Tăng tốc tìm nguồn học bổng cho sinh viên

Quỹ học bổng tăng mạnh

Hiểu được những lo lắng và áp lực tài chính mà sinh viên phải đối mặt, những năm qua các trường ĐH – CĐ tại TPHCM đã chủ động trong việc tìm nguồn tài trợ, học bổng để tạo dựng được quỹ học bổng đủ lớn. Nhờ sự năng động này quỹ học bổng của nhà trường tăng mạnh qua mỗi năm, có trường tăng bình quân 2 – 3 tỷ đồng/năm.

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM hiện có quỹ học bổng hỗ trợ sinh viên thuộc hàng “khủng”. Năm học 2020 – 2021, trường dành 32 tỷ đồng để cấp học bổng toàn phần cho SV với các mức 50% – 100% học phí.

Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (Đồng Nai) hiện có quỹ học bổng trên 20 tỷ đồng/năm trích từ nguồn học phí, đó là chưa kể nguồn học bổng từ các doanh nghiệp, đối tác có thỏa thuận hợp tác đào tạo hàng năm lên tới gần 2 tỷ đồng.

Là đơn vị đào tạo gây sự chú ý thời gian qua vì học phí tăng mạnh, Trường ĐH Y Dược TPHCM cũng đồng thời công bố chính sách học bổng lên đến 15,4 tỷ đồng để hỗ trợ cho sinh viên khó khăn trúng tuyển vào trường.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện (áo trắng), Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen trao tặng học bổng toàn phần trị giá 200 triệu đồng cho một học sinh.

Tương tự, Trường ĐH Hoa Sen (TPHCM) năm học 2020 cũng gia tăng quỹ học bổng của mình lên 21 tỷ đồng (210 suất). Trong đó, học bổng cho sinh viên Tài năng và chương trình học bổng Hoa Sen Plus (80 suất) có giá trị gần 11 tỷ đồng.

Trường ĐH Văn Hiến (TPHCM) cũng công bố quỹ học bổng trị giá trên 32 tỷ đồng (năm 2019 là 30 tỷ). Theo ông Trần Văn Hậu – Chủ tịch HĐQT tập đoàn Hùng Hậu Holdings, nguồn học bổng của nhà trường khá đa đạng, đến từ nhiều kênh, trong đó nguồn lực chính từ việc trích lập từ học phí, tập đoàn (thông qua Quỹ trái tim Hùng Hậu), đặc biệt là sự hỗ trợ của doanh nghiệp, cựu sinh viên thành đạt.

“Bên cạnh chương trình học bổng, Trường Đại học Văn Hiến còn có nhiều chính sách hỗ trợ học phí cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nhằm chia sẻ gánh nặng học phí và tiếp thêm động lực để các em hoàn thành giấc mơ đại học. Cụ thể: Sinh viên là con thương binh/bệnh binh hoặc người dân tộc thiểu số (giảm 70% học phí toàn khóa), sinh viên mồ côi cha hoặc mẹ (giảm 50% học phí), chính sách vay học phí 0% cho sinh viên.

Hiện cả khối giáo dục đang tìm kiếm thêm kênh tài chính như đào tạo theo địa chỉ, đơn đặt hàng, hợp tác song phương giữa doanh nghiệp và nhà trường để xây dựng quỹ học bổng Hoàng Như Mai và Quỹ trái tim Hùng Hậu tốt hơn nhằm hỗ trợ sinh viên” – ông Hậu cho biết.

Thầy Lê Trường Sơn – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM trao học bổng cho sinh viên.

Hỗ trợ sinh viên bằng nhiều cách

Không chỉ chủ động tạo lập các quỹ học bổng từ tỷ lệ phần trăm học phí trích ra hàng năm, lãi suất tiền gửi ngân hàng có được, nhiều trường đã xây dựng nhiều chính sách thu hút, kết nối đào tạo, chính sách tín dụng với lãi suất 0% từ các ngân hàng nhằm hỗ trợ sinh viên. Đáng chú ý là nguồn học bổng từ doanh nghiệp thông qua hình thức hợp tác đào tạo theo yêu cầu, tạo lập nguồn lao động chất lượng có bảo đảm đầu ra.

Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, nhiều trường ĐH – CĐ bằng quan hệ hợp tác, sự cố gắng tối đa của mình đã tạo lập quỹ học bổng hỗ trợ sinh viên trong và sau mùa dịch với giá trị hàng chục tỷ đồng. Đơn cử Trường ĐH Kinh tế TPHCM dành gói hỗ trợ 20 tỷ đồng để hỗ trợ sinh viên các khóa, hệ đào tạo của trường. Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TPHCM) cũng dành khoảng 12 tỷ đồng để hỗ trợ sinh viên học tập mùa dịch Covid-19. Tương tự, Trường ĐH Luật TPHCM dành 5 tỷ đồng hỗ trợ sinh viên khó khăn, ảnh hưởng sau dịch Covid-19, trao 2 tỷ học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Là trường CĐ đầu tiên thực hiện ký cam kết việc làm với sinh viên sau tốt nghiệp, cũng như tạo lập quỹ tín dụng 0%, TS Lê Lâm – Hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn cho biết: Các quỹ học bổng, chính sách tín dụng của nhà trường hằng năm hỗ trợ, tiếp sức cho khoảng 30 – 40% sinh viên theo học tại trường.

Theo TS Lê Lâm, chính sách học bổng và tín dụng hỗ trợ sinh viên không chỉ là trách nhiệm của đơn vị đào tạo với người học, mà còn thể hiện văn hóa và chính sách nhân văn, trách nhiệm đồng hành cùng cộng đồng của đơn vị đó. Vì vậy, ngoài quỹ học bổng có được từ việc trích lập từ học phí, nguồn quỹ dự phòng của nhà trường, một nguồn lực hết sức quan trọng, bảo đảm nguồn quỹ học bổng của trường không bao giờ cạn kiệt đến từ các mạnh thường quân, doanh nghiệp có hợp tác với nhà trường.

“Quỹ học bổng tại các trường không khác gì nguồn quỹ tài chính dự phòng tại ngân hàng thương mại. Nguồn lực tài chính của quỹ càng lớn, việc hỗ trợ, đồng hành cùng người học sẽ tốt hơn. Nguy cơ phải dừng việc học giữa chừng vì tài chính của sinh viên cũng sẽ giảm đi gần như tuyệt đối. Thực tế, việc tìm kiếm các suất học bổng, nguồn lực học bổng dồi dào cho sinh viên không đơn giản. Nhưng nếu biết cách làm, biết tạo chữ tín với doanh nghiệp và xã hội, mọi thứ không quá khó.

Cá nhân tôi thấy nguồn quỹ học bổng của một đơn vị tốt hay không (nhiều hay ít) đến từ chính chất lượng đào tạo của đơn vị ấy, chính sách tương hỗ mà nhà trường dành cho người học. Đặc biệt là nền tảng văn hóa và trách nhiệm với cộng đồng mà sinh viên ấy lan tỏa được. Khi doanh nghiệp nhìn thấy ý nghĩa lớn của việc trao học bổng cho sinh viên, giá trị tốt đẹp mà nguồn quỹ ấy mang lại cho xã hội, sinh viên được hỗ trợ, tự khắc nguồn lực hỗ trợ cho các quỹ học bổng sẽ tốt hơn” – TS Lê Lâm chia sẻ.

Việc tạo lập các quỹ học bổng, quỹ tài chính hỗ trợ sinh viên khó khăn tiếp tục được học tập được các trường ĐH – CĐ đặc biệt quan tâm. Bởi ngoài tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp, nhiều trường còn đặt mục tiêu tương tác với doanh nghiệp, địa phương, hỗ trợ người học trong quá trình đào tạo, nhằm hướng đến tính bền vững mọi mặt trong chính sách đào tạo – cung ứng lao động.