Vừa dạy vừa tập huấn kín mít tuần, thầy cô giáo than ‘không còn sức’

Giáo viên các trường THCS Q.4, TP.HCM tập huấn chương trình giáo dục phổ thông mới – Ảnh: NHƯ HÙNG

Thời điểm này, các sở GD-ĐT gấp rút tập huấn giáo viên tiểu học và trung học. Cùng với đó là triển khai những chỉ đạo mới tiệm cận với chương trình giáo dục phổ thông 2018. Điều này tạo áp lực lớn cho giáo viên.

“Các lớp tập huấn, bồi dưỡng nên tổ chức trong dịp hè để giảm bớt gánh nặng cho giáo viên.

Một giáo viên ở TP.HCM

Cả buổi tối và cuối tuần

“Chúng tôi nhận lịch bồi dưỡng về phương pháp, nội dung để giảng dạy liên môn mà choáng váng vì phải đi học vào tối thứ hai, tư, sáu từ 17h30 – 21h và nguyên ngày chủ nhật. Đây là lớp tập huấn dành cho giáo viên dạy môn lịch sử và địa lý, môn khoa học tự nhiên của chương trình mới. Vì vậy, những giáo viên môn sử, địa, lý, hóa, sinh ngoài việc tập huấn chương trình mới theo modul thì phải học thêm lớp tập huấn dạy học liên môn này trong bốn tháng…” – một giáo viên ở Q.3, TP.HCM than thở.

Ngoài ra, giáo viên này nói thêm: “Chúng tôi không đồng tình với lịch học nên lớp học vẫn chưa diễn ra. Tôi hi vọng lớp học dời đến hè năm 2021 vì hiện tại giáo viên tập huấn theo chương trình mới đã đến modul 2, mệt mỏi lắm rồi!”.

Trong khi đó, nhiều giáo viên bậc THCS ở Q.7, Nhà Bè (TP.HCM) bức xúc cho biết họ đã đi bồi dưỡng được hơn hai tháng. “Lịch học là một ngày trong tuần và một ngày chủ nhật. Ban tổ chức lớp học bắt chúng tôi phải đi học vào ngày nghỉ. Chủ nhật đáng lẽ phải để cho chúng tôi tái tạo sức lao động, sum họp bên gia đình, dạy dỗ con cái… thì nay phải đi học.

Chúng tôi cũng không thể toàn tâm toàn ý cho việc học khi vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ của người giáo viên ở trường như giảng dạy, soạn giáo án, ra đề kiểm tra, chấm bài…” – cô Th., giáo viên môn sử ở TP.HCM, phân tích.

Tạo thêm áp lực

Tương tự, một giáo viên ở Hải Phòng cho biết quá oải với “các kiểu đổi mới liên tục” của Bộ GD-ĐT. Trong khi đó, một giáo viên trung học phải đảm nhận rất nhiều việc ở trường như dạy đủ số tiết, bồi dưỡng học sinh giỏi, chuẩn bị kế hoạch ôn tập cho học sinh cuối cấp, giải quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm.

“Cả ngày ở trường, về nhà còn chấm bài, chuẩn bị cho bài dạy, viết báo cáo, trao đổi với phụ huynh… Giáo viên không còn sức để tiếp cận với những đổi mới quá nhiều” – giáo viên này nói.

“Nói một cách khách quan thì phương pháp tập huấn của Bộ GD-ĐT cũng có nhiều điểm mới tích cực, yêu cầu người được tập huấn phải học thật, thi thật. Ví dụ như các bài tập huấn online có nhiều chỗ khô khan nhưng người học không được “tua” qua cho nhanh mà phải xem cho kỹ. Vì nếu giáo viên làm bài tập sai sẽ phải làm lại.

Thế nhưng, việc yêu cầu người thầy giáo phải soạn giáo án một cách chi tiết, tỉ mỉ chỉ tạo thêm áp lực. Nếu làm đúng như những gì được tập huấn thì chúng tôi phải soạn giáo án mỗi bài dạy khoảng bảy trang giấy với rất nhiều mục theo quy định. Điều này không phù hợp với thực tế và khiến cho chúng tôi chỉ làm theo kiểu đối phó” – thầy Kh., giáo viên môn hóa ở TP.HCM, nhận định.

Bộ GD-ĐT nói gì?

Ông Nguyễn Xuân Thành – vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Bộ GD-ĐT – khẳng định nội dung giáo viên đang được tập huấn có nhiều cái đã triển khai nhiều năm qua, chính giáo viên cũng đang thực hiện.

Tuy nhiên, theo yêu cầu mới có những căn chỉnh một chút, hoặc thay đổi tên gọi để chuẩn xác hơn. Trong quá trình tập huấn, cách trao đổi hướng dẫn giáo viên khiến họ nhầm tưởng là phải thay đổi, thực hiện những nội dung hoàn toàn mới một cách cứng nhắc nên bị ngợp, thấy khó khăn.

Ông Thành ví dụ có nhiều phương pháp dạy học tích cực đã từng được đưa vào các nhà trường thực hiện trong nhiều năm qua với các hình thức khác nhau. Chẳng hạn như thí điểm, áp dụng đại trà, khích lệ giáo viên đổi mới sáng tạo. Giáo viên có tâm lý phải áp dụng “đổi mới” nhiều quá. Bây giờ khi tiếp cận modul tập huấn phương pháp dạy học lại mới nên lo lắng. Nhưng tựu trung các phương pháp dạy học tích cực đều có điểm chung là tổ chức cho học sinh hoạt động.

