Thầy cô ở lại trường với học sinh nội trú

Học sinh Trường THPT Tây Giang được thầy cô ôn tập kiến thức chuẩn bị thi tốt nghiệp – Ảnh: B.D.

Cô ARất Mai Tình – hiệu trưởng Trường THPT Tây Giang – cho biết trường có tổng cộng 93 học sinh lớp 12, đa số là con em đồng bào Cơ Tu.

Tăng khẩu phần ăn mùa thi

Những ngày qua, toàn bộ danh sách, số điện thoại của học sinh, người thân đã được in sao và gửi cho giáo viên chủ nhiệm, chính quyền địa phương để giám sát các em tới giờ ôn thi. Theo cô Tình, trong 93 em có 50 học sinh diện nội trú. Từ ngày kết thúc năm học tới nay, toàn bộ học sinh được yêu cầu ở lại trong trường. Các giáo viên, cán bộ của trường cũng được yêu cầu sắp xếp ở lại và chỉ về nhà trong các trường hợp thật sự cần thiết.

Hằng ngày dù trong thời gian hè nhưng nhà trường vẫn tổ chức lên lớp ba buổi gồm sáng, chiều và một buổi ban đêm để ôn tập kỹ kiến thức cho học sinh thi tốt nghiệp. Theo cô Tình, khẩu phần ăn của học sinh cũng được tăng thêm, bổ sung nhiều dinh dưỡng hơn để các em có sức thi cử. Vào cuối buổi học ban đêm, học sinh còn được các thầy cô giáo, cấp dưỡng nấu cho một giờ “tăng bữa” để ấm bụng, thoải mái tâm lý bước vào kỳ thi tốt nghiệp.

Một công việc khác rất quan trọng, theo cô Tình, là nhà trường đã cung cấp số điện thoại, thông tin thi cử của mỗi học sinh cho ít nhất ba người lớn để giám sát bao gồm: các thầy cô giáo chủ nhiệm, cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương hoặc Đoàn thanh niên nơi học sinh cư trú. “Em nào tới giờ làm thủ tục thi mà chưa thấy lên trường, chúng tôi sẽ gọi về cho địa phương, cha mẹ để hỏi tình hình, đề phòng học sinh ngủ quên hoặc không nhớ ngày giờ thi của mình” – cô Tình nói.

Tìm nguồn lực hỗ trợ học sinh

Trong kỳ thi sắp tới, huyện Tây Giang (Quảng Nam) có một điểm thi với tổng số 171 thí sinh đặt tại Trường THPT Tây Giang. Để học sinh thi đạt kết quả cao nhất, huyện Tây Giang đã đề nghị các đơn vị, chính quyền địa phương tìm mọi nguồn lực để hỗ trợ học sinh. Những học sinh ở xa được đưa đón về gần trường, có người giám hộ để hỗ trợ ăn ở, ôn tập tới ngày thi.

Tại Trường THPT Võ Chí Công (xã A Xan), ngôi trường bị đất đá vùi hư hại trong trận lũ lịch sử cuối năm 2020, từ đầu năm học tới nay học sinh và thầy cô đã được di dời ra ở tạm tại trung tâm huyện Tây Giang.

Thầy Nguyễn Công Tươi – hiệu trưởng – cho biết trường có 78 học sinh lớp 12, chỉ duy nhất một em là người dân tộc Kinh, còn lại là con em đồng bào Cơ Tu. Từ khi hết năm học tới nay, toàn bộ học sinh đã được nhà trường giữ lại và bố trí ăn ở trong trường; các lớp được thầy cô giáo theo dõi, giám sát và tổ chức ôn tập phụ đạo.

“Các em học ngày ba buổi, được tăng thêm khẩu phần ăn. Chúng tôi cũng yêu cầu toàn bộ giáo viên, cán bộ sắp xếp thời gian gia đình để ở lại hỗ trợ, ôn tập thêm kiến thức cho các em. Trong số 78 học sinh có 13 em ngoại trú, nhà gần trường nhưng hiện các em cũng đã đồng ý dọn lên ký túc xá của trường ở để tiện cho các thầy cô đưa đón trong những ngày thi” – thầy Tươi nói.

Hỗ trợ 510 thí sinh khó khăn

UBND tỉnh Đắk Nông vừa ban hành quyết định hỗ trợ 510 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021 có hoàn cảnh khó khăn với mức 110.000 đồng/ngày gồm tiền ăn và chi phí đi lại. Mỗi thí sinh sẽ được hỗ trợ 330.000 đồng tiền mặt và nhận trước khi kỳ thi diễn ra. Theo UBND tỉnh Đắk Nông, số tiền hỗ trợ này được sử dụng từ nguồn kinh phí tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, toàn tỉnh có hơn 6.700 thí sinh đăng ký dự thi. Trong số này có hơn 1.580 thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp. Tỉnh Đắk Nông có 18 điểm thi, huy động gần 1.000 cán bộ tham gia công tác tổ chức, phục vụ tại các điểm thi.

TRUNG TÂN

Điểm thi sát với điểm cách ly cho thí sinh F1

Theo Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh có 2 thí sinh thuộc diện F1 và 39 thí sinh thuộc diện F2 sẽ được bố trí các phòng thi riêng biệt. Tất cả thí sinh F1, F2 năm nay tại Đắk Lắk đều ở huyện Ea H’leo và liên quan đến nữ giáo viên mắc COVID-19 trở về từ TPHCM.

Ông Phạm Đăng Khoa, giám đốc Sở GD-ĐT Đắk Lắk, cho biết đối với thí sinh thuộc diện F1 phải cách ly tập trung, ban tổ chức sẽ bố trí một điểm thi sát với địa điểm cách ly. Đối với thí sinh thuộc diện F2 sẽ được bố trí thi tại phòng thi dự phòng của các điểm thi và cũng phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế. Trong kỳ thi năm nay, Đắk Lắk có gần 20.000 thí sinh tham gia với 32 điểm thi, 841 phòng thi.

TRUNG TÂN

Thí sinh F2 thi phòng riêng

Ông Nguyễn Trọng Hoàn, chánh văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An, cho biết qua rà soát, thống kê từ các trường đến ngày 2-7 có 6 thí sinh F1 và 159 thí sinh F2 ảnh hưởng từ dịch COVID-19.

Theo ông Hoàn, về các trường hợp thí sinh là F2, sau khi tham khảo ý kiến của ngành y tế, sở quyết định cho phép các em thi trong đợt 1. Tuy nhiên, những thí sinh này sẽ được bố trí phòng thi riêng, sắp xếp tối đa 12 thí sinh/1 phòng thi (giảm 50% số lượng thí sinh trong một phòng thi thông thường) để đảm bảo giãn cách theo quy định. Giáo viên và học sinh trong vùng giãn cách xã hội theo chỉ thị 15, như tại TP Vinh, sẽ được test nhanh COVID-19 trước ngày 5-7 để đảm bảo an toàn cho kỳ thi.

Nghệ An có hơn 34.000 thí sinh dự thi, trong đó có hơn 21.000 thí sinh tham dự kỳ thi để xét tốt nghiệp vào các trường ĐH, CĐ.

DOÃN HÒA

TP.HCM khuyến khích thí sinh mang nón, kính chắn giọt bắn khi thi tốt nghiệpTP.HCM khuyến khích thí sinh mang nón, kính chắn giọt bắn khi thi tốt nghiệp

TTO – Sở GD-ĐT TP.HCM vừa có văn bản hướng dẫn thực hiện một số nội dung trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Theo đó, sở khuyến khích thí sinh mang nón, kính chắn giọt bắn khi đi thi.