Quảng Trị: SGK được chọn phải đủ 4 tiêu chí

Công tác tập huấn GV sau chọn SGK đang được lên kế hoạch, trong trường hợp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc tập trung đông đủ GV cùng tập huấn ảnh hưởng tới an toàn, sức khỏe… thì việc tập huấn trực tuyến thay cho trực tiếp cũng cần được tính đến.

Cũng theo ông Phan Hữu Huyện, 4 tiêu chí lựa chọn SGK tiểu học trong cơ sở giáo dục phổ thông thuộc địa bàn tỉnh Quảng Trị vừa ban hành khá rõ ràng cụ thể.

Tiêu chí thứ 1 đó là SGK phải phù hợp với việc học của HS. Theo đó, SGK phải được trình bày khoa học, có tính thẩm mĩ cao, tính hứng thú với HS. Kênh chữ, kênh hình chuyển tải được nội dung rõ ràng, gần gũi, hấp dẫn, sinh động, phù hợp tâm lý lứa tuổi.

Bản mẫu SGK đã được gửi tới các địa phương để phục vụ công tác chọn SGK.

Về mặt nội dung, các bài học, chủ đề trong SGK được thiết kế bởi các hoạt động học tập được gắn kết chặt chẽ, khoa học, được chọn lọc với những kiến thức cơ bản, thiết thực và giúp định hướng cho HS đạt được mục tiêu học tập.

Các nội dung trong mỗi bài học, chủ đề được thể hiện sinh động, thúc đẩy HS học tập tích cực, chủ động, sáng tạo; hướng đến việc phát triển kĩ năng tư duy, khả năng tích hợp, vận dụng kiến thức, phát huy tính hợp tác và tự học cho HS.

Tiêu chí thứ 2 của chọn SGK tiểu học được đưa ra phải thuận tiện đối với GV. Cách thiết kế bài học, chủ đề trong SGK dễ hiểu, thuận lợi trong việc vận dụng, lựa chọn phương án, hình thức tổ chức và phương pháp dạy học phù hợp, đánh giá các mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực HS.

Nội dung, chủ đề phong phú, giúp GV dạy học tích hợp, phân hóa các nhóm, đối tượng người học, gắn kết nội dung bài học với thực tiễn. Cấu trúc SGK thuận tiện cho GV (tổ, nhóm chuyên môn) xây dựng kế hoạch dạy học, kiểm tra, đánh giá, phù hợp với kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Nếu như tiêu chí thứ 1 và thứ 2 liên quan trực tiếp đến HS, GV thì tiêu chí thứ 3 lại yêu cầu sự phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội địa phương. Cụ thể, nội dung SGK phải phù hợp với văn hóa, lịch sử, địa lý của địa phương; có thể triển khai tốt với điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện dạy học khác của nhà trường.

Công tác bồi dưỡng GV sau chọn SGK vô cùng quan trọng.

Cấu trúc SGK có tính mở, tạo điều kiện để địa phương, nhà trường chủ động, linh hoạt trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục, bổ sung những nội dung, hoạt động và ứng dụng, vận dụng sát với thực tiễn. SGK có giá thành hợp lý, phù hợp với điều kiện kinh tế của cộng đồng dân cư địa phương.

Tiêu chí 4 cụ thể về các điều kiện bổ trợ để sử dụng SGK. Như vậy, nguồn tài liệu, học liệu điện tử bổ sung cho SGK phải đa dạng, phong phú, hữu ích. Thiết bị dạy học kèm theo SGK phù hợp, có chất lượng, dễ sử dụng, giá thành hợp lý.

UBND tỉnh Quảng Trị đã giao cho Sở GD&ĐT Quảng Trị xây dựng kế hoạch, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các cơ sở giáo dục lựa chọn SGK.

Đức Trí