Sách giáo khoa: Vì sao phải ‘khổ to, giấy đẹp’?

Các đại biểu Quốc hội đặt vấn đề

* Đại biểu Phan Viết Lượng(phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục): Không thể vì lợi nhuận mà đẩy giá sách lên

Cử tri có nhiều ý kiến liên quan sách giáo khoa và cho rằng giá hơi cao. Trong giải trình của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đưa ra – “sách cứng, bìa đẹp, màu tốt giá cao” – cũng có phần đúng, tuy nhiên phải rà soát lại xem giá cao như vậy có hợp lý chưa và có cần thiết phải in “quá đẹp”, “quá chất lượng” như vậy không?

Ở đây phải đảm bảo giá cả hợp lý, đồng thời phù hợp với điều kiện, tuổi thọ sử dụng của sách giáo khoa. Nếu sách sử dụng 1 năm 1 lần thì cần gì phải tốt, đẹp và sách sử dụng tại các vùng khó khăn thì đâu cần phải dày, đẹp. Phải có tính toán, rà soát lại bởi đây là dịch vụ cần thiết, thiết yếu với số lượng bản in lớn nên Nhà nước phải có chính sách quản lý giá ở mức phù hợp cho người sử dụng và cần thiết hỗ trợ giảm cho người học, phụ huynh.

Ủy ban Văn hóa, giáo dục trong giám sát cách đây 3 năm cũng nêu băn khoăn về giá sách giáo khoa cao và cơ quan quản lý thừa nhận giá cao. Sau đó ủy ban đã có báo cáo giám sát gửi các cơ quan, bộ ngành và đã thúc đẩy Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính có đề xuất tăng cường quản lý giá sách giáo khoa.

Tuy nhiên, việc chỉnh sửa các quy định về quản lý giá sách giáo khoa hơi lâu nên đề nghị các cơ quan chức năng phải vào cuộc, nhất là Bộ Tài chính bên cạnh việc thẩm định giá cần phải tham mưu cho Chính phủ các cơ chế, chính sách về giá cả. Cần đẩy nhanh tiến độ để trả lời sớm cho dư luận, còn để lâu thì đúng sai đều có sự hoài nghi trong đó. Ý kiến cử tri là cần rốt ráo giải quyết.

Sách giáo khoa cũng nên coi là mặt hàng thiết yếu để định giá cho phù hợp, và không thể vì lợi nhuận của một ai đó mà đẩy giá sách lên được.

* Đại biểu Nguyễn Thị Sửu(Thừa Thiên Huế): Quan trọng nhất là nội dung

suu

Qua tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến đã nêu trong lúc nhiều mặt hàng thiết yếu tăng giá thì giá sách giáo khoa tăng đã gây thêm áp lực, gánh nặng khó khăn cho cuộc sống, nhất là với những gia đình có thu nhập thấp sau đại dịch COVID-19.

Một điều cần quan tâm là sách giáo khoa phổ thông hiện có nhiều bộ sách, đầu sách và một môn cũng có nhiều bộ sách, đầu sách khác nhau như vậy gây sự lãng phí không nhỏ trong việc học tập, trang bị của các gia đình, nhất là các gia đình có con học liền kế nhau.

Theo tôi, đối với sách giáo khoa, điều quan trọng nhất là nội dung, kiến thức và mục tiêu hướng đến của mỗi bộ sách phải phù hợp với mục tiêu giáo dục của từng cấp học, lớp học, đối tượng chứ không phải hình thức. Hình thức sách khổ to và giấy đẹp cũng rất cần thiết, nhưng nội dung cần thiết hơn để người học tiếp cận nhanh, chắc, cơ bản về kiến thức cần học.

Đề nghị Bộ GD-ĐT cùng các bộ ngành chức năng cần có sự rà soát, đánh giá về các chính sách dành cho giáo dục, trong đó có chính sách hỗ trợ và trợ giá sách giáo khoa.

* Đại biểu Phạm Văn Hòa(Đồng Tháp): Cần vai trò giám sát của Bộ Tài chính

hoa

Dư luận, đặc biệt là phụ huynh học sinh, đặc biệt quan tâm đến việc tăng giá sách giáo khoa bởi ngoài chi phí học thì chi phí mua sách giáo khoa là khoản không nhỏ. Việc tăng giá sách giáo khoa là việc của Bộ GD-ĐT, tuy nhiên phải tính đúng, tính đủ, cân đong đo đếm và giải thích rõ lý do vì sao tăng, chi phí đầu vào của sách giáo khoa có tăng không và có hay không việc chỉ tăng 1,5 nhưng được tính tăng lên 2 hoặc 3 lần…

Cần tăng cường hơn vai trò của Bộ Tài chính. Trong đó, theo Luật giá hiện hành, giá sách giáo khoa do doanh nghiệp (các nhà xuất bản) tự xây dựng, quyết định giá bán, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá sách giáo khoa và thực hiện kê khai giá với Bộ Tài chính trước khi đưa ra thị trường; đồng thời niêm yết, công khai đầy đủ thông tin về giá sách. Vì vậy nếu có sự giám sát của Bộ Tài chính thì tình hình “loạn giá” của sách giáo khoa sẽ hạn chế.

Việc Bộ GD-ĐT đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, quyết định đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá tối đa để trình Quốc hội quyết định là đáng hoan nghênh nhưng cũng phải đảm bảo quyền lợi của người tham gia soạn thảo, làm ra bộ sách giáo khoa đó.

THÀNH CHUNG ghi