‘Sợ’ con

Hãy giải thích, thuyết phục thay vì ép buộc

TS Nguyễn Thị Thu Huyền, ThS.Tô Thị Hoàng Lan là những người thường xuyên có tư vấn với phụ huynh trong chuyện dạy con chia sẻ với Tuổi Trẻ:

* Để trẻ có thể là chính mình, phụ huynh cần làm gì?

TS NguyễN Thị Thu Huyền

– TS Nguyễn Thị Thu Huyền: Nhiều cha mẹ nên hiểu rằng dạy con được là chính mình tức trở thành những con người độc lập, tự chủ thì con mới thích nghi được cuộc sống trong tương lai.

“Là chính mình” không có nghĩa là con tùy ý làm điều con thích mà không quan tâm đến lợi ích, ý kiến của người khác. Ranh giới giữa sống đúng với mong muốn, cá tính của mình với sự ích kỷ, chỉ biết đến bản thân là mong manh. Do đó cha mẹ cần cẩn trọng trong việc dạy con.

Tôi nghĩ cha mẹ cần cho con biết: con có quyền nói ra các suy nghĩ của mình, có quyền đồng ý hoặc phản đối ý kiến của người khác nhưng cần nói một cách ôn hòa, lịch sự; khi con làm bất cứ điều gì thì con cần chắc chắn điều đó không làm tổn hại mình, người khác và môi trường xung quanh; con không nhất thiết làm theo mọi điều người khác nói nhưng trước hết phải lắng nghe họ và xem xét ý kiến của họ, nếu đó là những góp ý tốt, hãy ghi nhận và thực hiện.

Để “là chính mình” một cách thành công, trẻ cần nhận ra các điểm mạnh, điểm yếu của mình với sự hỗ trợ, dẫn dắt của cha mẹ, trẻ biết yêu bản thân và có thể tự chăm sóc bản thân mình thật tốt, trẻ biết tự chịu trách nhiệm cho các quyết định của mình, trẻ có kỹ năng tư duy, giải quyết vấn đề, ra quyết định dưới nhiều góc nhìn…

Để làm được tất cả, cha mẹ cần trao cơ hội cho con thực hành từng bước, từ việc nhỏ tự phục vụ bản thân như tự xúc ăn, tự ngủ, tự chơi, tự thay quần áo… đến những việc lớn hơn như dọn dẹp bàn ăn, quét nhà, chia sẻ trách nhiệm với anh chị em, cha mẹ…

Khi có khác biệt trong cách nghĩ, cách làm, cha mẹ cần nói chuyện thẳng thắn, tôn trọng con, dùng các kỹ năng thuyết phục chứ không phải ép buộc con tuân theo ý kiến của mình.

– ThS.Tô Thị Hoàng Lan: Tôi nghĩ rằng việc khó nhất trong “giáo dục để trẻ được là chính mình” là ba mẹ/ông bà… xác định được ranh giới nào cho trẻ là chính mình và ranh giới nào trẻ cần được can thiệp. Can thiệp tất cả mọi điều, bắt trẻ con luôn làm theo người lớn sẽ làm cho trẻ phụ thuộc, không trưởng thành như một người độc lập.

Tôi muốn dùng hình ảnh việc chăm sóc một cái cây để các phụ huynh có thể hình dung việc giáo dục trẻ là chính mình: chúng ta sẽ không trồng cây theo kiểu bon sai là can thiệp uốn nắn cây hoàn toàn theo ý chủ quan của ta, chúng ta cũng không bỏ mặc cây muốn mọc như thế nào thì mọc, mà chúng ta xem cây của mình cần gì để phát triển, cung cấp chất dinh dưỡng phù hợp nuôi dưỡng nó, nương cho cây ra nơi ánh nắng để phát triển, điều chỉnh vị trí nhận sáng nếu cây phát triển lệch… Giáo dục trẻ là chính mình là như vậy đó.

* Làm thế nào để “dạy con ngoan” như tiêu chí nuôi dạy con mà mọi người hay nghe?

– TS Nguyễn Thị Thu Huyền: “Ngoan” là một từ chung chung để chỉ những trẻ hiểu chuyện, biết cách cư xử đúng chuẩn mực. Nhiều cha mẹ cho rằng “trẻ ngoan” là trẻ biết vâng lời, điều này không sai nhưng chưa đủ. Nói chính xác hơn thì “trẻ ngoan” là trẻ biết lắng nghe, làm theo sự chỉ dẫn phù hợp của người lớn. Với chỉ dẫn không phù hợp, “trẻ ngoan” cần có khả năng nêu ý kiến của mình để người lớn xem xét lại.

Tôi luôn dạy các bé trong gia đình lớn của tôi hay học sinh ở trường đều dựa trên cùng một triết lý như nhau. Đó là tôn trọng ý kiến, đặc điểm cá nhân của các bé nhưng cũng luôn cho trẻ biết được các nguyên tắc, chuẩn mực cần tuân thủ, khi không đồng ý với ý kiến, hành vi nào của trẻ, tôi giải thích rõ với trẻ.

Quan trọng nhất là người lớn cũng luôn phải làm gương cho trẻ.

hinh 2, ths to thi hoang lan (read-only)

ThS.Tô Thị Hoàng Lan

– ThS.Tô Thị Hoàng Lan:

Với tôi, từ “ngoan” mà chúng ta dùng hiện nay mang tính áp đặt một đứa trẻ luôn vâng lời người lớn và đó là điều tôi không ủng hộ.

Tôi quan niệm một đứa trẻ cần được nuôi dưỡng để biết cách hợp tác cùng chung sống với mọi người, đứa trẻ đó cần biết cách điều chỉnh hành vi cho phù hợp với hoàn cảnh, đồng thời được mọi người, nhất là người lớn, tôn trọng trẻ như một cá thể độc lập và dần học cách trưởng thành.

Bằng cách chúng ta tôn trọng đứa trẻ trước (trên nền tảng hiểu biết sự phát triển sinh lý trẻ, tâm lý trẻ), chúng ta xây dựng một mối quan hệ lành mạnh với trẻ. Từ đó, trẻ hợp tác với chúng ta và học cách dần tự trưởng thành. Tôi nghĩ đó là đích đến cuối cùng của việc giáo dục.

* Cảm ơn hai chị đã chia sẻ!

LƯU ĐÌNH LONG thực hiện