Tinh giản chương trình giáo dục phổ thông: Giảm lượng, tăng chất

Có thời gian thực hiện phương pháp giảng dạy mới

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Với mục tiêu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017 – 2018, Bộ GD&ĐT ban hành Công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH. Trong đó có yêu cầu các cơ sở giáo dục tiếp tục rà soát nội dung dạy học trong sách giáo khoa hiện hành, tinh giản những nội dung dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; điều chỉnh để tránh trùng lặp nội dung giữa các môn học, hoạt động giáo dục…

Căn cứ chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, lựa chọn chủ đề, rà soát nội dung bài học trong sách giáo khoa hiện hành tương ứng với chủ đề đó để sắp xếp lại thành một số bài học tích hợp của từng môn học hoặc liên môn; từ đó, xây dựng kế hoạch giáo dục cho từng môn học, hoạt động giáo dục theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường.

“Khi tinh giản sẽ giúp giáo viên, học sinh có nhiều thời gian hơn để thực hiện các phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá mới theo hướng hình thành và phát triển năng lực người học” – khẳng định điều này, PGS Nguyễn Xuân Thành cũng cho biết: Thực hiện các nội dung trong Công văn số 4612, giao cho cơ sở giáo dục tự làm. Trên thực tế, có những trường làm tốt việc này, xây dựng được kế hoạch giáo dục nhà trường theo hướng tinh giản; nhưng cũng có nhiều trường còn khó khăn trong triển khai, thực hiện.

Do đó, lần này, Bộ GD&ĐT muốn phát triển thêm một bước nữa so với Công văn 4612. Theo đó, sẽ hướng dẫn cụ thể nội dung nào không phải dạy, nội dung nào là hướng dẫn học sinh tự học, bài học nào có thể thiết kế thành chủ đề, nội dung nào có thể là chủ đề liên môn…

Các nhà trường tiếp tục thực hiện Công văn 4612, nhưng có thêm căn cứ cụ thể hơn để xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường. Tinh giản lần này khác với tinh giản nội dung dạy học trong học kỳ II năm học 2019 – 2020 trong dịch Covid-19 là không giảm khung thời gian dạy học. “Lượng giảm đi, nhưng chất sẽ tăng lên vì học sinh có thêm thời gian để hoạt động, học tập tích cực hơn” – PGS Nguyễn Xuân Thành khẳng định.

Tinh giản chương trình giúp giáo viên và học sinh đầu tư nhiều hơn vào các tiết thực hành.

Tập huấn cán bộ cốt cán

Cũng theo PGS Nguyễn Xuân Thành, đầu tháng 6, Bộ GD&ĐT đã hoàn thành các đợt tập huấn về xây dựng kế hoạch giáo dục môn học/hoạt động giáo dục cho tổ trưởng chuyên môn cốt cán các trường THPT của 63 tỉnh thành.

Tại khoá tập huấn, các tổ trưởng chuyên môn được hướng dẫn thực hiện rà soát tinh giản nội dung dạy học, xây dựng kế hoạch hoạt động chuyên môn, kế hoạch giáo dục môn học/hoạt động giáo dục trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực người học; được hướng dẫn về đổi mới kiểm tra đánh giá theo định hướng Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Sau đợt tập huấn, giáo viên của các tổ chuyên môn sẽ đề xuất nội dung tinh giản, xây dựng các chủ đề, nhóm chủ đề theo nội dung đã tinh giản. Cùng với kênh này, Bộ GD&ĐT sẽ mời các chuyên gia, nhà khoa học để tiến hành tư vấn cho Bộ GD&ĐT ban hành hướng dẫn về tinh giản chương trình.

Trước đó, để ứng phó với dịch bệnh Covid-19, Bộ GD&ĐT đã tinh giản nội dung dạy học của chương trình học kỳ II năm học 2019 – 2020; bảo đảm các cơ sở giáo dục hoàn thành chương trình trước ngày 15/7.