Chuyển giao sản phẩm KHCN trong trường ĐH: Bao giờ gà đẻ… trứng vàng?

Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, việc thực hiện tốt công tác NCKH và chuyển giao công nghệ còn giúp các trường cân đối nguồn thu tài chính ngoài học phí.

Dịch chuyển đáng ghi nhận

Trong vài năm trở lại đây, NCKH và chuyển giao công nghệ được các trường đại học đặc biệt chú ý. Đây không chỉ là yêu cầu bắt buộc, sự phát triển tự thân của giảng viên – SV mà còn là mục tiêu sống còn của nhiều trường trong bối cảnh tự chủ toàn diện.

ĐHQG TPHCM là một trong những đơn vị sớm xúc tiến hoạt động này và có nguồn thu khả quan. Năm 2017, doanh thu từ hoạt động chuyển giao đạt gần 250 tỷ đồng (1.220 hợp đồng). Năm 2019, 9 tháng đầu năm, các đơn vị của ĐHQG TPHCM triển khai chuyển giao được 865 hợp đồng dịch vụ khoa học và công nghệ, đạt doanh thu hơn 84 tỉ đồng. Trong đó, Trường ĐH Bách khoa TPHCM đóng góp đến 750 hợp đồng và đạt doanh thu 63,8 tỷ đồng.

Theo PGS.TS Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM, đơn vị đang triển khai 2 loại hình chuyển giao khoa học công nghệ chính gồm: Chuyển giao kết quả NCKH và đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và địa phương; Chuyển giao công nghệ theo chương trình hợp tác giữa ĐHQG TPHCM với các doanh nghiệp.

Coi trọng công tác NCKH và chuyển giao khoa học công nghệ, Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) trong giai đoạn 2016 – 2020 đã chuyển giao 30 đề tài nghiên cứu khoa học thuộc khối ngành kỹ thuật, trọng tâm là ngành Cơ khí, Tự động hóa, Điện – Điện tử. Tổng số tiền thu được từ hoạt động chuyển giao công nghệ là 2,6 tỉ đồng.

Theo TS Nguyễn Vũ Quỳnh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, công tác chuyển giao công nghệ tập trung cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thông qua việc tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạn chế đáng kể chi phí trong quá trình sản xuất. Đặc biệt, qua các hoạt động chuyển giao đã tiết kiệm được gần 22 tỉ đồng cho doanh nghiệp.

Nhìn nhận NCKH và chuyển giao công nghệ sẽ đóng vai trò to lớn như là “xương sống” tài chính cho các trường đại học trong tương lai, PGS.TS Bạch Long Giang – Trưởng phòng Khoa học Công nghệ (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành TPHCM) cho rằng: Bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động NCKH theo đơn đặt hàng, phát triển và đưa vào thực tế đời sống các phát kiến, nghiên cứu mới, trường đại học cần xác định rõ mục tiêu và lộ trình đóng góp của hoạt động NCKH và chuyển giao vào ngân sách tài chính chung của trường. Để từ đó có chính sách khuyến khích, khen thưởng phù hợp, giúp các nhà khoa học, GV trong trường có động lực hơn.

Sinh viên ĐHQG TPHCM trong giờ nghiên cứu thực hành. Ảnh: ĐHQG

Cần hướng đi mới

Tại Việt Nam, hoạt động chuyển giao công nghệ tại các trường đại học bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc, nhưng so với số lượng các nhóm nghiên cứu (945 nhóm nghiên cứu và hơn 1.413 tổ chức khoa học) trong cơ sở GD đại học và viện hiện có, con số trên vẫn còn khá khiêm tốn.

Ở nhiều trường công lập như ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, ĐH Nông Lâm TPHCM, ĐH KHXH&NV TPHCM, doanh số thu được từ hoạt động chuyển giao khoa học công nghệ hàng năm còn khá thấp. Mọi chi phí cho hoạt động của các trường trên phần nhiều vẫn dựa vào nguồn thu học phí. Đây là vấn đề mà theo PGS.TS Bạch Long Giang, không chỉ riêng trường công lập, mà ngay cả với trường ngoài công lập cần sớm thay đổi, nếu không muốn đối mặt với việc nguồn thu không đủ cho chi phí đào tạo.

Theo PGS.TS Bạch Long Giang, để các trường đại học có sự “chuyển mình” một cách mạnh mẽ trong hoạt động chuyển giao thành tựu khoa học công nghệ, Bộ GD&ĐT cần quan tâm giải quyết bốn vấn đề: Xây dựng chính sách đãi ngộ mang tính đặc thù dành cho đội ngũ làm công tác NCKH; Nhà nước giao quyền tự chủ cho các trường đại học cùng với yêu cầu giải trình trước xã hội; Xây dựng đội ngũ cán bộ KH&CN đầu ngành cho hoạt động hội nhập quốc tế về khoa học và đào tạo ở trường đại học (nhóm nghiên cứu mạnh). Đặc biệt, phải sớm tháo gỡ được trói buộc về thủ tục pháp lý, hành chính trong công tác làm đề tài.

“Hợp đồng chuyển giao do nhà trường ký kết nhưng toàn bộ chi phí nên chuyển hết cho tác giả nếu đó là công trình riêng. Với công trình thực hiện theo đơn đặt hàng, thỏa thuận với địa phương, nhà trường nên có chính sách hỗ trợ thêm. Thực hiện được chính sách khuyến khích như trên, tôi tin công tác chuyển giao sẽ đóng vai trò lớn” – TS Quỳnh nói.

TS Nguyễn Vũ Quỳnh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng nhận định: Để công tác NCKH và hoạt động chuyển giao tốt, nhà trường ngoài tạo điều kiện về cơ sở vật chất và thời gian làm việc cho giảng viên thực hiện các đề tài chuyển giao công nghệ, nên có chính sách khen thưởng 10% trên tổng giá trị hợp đồng chuyển giao.

Hiện, Luật Sở hữu trí tuệ đã cởi mở, nhưng thực tiễn vẫn còn vướng ở tư duy quản lý tại các cơ sở đào tạo. Nhiều đơn vị vẫn xem sản phẩm NCKH sử dụng ngân sách hoặc cơ sở vật chất của trường (Nhà nước) thuộc quyền sở hữu của Nhà nước. Mặt khác, theo nhiều nhà khoa học, việc đầu tư cho NCKH trong trường đại học vẫn trên nguyên tắc “bổ đầu” nên không phát huy được thế mạnh từng giảng viên, chuyên ngành.

Vì vậy, theo TS Lê Thái Thường Quân – Trưởng phòng Khoa học Công nghệ (Trường ĐH Mở TPHCM), ngoài việc đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động KHCN gắn với doanh nghiệp hướng tới tự chủ đại học dựa vào KHCN, các trường cần đẩy mạnh tái cấu trúc hoạt động KHCN và đào tạo hướng tới ứng dụng thực tiễn, liên ngành theo xu hướng tự chủ.

Mục tiêu là tạo cơ chế thông thoáng, thu hút các nhà khoa học tham gia nghiên cứu như trích hưởng % lợi ích kinh phí từ việc tạo ra dự án, đề tài nghiên cứu, hưởng % kinh phí từ việc chuyển giao các sản phẩm có khả năng thương mại hóa và ứng dụng thực tiễn tại các doanh nghiệp và địa phương… gián tiếp tạo nguồn thu lớn về cho nhà trường. – TS Lê Thái Thường Quân