Trường chuyên: Bồi dưỡng năng khiếu trên cơ sở giáo dục toàn diện

Chú trọng giáo dục toàn diện

Trường chuyên được quy định trong Luật Giáo dục 2019, như vậy chúng ta không phải bàn về tính hợp pháp. TS Nguyễn Văn Cường cho rằng: Trường chuyên tồn tại do yêu cầu từ thực tế. Nếu được vận hành đúng hướng, đây là nơi ươm tạo nguồn lực chất lượng cao, thậm chí nhân tài cho đất nước. Điều quan trọng, bồi dưỡng năng khiếu cần trên cơ sở giáo dục toàn diện, không phải vì thành tích thi cử mà đào tạo phiến diện.

“Các trường chuyên ở Việt Nam đã chú ý giáo dục toàn diện. Đó là hướng đi đúng” – TS Nguyễn Văn Cường nhận định.

“Trường chuyên ở Việt Nam có lịch sử tồn tại khá lâu; nên việc duy trì hệ thống trường chuyên có lý do lịch sử và ý nghĩa trong đào tạo nhân lực. Cần có mô hình trường chuyên hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực, gắn liền với hiểu biết mới về khoa học giáo dục”. Lý giải quan điểm này, theo TS Nguyễn Văn Cường, bối cảnh mới yêu cầu người lao động cần kiến thức rộng, liên môn, nên trường chuyên cần hỗ trợ phát triển năng khiếu trên nền kiến thức phổ thông toàn diện. Điều đó cũng phù hợp với quan điểm giáo dục toàn diện. Mô hình “luyện gà chọi” theo kiểu cắt giảm nội dung giáo dục để tập trung cho môn năng khiếu không còn phù hợp và có thể gây hại cho người học.

Nhấn mạnh thêm vai trò, đóng góp của mô hình này với giáo dục Việt Nam, TS Nguyễn Văn Cường nhận định: Trường chuyên ở Việt Nam đóng góp lớn trong giáo dục học sinh năng khiếu. Nhiều học sinh trường chuyên có thành tích cao tại kỳ thi khu vực và quốc tế và cũng có nhiều người thành công trong chuyên môn, sự nghiệp.

TS Nguyễn Văn Cường, ĐH Potsdam, CHLB Đức.

Trường chuyên phải tuyển học sinh có năng khiếu thực sự

Trước ý kiến cho rằng, mô hình trường chuyên góp phần tạo bất bình đẳng trong giáo dục, TS Nguyễn Văn Cường không đồng tình với quan điểm này. “Theo tôi hiểu, trường chuyên là trường dành cho học sinh có năng khiếu thực sự và đầu tư quốc gia cho hỗ trợ học sinh năng khiếu là cần thiết. Không thể khái quát trường chuyên Việt Nam là trường của người giàu. Chỉ trường tư mới có thể dành riêng cho người giàu” – TS Nguyễn Văn Cường nói và làm rõ thêm: Đối tượng tuyển chọn là học sinh năng khiếu, không phải học sinh con nhà giàu. Thực tế, nhiều học trò con nhà nghèo, con em nông dân ở nông thôn đã và đang học các trường chuyên. Tuy nhiên có một thực tế khác được TS Nguyễn Văn Cường đưa ra. Đó là một số con nhà giàu có thể không phải là có năng khiếu tốt, nhưng được đầu tư học thêm, luyện thi vào trường chuyên, nhất là ở các thành phố lớn.

Khẳng định việc duy trì các trường chuyên công lập ở Việt Nam là nên và cần thiết (đào tạo học sinh năng khiếu, kể cả con nhà nghèo được phát triển năng khiếu, tài năng), TS Nguyễn Văn Cường đồng thời gợi ý: Để mô hình trường chuyên hoạt động hiệu quả, đóng góp tốt hơn cho giáo dục Việt Nam, cần trung thành với nguyên tắc hỗ trợ năng khiếu trên cơ sở phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực. Mặt khác, cần cải tiến phương pháp tuyển sinh để tuyển được những học sinh có năng khiếu thực sự chứ không phải được học trước chương trình hoặc sluyện thi để vào trường năng khiếu.

Trên thế giới vẫn tồn tại các trường chuyên nhưng không quá phổ biến và cũng có những ý kiến khác nhau về mô hình này. Tuy nhiên, nhiều nước có các chính sách hỗ trợ học sinh năng khiếu. Các bang của CHLB Đức đều có chính sách hỗ trợ học sinh năng khiếu (lớp chuyên hoặc các khóa học bồi dưỡng cho học sinh năng khiếu). – TS Nguyễn Văn Cường