Cuộc thi KHKT cấp quốc gia HS trung học: Đánh giá cao sự sáng tạo, tham gia của học sinh

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Cuộc thi năm nay tổ chức tập trung với sự tham gia của các tỉnh thành; không tổ chức ở 2 miền, vào 2 thời điểm khác nhau như mọi năm.

141 dự án ở 20 lĩnh vực

– Do ảnh hưởng dịch Covid như năm nay, Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho HS trung học có gì khác biệt, thưa ông?

– Một trong những điểm mới là số lượng dự án chọn để tham gia thi cấp quốc gia ít hơn mọi năm. Trước đây, mỗi sở GD&ĐT chọn 6 dự án, năm nay giảm còn 2 dự án; trừ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và địa phương đăng cai là Đà Nẵng được cử 4 dự án.

Như vậy, với sự tham gia của 69 đơn vị (62 sở GD&ĐT, 1 trường phổ thông trực thuộc Bộ GD&ĐT và 6 trường ĐH), năm nay có tổng số 141 dự án ở 20 lĩnh vực trong tổng số 22 lĩnh vực dự thi. Trong đó, THPT có 123 dự án với 228 HS tham gia; THCS có 18 dự án với 32 HS. Qua danh mục các dự án dự thi có thể nhận thấy các dự án đều xác định và giải quyết vấn đề thiết thực của thực tiễn, hứa hẹn các dự án sẽ có chất lượng tốt.

– Việc đánh giá các dự án năm nay có gì khác? Chúng ta sẽ quan tâm đến sản phẩm cuối cùng hay dấu ấn cá nhân của HS trong mỗi dự án của mình?

– Tiêu chí đánh giá đối với dự án khoa học gồm: Câu hỏi nghiên cứu (10 điểm); thiết kế và phương pháp nghiên cứu (15 điểm); thực hiện – thu thập, phân tích và giải thích dữ liệu (20 điểm); sự sáng tạo (20 điểm); trình bày – gian trưng bày và trả lời phỏng vấn (35 điểm).

Tiêu chí đánh giá đối với dự án kỹ thuật gồm: Vấn đề nghiên cứu (10 điểm); thiết kế và phương pháp nghiên cứu (15 điểm); thực hiện – xây dựng và kiểm tra (20 điểm); sự sáng tạo (20 điểm); trình bày – gian trưng bày và trả lời phỏng vấn (35 điểm).

Ban giám khảo quan tâm nhiều hơn đến “công sức” của HS trong quá trình nghiên cứu, thực hiện dự án chứ không chỉ là kết quả nghiên cứu của dự án. Điều này thể hiện qua việc học sinh trả lời được các câu hỏi: Tại sao chọn vấn đề này? Tại sao làm thí nghiệm kia? Tại sao lại chế tạo vật (hình dạng, kích thước) thế này? Hạn chế ở đâu? Trong nhiều cách để giải quyết vấn đề, vì sao chọn cách này mà không chọn cách kia?… Đó là những câu hỏi mà HS không thực sự làm sẽ không trả lời được.

Bởi vậy, dù dự án công phu, nhưng nếu học sinh không thể hiện được sự đóng góp, sáng tạo trong dự án không được đánh giá cao. Trên thực tế, nhiều sản phẩm của dự án mới chỉ là thử nghiệm thô sơ, nhưng lại được đánh giá cao bởi đó là sản phẩm thể hiện sự sáng tạo của chính HS trong quá trình thực hiện dự án.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT).

Góp phần tích cực đổi mới giáo dục phổ thông

– Sau nhiều năm tổ chức Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho HS trung học, ông nhận định thế nào về tác động của cuộc thi này đối với các nhà trường?

– Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia nhằm khuyến khích HS trung học nghiên cứu khoa học (NCKH), sáng tạo kỹ thuật, công nghệ và vận dụng kiến thức của các môn học vào giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống; góp phần thực hiện giáo dục tích hợp khoa học – công nghệ – kĩ thuật – toán (STEM). Cùng với đó, góp phần đổi mới hình thức tổ chức dạy học; đổi mới hình thức, phương pháp đánh giá kết quả học tập; phát triển năng lực, phẩm chất của HS; thúc đẩy giáo viên tự bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; nâng cao chất lượng dạy và học trong các cơ sở giáo dục trung học; góp phần chuẩn bị thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Cuộc thi cũng khuyến khích cơ sở giáo dục ĐH, CĐ, cơ sở nghiên cứu, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân hỗ trợ hoạt động NCKH kỹ thuật của HS trung học. Tạo cơ hội để HS trung học giới thiệu kết quả NCKH kỹ thuật của mình; tăng cường trao đổi, giao lưu văn hoá, giáo dục giữa các địa phương và hội nhập quốc tế. Đồng thời, chuẩn bị cho HS trung học tác phong khoa học, năng lực nghề nghiệp và tiềm năng khởi nghiệp sau khi học xong trung học, góp phần thực hiện giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS trong giáo dục phổ thông.

Sau nhiều năm tổ chức, cuộc thi đã góp phần tích cực đổi mới giáo dục phổ thông định hướng phát triển năng lực HS theo tinh thần Nghị Quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Cuộc thi đã thu hút, tập hợp nhiều nhà khoa học từ các học viện, trường ĐH, viện nghiên cứu trong cả nước tham gia chấm, chọn dự án. Một số học viện, trường ĐH trong nước và nước ngoài đến tham dự, trao giải và công bố tuyển thẳng vào bậc ĐH của đơn vị mình đối với các thí sinh đoạt giải.

Đặc biệt, từ cuộc thi, việc NCKH của HS trung học được triển khai một cách có hiệu quả và hiện trở thành một hoạt động bình thường trong các nhà trường. Nhiều HS đã có hứng thú, say mê với NCKH, chọn được đề tài mình yêu thích ngay từ THCS.

Cũng từ nhiều năm triển khai hoạt động NCKH, chất lượng của nghiên cứu ngày một nâng lên; nhận thức của nhà trường với NCKH đã có tiến bộ; kỹ năng hướng dẫn của các thầy cũng tốt hơn, dẫn tới hoạt động NCKH của HS ngày càng tốt, chuyên nghiệp hơn trong cả việc phát hiện vấn đề, tìm tài liệu nghiên cứu, đưa giải pháp, thực hiện giải pháp…

Tuy nhiên, cũng còn hạn chế trong hướng dẫn HS NCKH. Đơn cử như có một số dự án HS nghiên cứu thường hướng tới làm cho ra sản phẩm, lấy đích là sản phẩm mà khâu thiết kế chưa được coi trọng đúng mức. Nghĩa là vai trò của HS trong khâu thiết kế chưa cao; vẫn chủ yếu là vai trò của người hướng dẫn, từ đó giảm cơ hội tham gia của HS vào khâu này. Vì chỉ tham gia nhiều vào khâu thi công, nên sản phẩm dù tốt cũng không được đánh giá cao. Phải làm sao để việc hướng dẫn được tập trung, cân đối giữa khâu thiết kế và thi công.

– Xin cảm ơn ông!