sắp xếp cuộc sống của bản thân như thế nào trong thời gian nghỉ học phòng tránh dịch bệnh.

Theo đó, các học sinh Trung Quốc đã chia sẻ về việc thực hành 7 thói quen trong cuôc sống hàng ngày, bao gồm các thói quen: Sống chủ động, bắt đầu với mục tiêu, ưu tiên việc quan trọng, tư duy cùng thắng, hiểu rồi được hiểu, hợp lực, rèn giũa bản thân. Thông qua phòng chat online, các bạn còn thực hiện một tour giới thiệu ngắn về cảnh quan tại ngôi trường của mình.

Các học sinh Việt Nam tự tin chia sẻ việc mình đã sắp xếp cuộc sống của bản thân như thế nào trong thời gian nghỉ dich. Nếu như học sinh Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm chia sẻ về các phương pháp vệ sinh, nâng cao sức khỏe, kỹ năng phòng tránh dịch bệnh thì các học sinh đến từ Trường tiểu học Ban Mai tập trung nói về việc lập kế hoạch cụ thể cho từng tuần trong thời gian nghỉ học, bao gồm: ôn luyện Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh theo các phiếu bài tập cô giáo gửi qua zalo cho bố mẹ, dành thời gian đọc sách, phụ giúp bố mẹ các công việc nhà và chơi các môn thể thao phù hợp.

“Điều quan trọng đầu tiên của việc lập kế hoạch này là cần đề ra mục tiêu là các con số cụ thể. Ví dụ như mỗi ngày mình sẽ đọc 20 trang sách, thì mục tiêu trong tuần của mình đề ra sẽ là 150 trang. Đồng thời, cần lập bảng checking để theo dõi cho việc đọc sách này hàng ngày xem đã bám sát và đạt mục tiêu chưa” – học sinh Nguyễn Đăng Bảo (lớp 4T, Tiểu học Ban Mai) chia sẻ.

Một vũ điệu sôi động được thực hiện tại buổi giao lưu.

Kết thúc buổi giao lưu, các bạn học sinh Trung Quốc không ngần ngại tặng cho các bạn Việt Nam một vũ điệu sôi động và một bài hát bằng tiếng Trung.

“Buổi giao lưu diễn ra trong không khí tích cực, vui vẻ, không khoảng cách. Thông qua những buổi giao lưu như thế này, học sinh sẽ ý thức được vai trò và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc đẩy lùi dịch bệnh toàn cầu, bắt đầu bằng việc chủ động học tập, giữ gìn sức khỏe, rèn kỹ năng tại gia đình” – thầy Roger Bugh tổng kết.

“Đây không chỉ là cơ hội giúp học sinh rèn kỹ năng giao tiếp bằng Tiếng Anh, mà còn học hỏi thêm về việc học sinh Trung Quốc đã ứng xử như thế nào và làm gì để đối phó với đại dịch Covid-19. Sự động viên, chia sẻ, lạc quan sẽ là món quà và sự tương trợ lớn nhất để giúp tất cả chúng ta vượt qua được dịch bệnh” – Cô giáo Ngô Thị Thanh Tâm – phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Ban Mai chia sẻ sau khi cùng học sinh tham gia buổi giao lưu trực tuyến.

Theo cô Tâm, khi các học sinh thực hiện tốt các kỹ năng, tinh thần thoải mái, lạc quan thì đồng thời cũng sẽ lan tỏa, truyền đi những thông điệp tích cực tới bố mẹ, anh/chị/em và bạn bè, cùng chung tay đẩy lùi dịch Covid-19.