Quá tải học sinh vào lớp 1 ở TP.HCM: Xoay xở với học 2 buổi

Phụ huynh có con vào lớp 1 tại Trường tiểu học An Hội, quận Gò Vấp, TP.HCM xem thông tin ngày tựu trường vào chiều 24-8 – Ảnh: NHƯ HÙNG

Trước đây, thay vì học sinh được học vẽ ở phòng mỹ thuật thì nay các trường sẽ đưa học sinh xuống sân. Hội trường cũng được ngăn ra làm đôi để làm phòng học. Chỉ có phòng vi tính là có máy móc, không thể dời máy đi nên không thể tận dụng…

Ông Ngô Văn Tuyên (trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Q.Bình Tân, TP.HCM)

Đây là những nơi đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, dân số cơ học tăng cao.

Phụ huynh xếp hàng nộp hồ sơ

Thời điểm này, đa số các trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM đã hoàn thành công tác tuyển sinh lớp 1. Thế nhưng đến chiều 24-8, tại Trường tiểu học An Hội (Q.Gò Vấp) vẫn còn rất nhiều phụ huynh xếp hàng nộp hồ sơ cho con em nhập học lớp 1.

Cô Phan Thúy Trang – hiệu trưởng nhà trường – thông tin: “Năm nay trường có 11 lớp 5 ra trường, nhưng học sinh lớp 1 dự kiến đến 14 lớp. Đây là địa bàn đông dân nhập cư nên thời điểm này trường vẫn tuyển sinh đầu cấp vì có rất nhiều trường hợp phát sinh. Học sinh 6 tuổi thường trú hay tạm trú, có hộ khẩu hay không có hộ khