Sân trường kỷ niệm – Kỳ 8: Cái đập vai nhớ đời trên sân trường

Lâm gắn bó, giúp đỡ người bạn khuyết tật – Ảnh: TÂM LÊ

Thoáng một cái đã 20 năm, trường làng quê THCS Đông Hoàng ở huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) thân yêu của chúng tôi giờ đã đổi khác nhiều.

Học hành sa sút

Sân trường là hàng cây thẳng tắp có gạch bao dưới chân, chứ không còn những cây xà cừ cổ thụ mọc lộn xộn nhưng tỏa rợp bóng mát cho chúng tôi chơi đùa như xưa.

Lớp học giờ cũng là những dãy nhà cao tầng thay cho nhà mái ngói lụp xụp. Học trò trong bộ đồng phục đẹp đẽ chứ không còn áo quần nhàu nhĩ nhiều màu như xưa. Nhiều thứ đã đổi thay, nhưng những kỷ niệm ở sân trường của chúng tôi ngày đó thì không bao giờ thay đổi.

Nhớ nhất những lần tổng kết học kỳ được xướng tên, được lên xếp hàng dưới cột cờ uy nghi để nhận giấy khen trước hàng trăm bạn bè và thầy cô. Tiếng trống trường đập bồi hồi trong lồng ngực, học trò ra chơi như đàn ong vỡ tổ. Những trò chơi đá bóng với đá cầu, nhảy dây, bắn bi, trốn tìm làm từng nhóm cười râm ran.

Thập niên 1990, ở trường mới manh nha phong trào học thêm. Thầy cô bắt đầu nhắc học thêm giúp kiến thức chuyên sâu và giải toán nâng cao. Nhưng lời bổ ích đó được mấy đứa học trò ham vui hơn ham học lắng nghe?

Khoảng đầu năm lớp 8, tôi học ngày càng tụt dốc môn toán. Sau tổng kết học kỳ, hóa ra không chỉ mình tôi mà hơn nửa lớp cũng tụt dốc thê thảm môn này. Nhưng một số khác thành tích học lại bất ngờ vượt trội, trong đó có hai cậu đã nện vào lưng tôi là Thạch và Lâm.

Ký ức còn nguyên vẹn, giờ ra chơi năm đó tôi không đá cầu với đám bạn mà thơ thẩn bên bồn hoa sân trường một mình. Bất chợt cú đập vai mạnh làm tôi tỉnh cả người, vừa đau, vừa bực. Khi quay lại thì hai cậu con trai đang ôm nhau cười, tôi không biết ai là thủ phạm để đáp trả.

Về sau nghe giọng hai cậu bạn loáng thoáng rủ: “Đi học thêm ở nhà cô Tú đi!”. Cơn giận của tôi lúc đó mới tạm lắng, coi như sự quan tâm bạn bè dù hơi bị… mạnh tay. Cô Tú là giáo viên phụ trách môn toán lớp chúng tôi, một giáo viên dạy giỏi, dễ hiểu. Nhưng bài giảng của cô trên lớp ngày càng nhanh và khó.

Tôi dần không theo kịp bài cô giảng, trong khi rất nhiều bạn trong lớp thấy dễ ợt, nhất là nhóm bạn đi học thêm. Lâm là đứa nổi bật trong số đó, cậu ta thông minh, học giỏi và được cô giáo cưng chiều.

Giờ toán thì hắn học vật lý hoặc có khi ngồi chơi, câu nào cả lớp không giải được thì hắn giơ tay giải. Khi nào cần lời giải hay, phương pháp lạ cô lại gọi hắn làm bài mẫu cho lớp.

Tôi bắt đầu thấy xấu hổ khi học tập sa sút, ý định đi học thêm đã nung nấu trong đầu. Cái đập vai của cậu bạn giúp tôi quyết tâm hơn và đem dự định này bàn với nhóm bạn cùng làng:

– Này, mấy đứa có đi học thêm nhà cô Tú không?

Một trong bốn bạn nữ phản bác ngay:

– Nhà cô ấy xa thế, đường lại nhiều ôtô, bị tai nạn thì sao?

– Nhỡ bị lạc đường, bị bắt cóc thì sao? – một bạn khác dọa.

Cuối cùng là câu phản đối đi học của cô bạn và được cả nhóm đồng tình. Nghe xong, tôi bị dọa cho tái mặt, phải mất nhiều hôm các bạn nam mới giúp giải tỏa tâm lý, tôi mới có thể đến nhà cô Tú học thêm.

Mẹ là giáo viên cấp I, khi biết tôi đi học thêm toán mẹ không phản đối. Mẹ dành cho tôi một chiếc xe đạp, không còn mới nhưng đó là cái duy nhất tôi có thể đi học thêm.

Nhà cô giáo cách nhà tôi hơn 5km, đi xuôi về phía thành phố. Buổi sáng làng quê mát lành, tôi đạp xe qua con sông ra quốc lộ, cái cảm xúc khó tả. Như mình đang ra khỏi lũy tre làng để đến một nơi xa, có điều tốt đẹp đang chờ đợi phía trước.

Sân trường kỷ niệm - Kỳ 8: Cái đập vai nhớ đời trên sân trường - Ảnh 2.

Trường THCS Đông Hoàng ngày nay – Ảnh: Website Trường THCS Đông Hoàng

Học thêm, cấy lúa, khiêng mạ

Rất nhanh, nhóm bạn hẹn nhau của chúng tôi tụ lại 4-5 đứa, cứ thẳng quốc lộ chạy xe tới nhà cô Tú. Tôi chạy chậm vì nhớ lời mẹ dặn, đường ngày càng nhiều ôtô, tôi không sợ mà thích thú quan sát, nhưng đôi lúc bị giật mình vì tiếng còi xe.

