Sáng tạo để trẻ chơi trong hè

Chăm sóc cây, trồng rau cũng là hoạt động được nhiều phụ huynh khuyến khích để con kết nối thiên nhiên – Ảnh: TỰ TRUNG

Bên cạnh đó, có trường học cũng “thử thách” học sinh của mình thực hiện những việc ý nghĩa trong hè.

Cùng con làm đồ chơi handmade

Anh Bùi Văn Huy, một kiến trúc sư đang được nhiều phụ huynh ở Hà Nội biết đến nhờ làm đồ chơi hand made, kể các con phải ở nhà học trực tuyến, quanh quẩn chơi trong nhà nên anh nghĩ ra làm đồ chơi từ nhựa phế thải, bìa giấy cho con và các bạn trong xóm chơi cùng. Anh có kênh YouTube hướng dẫn cách làm đồ chơi, hướng dẫn bố mẹ làm đồ chơi qua các group chat.

“Cộng đồng làm đồ chơi và chơi cùng con được hình thành, lan tỏa nhiều hơn khi dịch COVID-19 kéo dài trong cả dịp nghỉ hè” – anh Huy kể.

Chị Thúy Hằng, một phụ huynh ở Q.Cầu Giấy (Hà Nội), “bon chen” làm đồ chơi sau khi được anh Huy hướng dẫn, kể đã làm được các loại ôtô, nhà bằng giấy và xin được vải vụn khâu những con búp bê nhỏ cho con gái chơi.

“Ban đầu ngại và thấy khó nhưng khi làm rồi thấy thú vị, nhất là khi cùng các con làm. Bọn trẻ rất thích những đồ chơi như thế vì chúng được tự làm cùng bố mẹ. Tôi chợt nhận ra khoảng thời gian cùng làm, cùng chơi, nghĩ ra những trò chơi khác nhau với các vật dụng đó cùng con rất quý giá.

Đó có thể là ký ức đẹp của bọn trẻ nhưng nếu không vì COVID-19, thế hệ phụ huynh 8X như chúng tôi không bao giờ tính đến giải pháp này”.

Chị Phạm Ngân Hà – nhân viên Công ty Viễn thông Hà Nội – chia sẻ bình thường mọi năm gia đình chị có kế hoạch cho con đi biển, đi du lịch. Có năm lại cho con tham gia các trại hè, sinh hoạt câu lạc bộ ở nhà văn hóa.

“Nhưng năm nay phải tìm cách cho con chơi, vận động. Tôi giao cho hai con một số công việc nhẹ nhàng như xếp lại sách trên giá, tưới cây ngoài bancông, gấp quần áo, nhặt và rửa rau, cắm nồi cơm phụ bố mẹ. Để khích lệ, các con được trả công lao động theo công việc rõ ràng. Số tiền đó sẽ sử dụng vào việc con thích sau khi được bố mẹ duyệt”.

“Chấm điểm” những việc con làm

Chị Nguyễn Thu Thủy – phụ huynh có ba con đang học tiểu học ở Q.Bình Tân, TP.HCM – cho biết khi các trường cho học sinh dừng đến trường, “nhà tôi trở nên rối tung”.

Sau vài ngày hỗn loạn, vợ chồng chị Thủy họp các con lại, đưa ra quy định: “Từ ngày mai, các con phải làm việc nhà, đọc sách, tập thể dục và ôn bài. Sau khi hoàn tất mới được giải trí bằng cách xem tivi hoặc xem phim trên máy tính”.

Những ngày đầu các con phản ứng bằng cách không làm gì cả và cũng không thèm nhận phần thưởng bố mẹ hứa tặng.

“Tôi không thể theo sát con trong từng việc vì phải làm việc với cường độ cao. Chồng tôi nghĩ ra cách chấm điểm. Ví dụ con gái lớn của tôi vừa học hết lớp 5 có nhiệm vụ mỗi ngày rèn chữ bằng cách viết một trang tiếng Việt hoặc tiếng Anh; cắm cơm, phụ mẹ lặt rau, quét nhà; đọc ít nhất năm trang sách; tập thể dục.

Cứ mỗi mục sau khi thực hiện sẽ được 10 điểm. Đến 18h mỗi ngày, tôi hoặc ông xã sẽ thống kê điểm của từng đứa con và quyết định con có được giải trí trên máy tính ngày hôm đó hay không…”.

Chị Thủy kể: “Sau hơn một tháng các bé nhà tôi đã đi vào nề nếp. Không những thế, các con tôi còn tâm sự là ở nhà vẫn vui vì ngày nào cũng thi đua xem ai được điểm thưởng của bố mẹ.

Chả là tôi có hứa với các con, ai được 1.000 điểm thưởng trở lên sẽ được chọn phần thưởng của bố mẹ như đi ăn món ngon mình thích, ra cửa hàng đồ chơi chọn mua món nào mình thích nhất, đi picnic cả gia đình sau khi hết dịch COVID-19…”.

Soạn đề ôn tập hè

Chị Bùi Thị Minh Châu có con gái là Nguyễn Minh Phương (lớp 2/4 Trường tiểu học Hòa Bình, Q.1, TP.HCM) kể con chơi mãi cũng sẽ có lúc chán và quên thói quen học tập, khi bắt đầu học lại sẽ rất khó để bắt nhịp.

“Tôi nghĩ ra cách soạn sẵn các đề ôn tập hè cho con nhưng chưa vội đưa. Tôi cứ giả bộ nói các câu vu vơ, như lên lớp 3 chắc khó hơn lớp 2 chút xíu, nghỉ hè lâu mình có quên bài không ta? Ban đầu con cứ giả vờ ngó lơ.

