Trường đại học Công nghiệp Hà Nội sẽ lập thêm 3 trường trực thuộc

Trường đại học Công nghiệp Hà Nội dự kiến thành lập thêm 3 trường trực thuộc năm 2024 và 2025 – Ảnh: Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội

Ngày 16-2, Trường đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết trong năm 2024 và 2025 nhà trường dự kiến thành lập thêm 3 trường là Trường Điện – Điện tử, Trường Kinh tế quản lý, Trường Công nghệ thông tin truyền thông.

Trước đó Trường đại học Công nghiệp Hà Nội đã có hai trường thành viên gồm Trường Ngoại ngữ – Du lịch và Trường Cơ khí – Ô tô.

Trong đó, Trường Ngoại ngữ – Du lịch được thành lập vào tháng 2-2021, trên cơ sở nhập khoa Ngoại ngữ (thành lập năm 2005) và khoa Du lịch (thành lập năm 2000).

Trường Cơ khí – Ô tô được thành lập vào tháng 8-2023, dựa trên cơ sở sáp nhập và phát triển Khoa Cơ khí và Khoa Công nghệ ô tô.

Theo nhà trường, việc thành lập trường trực thuộc nằm trong định hướng trở thành đại học đào tạo, nghiên cứu khoa học ứng dụng đa năng, phát triển theo mô hình đại học thông minh.

Trong lộ trình trở thành đại học, nhà trường chủ trương hoạt động đào tạo phải gắn với thực tiễn nhầm cung cấp ra thị trường lao động đội ngũ nhân sự có chất lượng cao, có khả năng làm việc trong thực tế.

Trường đại học Công nghiệp Hà Nội hiện đào tạo 32.000 sinh viên, mỗi năm nhà trường tuyển trên 7.000-7.500 sinh viên đại học.

Theo lộ trình, đến năm 2025, nhà trường phấn đấu đạt đủ các điều kiện để chuyển thành đại học theo quy định của Chính phủ.

Việc nâng cấp từ trường đại học lên thành đại học sẽ là cơ hội để Trường đại học Công nghiệp Hà Nội đổi mới cấu trúc và hệ thống quản trị bên trong, từ đó giúp tinh gọn hơn bộ máy quản lý, tập trung nguồn lực để phát triển hiệu quả hơn.

Điều kiện chuyển từ trường đại học lên đại học

Hiện, cả nước có 7 đại học gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế TP.HCM.

Theo nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, để được chuyển từ trường đại học lên đại học, các trường phải đáp ứng các điều kiện:

– Trường đại học đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp;

– Có ít nhất ba trường thuộc trường đại học được thành lập theo quy định; có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người;

– Có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp đối với trường đại học công lập; có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp đối với trường đại học tư thục; trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

Trường đại học Bách khoa chuyển thành Đại học Bách khoa: Có gì khác biệt?Trường đại học Bách khoa chuyển thành Đại học Bách khoa: Có gì khác biệt?

TTO – Câu chuyện Trường đại học Bách khoa vừa được chuyển đổi thành Đại học Bách khoa đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Theo Luật giáo dục đại học, “đại học” và “trường đại học” là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.