Cô Tú đón chúng tôi và phân chia lớp, tôi phải học lớp 6 bạn, đều mới ở vạch xuất phát. Cô động viên “học tốt sẽ được nâng bậc”, ý là học cùng số đông đã học trước.

Gần cô giáo, tôi để ý hơn về ngoại hình của cô. Cô cao, gầy, dáng cứng như đàn ông. Giọng khàn khàn và hơi thở mạnh, về sau tôi mới biết cô bị bệnh tim. Nhưng cô hiền lành và dạy toán tốt nhất trong các giáo viên tôi từng học.

Ngày thứ 4 của buổi học, cô nói tôi nhỉnh hơn nên được nâng bậc lên lớp đông người. Từ đó, chuỗi ngày đi học thêm nhiều niềm vui của tuổi học trò mà tôi không thể nào quên. Chúng tôi có thể ăn, ngủ tại nhà cô giáo để học bài, vui nhất là đến mùa gặt, mùa cấy.

Lũ học trò chúng tôi giúp cô cấy lúa, con trai nhổ mạ, con gái cấy. Cánh đồng nước trắng xóa mênh mông nhưng chỉ có nhà cô đông nghịt người. Đông vậy chứ hiệu quả thì không cao, vì chúng tôi còn bận trêu đùa hơn cấy lúa. Những gia đình xung quanh lấy làm lạ nên thi thoảng lại đứng dòm mấy đứa nhóc.

Vui học, môn toán của tôi điểm số cũng khá dần. Tới giờ học toán không còn khó khăn, sợ sệt như trước. Năm cuối cấp cũng đến, môn thi vượt cấp dự báo sẽ khó và nhiều môn. Lâm không học cùng chúng tôi nữa mà chuyển xuống trường năng khiếu gần thành phố học, cậu ta luôn dẫn top đầu lớp.

Mùa thi năm ấy, tôi đã dành thời gian ôn luyện một cách nghiêm túc. Vì một linh cảm đặc biệt, nếu không đỗ thì xấu hổ đã đành mà tôi còn không biết sẽ ở nhà làm gì. Trong khi các bạn sẽ được đi học tiếp, rồi lên đại học, sẽ có một tương lai phía trước.

Ngày thi đầu tiên, mẹ dậy sớm nấu một nồi xôi đỗ đen cho tôi ăn để thi. Tôi đạp xe đi một mình nhưng ngày thi thứ hai thì được mẹ đèo. Chúng tôi phải thi 6 môn tất cả, đường xa, trời nắng như đổ lửa.

Ba ngày thi cũng trôi qua, thời gian chờ đợi một tháng để biết kết quả còn dài hơn một năm. Nhưng tin vui đến thật bất ngờ, tôi thừa điểm để đậu chính quy, cả làng cũng chỉ một mình tôi đỗ. Các bạn khác ở làng học bán công, bổ túc hoặc xin học ở trường khác huyện, khác tuyến với tôi.

Chúng tôi bịn rịn chia tay thầy cô, bạn bè và cô giáo Tú kính yêu. Dù không còn được học cùng cô, nhưng mỗi dịp tết hoặc nghỉ hè về thăm, cô đều động viên, “tiếp lửa” cho chúng tôi.

Lên cấp III, tôi bất ngờ biết Lâm cũng học cùng trường nhưng khác lớp. Cậu ấy vẫn học giỏi nhất nhì trường, nhưng chúng tôi hầu như không trò chuyện với nhau. Lâm còn giúp đỡ một cậu bạn phải ngồi xe lăn đi học, hằng ngày đẩy bạn đến trường, cả hai học đều giỏi.

Hình ảnh Lâm đẩy xe giúp bạn khuyết tật đi giữa sân trường rất được chú ý, ai cũng ngưỡng mộ bạn. Hình ảnh đẹp đó trở thành biểu tượng cho việc học và tình bạn của tuổi học trò đối với chúng tôi.

Sau nhiều năm lập nghiệp, tôi gặp Lâm ở Hà Nội, giờ bạn ấy đã là chủ của hai cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng và ăn uống. Nhắc lại thời học sinh, Lâm chỉ nhớ hồi đó giục nhiều bạn đi học chứ không nhớ đã “giục” tôi… mạnh tay thế nào.

Chúng tôi ngồi nhớ lại những ký ức học trò thật đẹp, riêng tôi thầm cảm ơn Lâm vì cú đập vai nhớ đời đó. Nhớ cả bồn hoa trên sân Trường Đông Sơn thân yêu…

Tôi cấy được một lúc thấy con đỉa thì sợ, bỏ lên bờ đòi đi chuyển mạ với đám con trai. Buổi trưa về ăn cơm, cô giáo đãi chúng tôi món thịt gà. Cơm chưa dọn, có đứa đã xuống bếp ăn vụng chân gà mà còn khoe.

Mấy đứa khác leo cây dâu, vặt hết chùm trái chín lẫn xanh. Cô mua một bó mía về, vèo một cái cả đám học trò đã cho ra bã, đúng là “nhứt quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” mà.

*****************

Nếu có ai hỏi kỷ niệm thời học trò, tôi sẽ nói về nỗi nhớ ngôi trường cấp III mình từng gắn bó ở huyện miền núi Nông Sơn, Quảng Nam.

>> Kỳ tới: Ngôi trường 2K

Sân trường kỷ niệm - Kỳ 7: Sân trường kỷ niệm – Kỳ 7: ‘Trường làng’ trong phố

TTO – Ai cũng có quê nhà, ai cũng có trường học đầu tiên. Nhưng mấy ai có được niềm vui ngỡ ngàng khi thấy những ngôi trường đầu đời của mình sau hơn 50 năm bể dâu vẫn còn đó.