Thi tốt nghiệp THPT năm nay có gì mới, trường công an tuyển sinh ra sao?

TS Lê Mỹ Phong, Phó cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Sáng 17-3, Ngày hội Tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2024 do báo Tuổi Trẻ phối hợp các đơn vị tổ chức được khai mạc tại ĐH Bách khoa Hà Nội (số 1 Đại Cồ Việt, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Năm lưu ý thi tốt nghiệp THPT 2024

Tại ngày hội, TS Lê Mỹ Phong, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 cơ bản giữ ổn định như năm 2023. Tuy nhiên ông vẫn có năm lời khuyên để các bạn học sinh sẽ dự thi năm nay lưu tâm.

Thứ nhất, để tự tin bước vào kỳ thi và thu nhận kết quả tốt, các em cần chủ động ôn tập, bám sát nội dung được dạy học ở trường và sách giáo khoa. Ngoài ra các em có thể rèn luyện bằng cách làm các đề thi dựa theo cấu trúc đề thi minh họa đã được Bộ GD-ĐT ban hành.

Trong quá trình rèn luyện, các em không chỉ ghi nhớ tốt kiến thức mà còn rèn kỹ năng làm bài thi để có tâm lý vững vàng khi bước vào kỳ thi.

Thứ hai, các em cần lưu ý việc chọn môn thi. Theo quy định, học sinh dự thi để xét tốt nghiệp THPT năm nay sẽ phải đăng ký thi 4 bài trong tổng số 5 bài thi của kỳ thi này. Trong đó có bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 trong 2 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.

“Các em học ngoại ngữ là tiếng Anh, nhưng vẫn có thể đăng ký thi ngoại ngữ khác như tiếng Pháp, tiếng Trung, Tiếng, Đức…”, thầy Mỹ Phong lưu ý.

Thứ ba, với thí sinh tự do (đã tốt nghiệp nhưng dự thi để sử dụng kết quả xét tuyển đại học) chỉ muốn dự thi 1-2 môn thành phần của bài thi tổ hợp, cần nghe phổ biến kỹ quy định thời gian nào vào phòng thi, thời gian chờ để thi. Trường hợp thí sinh thi môn thành phần đầu tiên và sau cùng thì thời gian chờ ở đâu…

Thí sinh chưa tốt nghiệp THPT sẽ phải làm trọn vẹn 1 trong 2 bài thi tổ hợp. Thí sinh tự do có thể được chọn môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp dự thi để xét tuyển đại học nhưng cũng không được đồng thời chọn môn thi thành phần của cả hai bài thi tổ hợp.

Thứ tư, mỗi thí sinh sẽ được cấp 1 tài khoản phục vụ việc dự thi và xét tuyển. Các em cần bảo mật tài khoản này để đảm bảo không bị người khác truy cập, sửa chữa thông tin của mình.

Trong kỳ thi năm nay, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các đơn vị dự thi phải hỗ trợ thí sinh một số việc, ví dụ như tra cứu thông tin về diện ưu tiên khu vực để cung cấp cho thí sinh đăng ký chính xác. Các em cần nhớ cập nhật đủ dữ liệu để đảm bảo quyền lợi.

Thứ năm, thí sinh cần đọc kỹ quy chế và lưu ý phần trách nhiệm của thí sinh khi dự thi để biết các em được và không được mang gì vào phòng thi, tránh bị xử lý kỷ luật, ảnh hưởng đến kết quả thi.

“Kỳ thi năm 2023 vẫn có 41 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi bị đình chỉ thi. Đây là điều rất đáng tiếc vì có em chỉ vì quên, vì không nắm được quy chế mà phải dừng lại”, thầy Phong nói.

Không phải đăng ký xét tuyển theo tổ hợp, phương thức?

