Thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM: Dự báo điểm chuẩn sẽ tăng

Thủ khoa chuyên toán mê lịch sử

Nguyễn Hồ Tiến Đạt

Với số điểm 1.103, Nguyễn Hồ Tiến Đạt – học sinh lớp 12 chuyên toán Trường THPT chuyên Tiền Giang (tỉnh Tiền Giang) – trở thành thủ khoa kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM.

Chia sẻ với phóng viên Tuổi Trẻ chiều 5-4, Tiến Đạt cho biết rất bất ngờ với kết quả thi lần này bởi trước đó Đạt chỉ dám đặt mục tiêu đạt 1.000 điểm.

“Kết quả lần này khiến tôi khá bất ngờ. Từ hôm thi xong đến nay tôi cũng không mấy quan tâm đến kết quả, chỉ khi nào có thông tin công bố điểm tôi mới lên mạng để coi” – Đạt cho biết.

Nói về cách học, Đạt cho hay ngoài giờ trên lớp, khi về nhà bạn chia nhỏ quỹ thời gian ra để cân bằng giữa việc học và giải trí. “Tôi dành khoảng một tiếng sau khi đi học về để tắm rửa, ăn uống và giải trí. Sau đó tôi ngồi vào bàn học và làm hết bài tập cô giao, rồi đọc qua các bài học ngày mai. Tiếp đó, tôi tìm các bài toán khó để tập giải, lên mạng để giải các đề. Cuối tuần, tôi chọn một vài môn thể thao để chơi” – Đạt nói.

Sinh ra trong gia đình mẹ là giáo viên, ba làm nhân viên ngành viễn thông nên Đạt cũng một vài lần đắn đo trong việc chọn ngành học sau này.

“Có đôi lúc tôi nghĩ sau này mình sẽ theo ngành sư phạm như mẹ. Rồi có lúc tôi lại muốn thành kỹ sư công nghệ. Và hiện giờ, tôi đang có dự định thi vào ngành khoa học máy tính của Trường ĐH Bách khoa (TP.HCM)” – Đạt thổ lộ.

Giỏi các môn khoa học tự nhiên nhưng Đạt có một đam mê rất khác với các bạn trong lớp, đó là khoái tìm hiểu môn lịch sử. Đạt dành nhiều thời gian đọc sách lịch sử, đặc biệt là những giai thoại, những bài viết về các triều đại trong lịch sử.

“Tôi thường xuyên nghe các bạn than phiền về môn lịch sử rằng khô khan, khó học. Nhưng tôi cảm thấy nó rất thú vị nếu biết cách tiếp cận. Đây cũng là lý do tôi chọn ngành khoa học máy tính. Tôi muốn kết hợp giữa công nghệ thông tin và kiến thức lịch sử để viết ra một phần mềm về lịch sử, giúp các bạn học sinh dễ dàng tiếp thu kiến thức lịch sử cũng như hứng thú hơn về môn này” – Đạt chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Kim Thoa – phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Tiền Giang – cho biết Đạt là học sinh chuyên toán của trường nhưng học rất đều các môn. Điểm trung bình kỳ 1 lớp 12 của Đạt đạt 9,9 điểm…

MẬU TRƯỜNG

“Cố gắng hết mình và kết quả khá bất ngờ”

khai

Lê Quang Khải

Lê Quang Khải, học sinh lớp 12A2 chuyên toán Trường Lê Quý Đôn (TP Đà Nẵng), xếp hạng á khoa trong kỳ thi đánh giá năng lực với số điểm 1.099. Chàng trai trầm tính và tự nhận mình có phần khép kín bộc bạch bản thân không có quá nhiều dự tính mà chỉ cố gắng hết mình và kết quả khá bất ngờ.

Khi được hỏi về bí quyết trong việc học, Khải thẳng thắn: “Trong học tập không có bí quyết gì là đúng cho tất cả mọi người. Bởi với mình, mỗi người là riêng biệt, không ai có thể áp đặt hướng giải quyết của mình đối với người khác nên không có bí quyết nào là đúng cả. Nhưng mình nghĩ thứ gần nhất với bí quyết có lẽ là chăm chú nghe thầy cô giảng bài, học bài và làm bài đầy đủ, cũng như chủ động tìm tòi qua sách báo, Internet”.

Khải dự định đăng ký vào ngành khoa học máy tính của Trường ĐH Bách khoa hoặc Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM). Với Khải, máy tính là niềm đam mê lớn. Từ năm lớp 8, bạn đã biết mình có niềm yêu riêng với chiếc máy tính và có ước mơ cháy bỏng sẽ trở thành lập trình viên trong tương lai.

Thầy Nguyễn Đình Minh, chủ nhiệm lớp 12A2 chuyên toán Trường THPT Lê Quý Đôn, nhìn nhận Khải tuy khá trầm tính nhưng rất hòa đồng. Điều đặc biệt là suốt 12 năm Khải đều là học sinh giỏi và xuất sắc, “ẵm” nhiều giải thưởng lớn của các cuộc thi toán.

ĐOÀN NHẠN

Đi ngủ sớm và giữ tinh thần thoải mái

bui ngoc nhi

Bùi Ngọc Nhi

Với số điểm 1.093 (thang điểm 1.200), Bùi Ngọc Nhi – học sinh lớp 12 hóa Trường phổ thông Năng khiếu, ĐH Quốc gia TP.HCM – là một trong ba thí sinh có số điểm cao nhất trong kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM.

Để làm tốt bài thi, Nhi kể bạn luôn theo dõi và cập nhật các thông tin liên quan kỳ thi nhanh chóng và chính xác. Nhi cũng chia sẻ bạn luôn giữ tinh thần tốt nhất suốt quá trình ôn luyện hay lúc vào phòng thi.

“Tôi làm bài dựa trên các kiến thức tích lũy suốt những năm học tại trường. Lên lớp luôn tập trung nghe thầy cô giảng, chỗ nào không hiểu thì hỏi ngay. Vì bài thi đánh giá năng lực là sự tổng hợp các kiến thức của nhiều môn học nên tôi luôn chia đều thời gian học tất cả các môn, cố gắng không học lệch, học tủ” – Nhi nói.

Ngoài ra, để có một tinh thần tốt cũng như kinh nghiệm làm bài thi đánh giá năng lực, Nhi đã tham gia các nhóm học tập trên mạng, nghe các anh chị đi trước tư vấn, hỗ trợ giải đáp những thắc mắc. Buổi tối trước ngày thi, Nhi chủ động đi ngủ sớm để giữ vững tinh thần thoải mái, tỉnh táo cho bài thi 120 câu hỏi trắc nghiệm. Với kết quả này, Nhi dự định nộp hồ sơ vào ngành công nghệ sinh học Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM).

PH.TRANG