Xếp hạng các trường đại học Việt Nam: Trường ‘trẻ’ thứ hạng cao

Giảng viên Nguyễn Quang Huy, chủ nhiệm khoa sinh học Trường ĐH Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), hướng dẫn sinh viên trong phòng thí nghiệm – Ảnh: Nguyễn Khánh

Theo bảng xếp hạng các trường đại học (ĐH) của Việt Nam (VNUR), trong số 237 cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam, đứng đầu là ĐH Quốc gia Hà Nội.

Các trường “trẻ” vượt lên

Đáng chú ý, trong top 10 bảng xếp hạng VNUR 2023 có hai trường ĐH non trẻ là Trường ĐH Tôn Đức Thắng (thứ hạng 3) và Trường ĐH Duy Tân (thứ hạng 5). Đây là hai trường ĐH của Việt Nam thường xuyên có tên trong các bảng xếp hạng ĐH quốc tế mấy năm gần đây.

Bên cạnh đó, một số trường ĐH dù tuổi đời ít nhưng có thứ hạng cao trong bảng xếp hạng này như: Trường ĐH Thủ Dầu Một (13 năm, thứ hạng 15), Trường ĐH Thủ đô Hà Nội (8 năm, thứ hạng 34), Trường ĐH Phenikaa (4 năm, thứ hạng 41), Học viện Tòa án (7 năm, thứ hạng 93).

Tuy nhiên, một số trường dù có tuổi đời cao nhưng lại có thứ hạng chưa tương xứng như Trường ĐH Y Hà Nội (77 năm, thứ hạng 29), Trường ĐH Y Dược TP.HCM (75 năm, thứ hạng 49), Trường ĐH Hải Phòng (63 năm, thứ hạng 78), Trường ĐH Lâm nghiệp (53 năm, thứ hạng 90).

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Vinh San – thành viên thực hiện VNUR – cho biết hiện trạng của các bảng xếp hạng ĐH trên quốc tế đều chỉ ra rằng các trường ĐH có thứ hạng cao thường có tuổi đời lâu năm hơn cả.

Bảng xếp hạng ĐH của Việt Nam cũng có kết quả tương tự. Cụ thể là tuổi đời trung bình của trường ĐH để lọt vào top 100 là 34 năm – số tuổi khá cao trong bối cảnh nền giáo dục ĐH khá non trẻ của Việt Nam vốn được bắt đầu từ năm 1945.

Lý giải về việc một số trường đào tạo ngành y có lịch sử lâu đời ở Việt Nam và luôn có cạnh tranh trong tuyển sinh rất cao nhưng thứ hạng lại thấp hơn trường “trẻ”, ông San cho rằng điều này cũng bình thường vì nhiều người thường đánh giá các trường dựa vào mức độ cạnh tranh hay điểm chuẩn đầu vào.

Trong khi xếp hạng lại xét nhiều tiêu chí, bên cạnh các trọng số. “Bảng xếp hạng bao giờ cũng có lợi thế hơn cho các trường đa ngành. Còn các trường chuyên ngành thường thiệt thòi hơn. Nên nhóm đã có bộ lọc để có thể so sánh trong từng lĩnh vực” – ông San cho biết thêm.

Tiêu chí nào?

Theo nhóm thực hiện VNUR, để thực hiện bảng xếp hạng này, nhóm đã tiến hành rà soát tất cả 237 cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam thông qua việc xử lý dữ liệu thông tin rất lớn bao gồm các báo cáo “ba công khai”, các đề án tuyển sinh, các dữ liệu về xếp hạng (ranking), kiểm định (accreditation), định hạng (rating) vào năm 2022 của Bộ GD&ĐT, QS, THE, QS Stars, UPM, dữ liệu của Web of Science trong giai đoạn năm năm (2018 – 2022), dữ liệu về hoạt động khoa học công nghệ và sáng chế của Bộ Khoa học và Công nghệ cùng nhiều thông tin được tham khảo có chọn lọc trên các trang web có liên quan.

Tổng cộng có 191 trường có đầy đủ số liệu để thực hiện xếp hạng. Việc xếp hạng được thực hiện thông qua chỉ số gồm sáu tiêu chuẩn và 17 tiêu chí được lựa chọn, phản ánh khá toàn diện các chức năng hoạt động cơ bản của các cơ sở giáo dục ĐH như đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng.

Sáu tiêu chuẩn dùng để xếp hạng với các tỉ trọng cụ thể gồm: chất lượng được công nhận (30%), dạy học (25%), công bố bài báo khoa học (20%), nhiệm vụ khoa học công nghệ và sáng chế (10%), chất lượng người học (10%), cơ sở vật chất (5%).

Nhận định về bảng xếp hạng VNUR 2023, PGS.TS Đỗ Văn Dũng (chuyên gia giáo dục ĐH) cho rằng: “Bảng xếp hạng này chỉ dựa vào thông tin trên web chủ yếu báo cáo “ba công khai”.

Trong khi thực tế nhiều trường ĐH không cập nhật, còn một số trường thì số liệu chưa kiểm chứng. Muốn thông tin so sánh chính xác thì phải có đoàn đánh giá đến từng trường, chứ ngồi một chỗ mà phán thì không khác gì thầy mù xem voi”.

Còn theo TS Lê Trường Tùng – chủ tịch hội đồng Trường ĐH FPT, bảng xếp hạng VNUR 2023 giống xếp hạng quốc tế. “Xem các tiêu chí trong phương pháp xếp hạng của bảng vừa công bố, nếu trường nào có kiểm định quốc tế thì sẽ được xếp hạng cao hơn trường được kiểm định trong nước.

Kết quả xếp hạng này có người nói là có ý nghĩa, có người nói là không. Tuy nhiên, phải nhận thức trường học không phải là đấu trường, các trường tồn tại không phải để đấu với nhau xem thứ hạng thế nào, cho nên đừng có so sánh hơn thua” – ông Tùng nói.

Bảng xếp hạng VNUR được thực hiện trong khuôn khổ hoạt động của Công ty TNHH phi lợi nhuận VEINDEX. Nhóm thực hiện VNUR gồm: Nguyễn Lộc – nguyên cán bộ nghiên cứu, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam (VNIES), Nguyễn Vinh San – Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), Châu Dương Quang – Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), Nguyễn Thị Lan Phương – VNIES… cùng nhiều cộng tác viên khác.
Infographic: Bảng xếp hạng 100 trường đại học Việt Nam 2023Infographic: Bảng xếp hạng 100 trường đại học Việt Nam 2023

Viet Nam’s University Rankings (VNUR) vừa công bố bảng xếp hạng 100 trường đại học Việt Nam năm 2023.