Phụ huynh đặt câu hỏi cho ban tư vấn - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Phụ huynh đặt câu hỏi cho ban tư vấn – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Khá nhiều phụ huynh, học sinh tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp Hà Nội đặt lại câu hỏi này vì “đã nghe nói rồi nhưng vẫn sợ sai”.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, khẳng định theo quy định của Bộ GD-ĐT, thí sinh sẽ chỉ đăng ký nguyện vọng theo ngành/trường mà không cần đăng ký nguyện vọng theo phương thức, tổ hợp xét tuyển.

Tuy nhiên, thí sinh cần nhớ phải cập nhật lên hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT tất cả những dữ liệu có thể phục vụ cho việc xét tuyển như điểm học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ đánh giá năng lực, các chứng nhận để cộng điểm ưu tiên, khuyến khích theo quy chế Bộ GD-ĐT ban hành.

Bà Thủy nhắc lại một quy định cũ, nhưng vẫn “mới” với nhiều học sinh và phụ huynh năm nay đó là các thí sinh sau khi đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm của các trường vẫn phải đăng ký nguyện vọng đã trúng tuyển sớm lên hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT và nộp lệ phí xét tuyển tương ứng với số nguyện vọng đã đăng ký thì mới hợp lệ.

Hệ thống này sẽ chỉ xác nhận thí sinh trúng tuyển 1 nguyện vọng duy nhất. Vì thế trên hệ thống này, thí sinh cần sắp xếp thứ tự đặt nguyện vọng mình yêu thích lên trên. Thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng nào, hệ thống sẽ dừng lại ở nguyện vọng đó, không xét tiếp.

Câu hỏi nhiều phụ huynh lo lắng từ mấy mùa tuyển sinh gần đây cũng được nhắc lại “có phải đặt nguyện vọng 1 cho ngành đã trúng tuyển sớm không?”. Bà Nguyễn Thu Thủy khẳng định, trên hệ thống của Bộ GD-ĐT thí sinh chỉ cần quan tâm tới một nguyên tắc: ngành nào thích nhất đặt lên trước.

Trường hợp các nguyện vọng đã trúng tuyển sớm nhưng không phải ngành thích nhất, thí sinh có thể xếp sau. Nếu các ngành thí sinh thích không đủ điều kiện trúng tuyển thì hệ thống sẽ vẫn xét đến ngành các em đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm (theo quy định của các trường).

Chứng chỉ ngoại ngữ năm nay “hết thời”?

Bạn Phương Anh đang tư vấn giúp phụ huynh hiểu hơn về Học viện khoa học quân sự - Ảnh: DANH KHANG

Bạn Phương Anh đang tư vấn giúp phụ huynh hiểu hơn về Học viện khoa học quân sự – Ảnh: DANH KHANG

Một số thí sinh và các bậc phụ huynh băn khoăn về thông tin năm nay nhiều trường đại học sẽ không xét tuyển phương thức có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Bên lề phiên tư vấn, chị Hoàng Thị Nhàn, một phụ huynh cho biết con chị đã dành nhiều thời gian để luyện thi IELTS, nhưng năm nay nghe nói chứng chỉ ngoại ngữ đã “hết thời”.

Chia sẻ tại phiên tư vấn, TS Nguyễn Thị Cúc Phương – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội, khẳng định không có chuyện các trường từ chối chứng chỉ ngoại ngữ trong tuyển sinh. Vì các chứng chỉ ngoại ngữ đáng tin cậy đánh giá năng lực ngoại ngữ của người học, điều đó rất cần thiết trong bối cảnh hội nhập sâu như hiện nay. Không chỉ tuyển sinh mà trong chuẩn đầu ra của trường đại học cũng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ.

Cô Cúc Phương cho hay nhiều trường năm nay sẽ vẫn có những phương thức xé tuyển có dùng chứng chỉ ngoại ngữ. Dĩ nhiên ngoại ngữ không phải là yếu tố duy nhất mà cần các điều kiện khác để thí sinh có thể trúng tuyển

TS Lê Mỹ Phong – Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cũng cho biết năm nay Bộ GD-ĐT vẫn có quy định miễn thi môn ngoại ngữ để xét tốt nghiệp với thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ nằm trong danh mục Bộ GD-ĐT quy định. Tuy nhiên, để sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ đó để xét tuyển đại học thì tùy thuộc quy định khác nhau của mỗi trường.

