Sách Cánh diều phải sửa nhiều nội dung, Bộ GD-ĐT sẽ bổ sung quy định về thực nghiệm

Thành viên hội đồng thẩm định sách giáo khoa Tiếng Việt làm việc tập trung trong thời gian vẫn phải phòng dịch COVID-19 – Ảnh: VĨNH HÀ

Báo cáo của Bộ GD-ĐT tại cuộc họp giao ban báo chí Ban Tuyên giáo trung ương ngày 20-10 đã đề cập đến vấn đề dư luận quan tâm liên quan tới sách giáo khoa lớp 1.

Cụ thể là những yêu cầu điều chỉnh sách của nhóm Cánh diều, hướng bổ sung các quy định cần thiết trong quy trình biên soạn, thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa.

Trong đó, một số nội dung vừa được hội đồng thẩm định của Bộ GD-ĐT đánh giá và yêu cầu nhóm Cánh diều điều chỉnh là:

Các từ ngữ như “nhá”, “nom” “quà… quà”, Hội đồng thẩm định đã khuyến nghị ở biên bản vòng 1. Sau khi rà soát sách, hội đồng thẩm định tiếp tục đề nghị nhóm tác giả tìm các từ ngữ khác phù hợp và hay hơn.

Một số từ ngữ được đề cập nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng như “chén”, “cuỗm”, “tợp”, “lồ ô”, “be be”, “lỡ xô”, “ti vi”, “khổ mỡ”… hội đồng đề nghị nhóm tác giả tìm từ ngữ khác phù hợp.

Một số đoạn bài như “Hai con ngựa”, “Cua cò và đàn cá”, “Lừa, thỏ và cọp” sau khi rà soát, hội đồng thẩm định tiếp tục đề nghị nhóm tác giả thay thế văn bản khác.

Một số đoạn bài khác được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng như “Ve và gà”, “Ước mơ của tảng đá”, “Quạ và chó”, hội đồng thẩm định đề nghị nhóm tác giả thay bài khác phù hợp.

Hội đồng thẩm định đề nghị nhóm tác giả khi chọn văn bản thay thế không sử dụng truyện ngụ ngôn và các đoạn/ bài đa nghĩa (đã xuất hiện khá nhiều trong bộ sách). Các tác giả nên chọn các đoạn/ bài trong kho tàng văn học Việt Nam.

Bộ GD-ĐT đã yêu cầu nhà xuất bản và nhóm tác giả xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính và gửi hội đồng thẩm định để thẩm định, báo cáo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xem xét nội dung chỉnh sửa trước ngày 15-11-2020.

Trao đổi tại cuộc họp trên, ông Nguyễn Hữu Độ – thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết bộ sách Cánh Diều lỗi lớn thì sửa, lỗi nhỏ thì trong quá trình dạy học có thể điều chỉnh. Vì theo quy định hiện nay, giáo viên và các nhà trường có quyền chủ động hơn. Đặc biệt, vai trò của giáo viên rất quan trọng.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định Bộ GD-ĐT không có văn bản nào quy định giáo viên không được lên tiếng phản ánh về những bất cập trong thực hiện chương trình mới nhưng ông Độ cũng thừa nhận Bộ GD-ĐT đã tiếp nhận thông tin phản ánh hơi chậm. Trên thực tế Bộ GD-ĐT cũng trực tiếp đi kiểm tra ở nhiều nhà trường nhưng lại không nhận được ý kiến đè xuất, góp ý trực tiếp nào.

Tuy vậy, từ phản ánh về những ngữ liệu không phù hợp trong sách giáo khoa, trong các giải pháp sắp tới, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các sở GD-ĐT hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên chủ động chọn ngữ liệu khác phù hợp (nếu cần thiết) để tổ chức dạy học cho học sinh căn cứ vào yêu cầu về ngữ liệu được quy định trong chương trình, căn cứ vào trình độ học sinh, mục tiêu của hoạt động dạy học đúng theo quy định của chương trình và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.

Bộ GD-ĐT cũng cho biết thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, bộ đang tiếp tục nghiên cứu để bổ sung các quy định về việc tổ chức thực nghiệm khi biên soạn sách giáo khoa, việc tổ chức đọc phản biện độc lập các bản mẫu sách giáo khoa khi hội đồng thẩm định đánh giá “đạt” và lấy ý kiến góp ý rộng rãi của các lực lượng xã hội trước khi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt.

Việc trưng cầu ý kiến này được thực hiện trên cổng thông tin của Bộ GD-ĐT tương tự như quy trình lấy ý kiến các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Khó khăn vì COVID-19

Giải thích về những lúng túng trong thực hiện chương trình lớp 1 trong những tháng vừa qua, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết do tình hình dịch COVID-19, học sinh trước khi vào lớp 1 ở nhà khá dài nên hầu như không được học chương trình mầm non 5 tuổi để đạt các yêu cầu như nhận biết mặt chữ, hướng dẫn các hoạt động làm quen với học tập và chuẩn bị tâm lý trước khi vào lớp 1. Mặt khác do khung thời gian năm học điều chỉnh, thời gian thực học sau ngày 5-9 nên học sinh lớp 1 không có khoảng thời gian 1-2 tuần như các năm học trước để tựu trường, ổn định nề nếp.

Về phía giáo viên dạy lớp 1, cũng do dịch COVID-19 nên việc tập huấn bị gián đoạn ảnh hưởng nhiều tới tiến độ, chất lượng, hạn chế thời gian tập huấn, hạn chế tương tác, thực hành nghiệp vụ. Các chương trình tập huấn chủ yếu thông qua hình thức trực tuyến. Hiện tại Bộ GD-ĐT mới thực hiện được 1 modul tập huấn giáo viên. Còn 3 modul khác sẽ triển khai vào tháng 11, 12-2020.

Theo ông Nguyễn Hữu Độ, chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1 không tăng lượng kiến thức, chỉ quy định chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt vào cuối năm học. Sách giáo khoa không biên soạn theo bài, theo tiết như trước mà theo chủ đề, mạch kiến thức, giao cho giáo viên và nhà trường nghiên cứu, dựa trên đặc điểm của học sinh và trường mình để biên soạn kế hoạch dạy học cụ thể.

Theo đó, cùng một chủ đề trong sách giáo khoa, nhưng có trường dạy trong 2 tiết, có trường có thể giãn ra dạy 3-4 tiết, miễn là không vượt quá thời gian quy định của môn học trong một năm. Đây là điểm mới trong việc thực hiện chương trình lớp 1 năm nay, nhưng theo Bộ GD-ĐT, các nhà trường ở nhiều nơi chưa mạnh dạn thực hiện mà vẫn làm theo cách cũ khiến cho giáo viên – học sinh cảm thấy quá tải.

Thăm dò ý kiến

Hội đồng thẩm định sách cho biết sách giáo khoa lớp 1 mới của nhóm Cánh diều sẽ được chỉnh sửa. Theo bạn cần:

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Sách giáo khoa lớp 1 mới: Cần có văn hóa phản biệnSách giáo khoa lớp 1 mới: Cần có văn hóa phản biện

TTO – Trong buổi làm việc với Bộ GD-ĐT về vấn đề của sách giáo khoa lớp 1 mới, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng các ý kiến, dù gay gắt, đều thể hiện sự tâm huyết, lo lắng và mong muốn có được những cuốn sách giáo khoa tốt nhất.