Xã hội hóa biên soạn SGK: Huy động trí tuệ, tài chính toàn xã hội

Hướng đi đúng của xã hội mở

Theo GS Phạm Minh Hạc: Ngày 28/11/2014, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Một trong những đổi mới cơ bản của Nghị quyết này là thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. Cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

“Thực hiện Nghị quyết 88, tôi được biết có 3 nhà xuất bản gửi 5 bộ sách giáo khoa gồm 49 đầu sách của đầy đủ các môn học và hoạt động giáo dục lớp 1 về Bộ GD&ĐT đề nghị thẩm định. Kết quả, có 46 đầu sách giáo khoa được Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa đánh giá “Đạt”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt cho phép sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông. Rõ ràng, các tổ chức, cá nhân đã tích cực tham gia vào chủ trương này.

Cá nhân tôi cho rằng, xã hội hóa biên soạn, xuất bản sách giáo khoa là việc làm đúng đắn và cần thiết, có ích, đáng được hoan nghênh. Nhà nước không thể “ôm” mọi việc mà nên để các lực lượng xã hội cùng tham gia đầu tư cả về trí tuệ và tài chính – đó là con đường phát triển đúng đắn của một xã hội mở như ngày nay” – GS Phạm Minh Hạc nhận định.

Ảnh minh họa/ INT

Chất lượng từ cạnh tranh công bằng

Thực hiện xã hội hóa trong biên soạn, xuất bản sách giáo khoa, một mặt động viên được nhiều nguồn trí tuệ khác nhau cùng tham gia viết sách; một mặt tạo sự cạnh tranh, từ đó kéo theo chất lượng các bộ sách được nâng lên. Ngân sách Nhà nước cũng không phải “gánh” trọn như lúc chỉ có một bộ sách giáo khoa. Bên cạnh đó, khi có các bộ sách đa dạng, phong phú, địa phương, nhà trường, thầy cô giáo, học sinh, phụ huynh học sinh ở các khu vực, tỉnh thành khác nhau có nhiều lựa chọn phù hợp với thực tế dạy học. Rõ ràng, cách làm này hiệu quả, tốt hơn về mọi mặt so với việc độc quyền biên soạn, xuất bản sách giáo khoa.

Đưa ra quan điểm trên, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng cho rằng: Nghị quyết 88 đã đi vào cuộc sống, bước đầu có kết quả với việc ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và 5 bộ sách giáo khoa được phê duyệt. Theo dõi trên phương tiện thông tin đại chúng, các bộ sách bước đầu được giáo viên, học sinh, phụ huynh đánh giá khá tốt. Như vậy, không cần phải làm thêm bộ sách giáo khoa dùng đến ngân sách Nhà nước là chủ trương nên ủng hộ. Bởi làm một bộ sách tốn rất nhiều công sức, tiền của. Chúng ta đã có những bộ sách đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, vì vậy, việc tốn thêm ngân sách Nhà nước, công sức cho một bộ sách nữa là không cần thiết.

Số kinh phí đó, theo GS Phạm Minh Hạc nên để sử dụng cho việc xây dựng trường lớp ở những nơi còn thiếu trường, thiếu lớp, hoặc trường lớp tranh tre nứa lá để học sinh, giáo viên có điều kiện dạy và học tốt hơn.

Tôi đã đi khắp 5 châu, thấy rằng trên thế giới nhiều nước không đạt được trình độ phát triển giáo dục như ở nước ta. Có được điều này là công sức của cả dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó có những nhà lãnh đạo như Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều nhà lãnh đạo từ các thế hệ trước, trong và sau chiến tranh đều chú ý phát triển giáo dục. – GS.VS Phạm Minh Hạc