Trường công an: 80% chỉ tiêu xét phương thức sử dụng kết quả kỳ thi riêng

Thiếu tá Triệu Thành Đạt, chuyên viên chính, Cục Đào tạo, Bộ Công an - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Thiếu tá Triệu Thành Đạt, chuyên viên chính, Cục Đào tạo, Bộ Công an – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Thiếu tá Triệu Thành Đạt (Cục Đào tạo, Bộ Công an) cho biết các trường của Bộ Công an năm 2024 sẽ sử dụng 3 phương thức xét tuyển: Phương thức xét tuyển theo quy định của Bộ GD-ĐT, phương thức sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ và phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá do Bộ Công an tổ chức.

Trong đó, với phương thức sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ thí sinh cần đảm bảo điều kiện có học lực giỏi ở bậc THPT, điểm trung bình môn ngoại ngữ đạt 8,5 điểm trở lên và chứng chỉ ngoại ngữ phải đạt ngưỡng quy định, ví dụ với chứng chỉ IELTS phải đạt 7.5 trở lên.

Với câu hỏi của một học sinh: “Chỉ tiêu có chia đều cho ba phương thức không? Cơ hội cho nữ như thế nào?”, thầy Triệu Thành Đạt cho biết Bộ Công an sẽ công bố chỉ tiêu cụ thể với các ngành, trường, với nam và nữ trong thời gian tới.

Tuy nhiên, về tổng thể sẽ dành 10% cho phương thức do Bộ GD-ĐT quy định, 10% cho phương thức xét chứng chỉ ngoại ngữ và 80% sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá do Bộ Công an tổ chức. Như vậy, cơ hội sẽ nhiều hơn nếu thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá.

Năm 2024, lãnh đạo sở GD-ĐT vào ban đề thi

TS Lê Mỹ Phong – Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết năm nay ban đề thi không chỉ có lãnh đạo cục, vụ trực thuộc Bộ GD-ĐT mà còn có lãnh đạo các sở GD-ĐT.

Điều chỉnh về nhân sự này để đề thi được ra vừa sức với học sinh, đảm bảo được các mục đích đặt ra của kỳ thi là xét tốt nghiệp THPT, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông và đủ độ tin cậy, đủ tính phân hóa để các cơ sở đào tạo có thể sử dụng vào việc tuyển sinh.

Ông cũng cho biết nếu năm nay thí sinh dự thi chưa đỗ tốt nghiệp hoặc chưa đạt mức điểm để xét tuyển đại học thì có thể thi lại vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 và đề thi phù hợp với chương trình mình được học.

Học sinh dân tộc thiểu số ở Hà Nội có được cộng điểm ưu tiên không? TS Lê Mỹ Phong cho biết theo quy chế sửa đổi, bổ sung quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2024 vừa ban hành, có hai loại điểm cộng là điểm cộng ưu tiên, và khuyến khích.

Với điểm cộng ưu tiên có ưu tiên đối tượng và khu vực. Thí sinh là con em diện chính sách, con em dân tộc thiểu số nếu sống ở thành phố cũng được cộng điểm ưu tiên nhưng mức điểm sẽ khác với thí sinh thuộc đối tượng này sống ở vùng khó khăn.

Điểm khuyến khích sẽ dành cho thí sinh có những giải thưởng, chứng chỉ nằm trong quy định của Bộ GD-ĐT.

Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2024: Ổn định cấu trúc đề thi, thêm thời hạn bảo vệ độ tối mậtQuy chế thi tốt nghiệp THPT 2024: Ổn định cấu trúc đề thi, thêm thời hạn bảo vệ độ tối mật

Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2024 (sửa đổi, bổ sung) vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Đây là năm chuyển giao sang giai đoạn mới nên có một số điểm lưu ý với thí sinh.

Thi tốt nghiệp THPT năm nay có gì mới, trường công an tuyển sinh ra sao?- Ảnh 6.