“Trước đây, giáo viên quen với khái niệm “lý thuyết và bài tập” thì bây giờ tên gọi chỉ khác đi là xây dựng kiến thức mới và luyện tập. Luyện tập ở đây không chỉ là làm bài tập mà là hoạt động thực hành, vận dụng vào thực tế, trải nghiệm…

Giáo viên không bị khuôn cứng vào bài dạy lý thuyết và hướng dẫn bài tập như trong sách giáo khoa mà được giao quyền chủ động lựa chọn các phương pháp khác nhau, hình thức luyện tập khác nhau áp dụng cho học sinh.

Trong quá trình đó, giáo viên cũng thực hiện đổi mới kiểm tra thường xuyên, như hỏi – đáp, chấm sản phẩm học tập. Tôi nghĩ việc này nhiều nhà trường làm rồi, nhiều giáo viên làm tốt rồi. Nếu chúng ta trao đổi với giáo viên một cách giản dị, ứng với bài dạy thực tế của từng môn học mà các thầy cô đang làm thì tôi tin giáo viên sẽ không thấy khó khăn, mơ hồ” – ông Nguyễn Xuân Thành cho biết.

Chỉ để điểm danh

Tại Hà Nội, một số giáo viên cho biết “tập huấn trực tuyến” không hiệu quả vì chỉ nghe một chiều qua màn hình. Vì không thấy thiết thực, không hiểu nên nhiều giáo viên đến dự để điểm danh và làm việc khác.

30.000 giáo viên tập huấn tập trung

giao vien

Giáo viên tập huấn trực tuyến chương trình giáo dục phổ thông mới – Ảnh: NHƯ HÙNG

Trao đổi về tình trạng “quá tải” của giáo viên khi vừa phải đi dạy, vừa tập huấn chương trình mới, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết Bộ GD-ĐT cũng lường đến việc đó. Trong kế hoạch tập huấn của Bộ GD-ĐT, việc tập huấn tập trung chỉ thực hiện với giáo viên cốt cán.

“Ở bậc trung học có khoảng 30.000 giáo viên cốt cán của 30.000 trường tham dự tập huấn tập trung. Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các sở GD-ĐT bố trí mỗi cụm trường tham gia tập huấn có đủ giáo viên của tất cả các môn học. Giáo viên cốt cán có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch hỗ trợ đồng nghiệp theo môn học trong cụm trường.

Họ sẽ có tài khoản để truy cập, tương tác, trao đổi với giáo viên, trả lời các câu hỏi, hướng dẫn giáo viên khác tháo gỡ vướng mắc. Những vấn đề giáo viên cốt cán cũng vướng thì các giảng viên sư phạm chịu trách nhiệm về tập huấn phải giải đáp. Giáo viên cốt cán sẽ được tính thù lao tăng giờ dạy khi đảm nhiệm công việc này” – ông Thành cho biết.

Theo đó, ngoài giáo viên cốt cán, các giáo viên diện đại trà chủ yếu thực hiện việc bồi dưỡng thường xuyên qua quá trình tự tìm hiểu, tự bồi dưỡng và qua sinh hoạt chuyên môn trong các tổ bộ môn của trường/cụm trường. Mỗi giáo viên có một tài khoản để truy cập vào nguồn tài liệu tập huấn. Trong đó có các video giới thiệu các modul để giáo viên tự nghiên cứu, trao đổi trong tổ chuyên môn. Tài liệu sẽ tiếp tục được cập nhật đủ cho các môn học.

“Việc tập huấn sẽ mang đến tận từng trường bằng ứng dụng CNTT cũng là để tạo điều kiện cho mọi giáo viên được tiếp cận, nắm được tinh thần của chương trình mới với những yêu cầu, hướng dẫn cụ thể chứ không phải qua các đợt tập huấn các cấp, do người đi tập huấn trước đó truyền đạt lại cho người sau dẫn tới “tam sao thất bản”.

Cách thức này cũng khích lệ giáo viên tự học, tự nghiên cứu ngay trong quá trình dạy học, là động lực để các tổ chuyên môn trong mỗi nhà trường thay đổi nội dung sinh hoạt thiết thực hơn” – ông Thành chia sẻ.

Việc “tự bồi dưỡng” đều có thể giám sát qua ứng dụng công nghệ thông tin cũng như phát huy ưu điểm của việc thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường theo hướng dẫn vừa được Bộ GD-ĐT ban hành.

Ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng: “Nếu sở GD-ĐT nào chỉ tập trung giáo viên dự tập huấn online một đợt hay vài buổi là không đúng tinh thần. Cho tới thời điểm này, giáo viên nào chưa truy cập vào tài khoản cá nhân được cấp để tự tìm hiểu tài liệu, video tập huấn thì nên thực hiện và tăng cường tương tác, tăng cường trao đổi trong tổ chuyên môn thay vì chỉ trông chờ vào các đợt tập trung để tập huấn trực tiếp hoặc online”.

Chưa tập huấn xong, giáo viên đã phải dạy chương trình lớp 1 mớiChưa tập huấn xong, giáo viên đã phải dạy chương trình lớp 1 mới

TTO – Nhiều giáo viên vẫn giữ thói quen dạy bám theo sách giáo khoa, không nghiên cứu kỹ chương trình giáo dục phổ thông mới. Những điểm khác biệt căn bản giữa chương trình cũ và mới chưa được hiểu đúng và thực hiện.