Nhưng bỗng một buổi tối, con lại tỉ tê tâm sự với mẹ con lo lắng về việc học của mình quá. Tôi nói mỗi tối con ăn cơm xong, vào phòng chơi với ông bà nội đến 19h30 thì con tự lên làm bài, sau đó mẹ sẽ sửa bài. Vào năm học, các bạn sẽ ngạc nhiên tại sao con lại học tốt như vậy”.

Ngoài việc cho con xem phim hoạt hình, vẽ, sáng tác truyện tranh, nuôi rùa, chơi búp bê…, chị Châu còn tặng con một bộ đồ chơi, dùng kính thực tế ảo chơi game Cook-Out. Chị giải thích: “Trò chơi này giúp con chịu sử dụng tiếng Anh, vừa chơi vừa học, kích thích sự học tập của con theo cách thú vị riêng”.

Trong khi đó, trước khi đi làm chị Nguyễn Thị Dung, có con học Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 (TP.HCM), cho con viết vào một cuốn sổ những điều con đang cần, đang muốn của ngày mai. Tối về nhà chị “đáp ứng” nguyện vọng của con.

“Ví dụ, con muốn ngày mai có bộ đồ chơi lắp ráp, muốn được chơi iPad 1 tiếng. Tối về đọc xong, tôi lại đưa ra điều kiện. Trong ngày mai con phải đọc hết cuốn sách nào đó, viết lại ý nghĩa mà con nhận ra được; rồi nhặt rau, bóc tỏi, hành cất tủ lạnh, xếp quần áo…

Tức là tôi cho con làm công việc của một ngày thật bận, cho nhanh hết thời gian. Làm đúng như “thỏa thuận” thì mẹ cho con quà như yêu cầu…” – chị Dung chia sẻ.

“Bản kế hoạch” trong hè

Chị Phạm Ngân Hà cho biết “bản kế hoạch” trong hè của gia đình chị có phần cho học tập. “Nghỉ hè nhưng tôi vẫn muốn các con không xao nhãng học tập. Tôi yêu cầu các con học từ vựng, tìm các kênh phim tiếng Anh cho các con xem và đề nghị các con kể lại nội dung.

Có lúc tôi nghĩ ra việc thi viết từ vựng theo chủ đề, ví dụ ẩm thực, du lịch, các loài hoa, cắm trại… Tôi đang khích lệ con đọc các sách văn học thay vì chỉ đọc truyện tranh. Có lẽ cũng phải bổ sung vào bản kế hoạch một cuộc thi có chấm điểm, có thưởng liên quan tới đọc sách…” – chị Hà kể.

Bạn có sáng kiến hay giúp con mình hoạt động, học tập, vui chơi hiệu quả, bổ ích trong những ngày hè đặc biệt năm nay, mời bạn gởi câu chuyện của mình đến email giaoduc@tuoitre.com.vn.

Trường tạo hoạt động ý nghĩa cho học sinh

Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1, TP.HCM) thông báo mời gọi học sinh tham gia chương trình hoạt động hè năm 2021. Chương trình được tổ chức dưới dạng một chuỗi thử thách bản thân học sinh với chủ đề “Tôi tự giác – Tôi trưởng thành – Tôi hạnh phúc”.

Theo bà Bùi Minh Tâm – hiệu trưởng, hoạt động hè năm nay là chương trình mang tính lan tỏa, vận động toàn thể học sinh Lương Thế Vinh tham gia. Các em cũng có thể kêu gọi bạn bè là học sinh các trường khác cùng nhau thử thách bản thân.

Với sự hướng dẫn và góp ý của giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh, học sinh sẽ tự lập một danh sách các hoạt động thử thách tính tự giác, chủ động của bản thân và mỗi ngày thực hiện một hoạt động (danh sách được lập và thiết kế dưới dạng checklist).

fp nha truong 1(read-only)

Học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1, TP.HCM) trong một hoạt động tại trường. Ảnh chụp tháng 4-2021 – Ảnh: FP nhà trường

Các gợi ý trường đưa ra cho học sinh thực hiện như sau: quay TikTok/vẽ tranh/viết lời kêu gọi…, đóng góp cho Quỹ vắc xin COVID-19; chia sẻ một thông tin, câu chuyện, thông điệp tích cực; tự tay nấu một món ăn cho gia đình cùng thưởng thức; một ngày thay ba mẹ làm việc nhà; dậy sớm và làm bữa sáng cho cả nhà; nói lời yêu thương với người thân; tập thể dục trong 30 phút;

Đọc một quyển sách (ebook hoặc sách giấy) và chia sẻ cảm nhận với mọi người; tham gia một khóa học online (kỹ năng mềm, cách chơi nhạc cụ, ngoại ngữ, bổ sung kiến thức…); tự tay trồng và chăm sóc một chậu cây/hoa; làm một món đồ handmade và tặng cho người mình yêu quý; chia sẻ về một lỗi lầm trong quá khứ và cách mà bản thân đã khắc phục, vượt qua.

HOÀNG HƯƠNG

Trẻ em cần một mùa hè đúng nghĩaTrẻ em cần một mùa hè đúng nghĩa

TTO – Trẻ em cần một mùa hè đúng nghĩa, đồng thời người lớn cần cho trẻ chơi hè lành mạnh và an toàn – đó là ý kiến chung của nhiều phụ huynh nước ngoài khi nói về mùa hè của trẻ em.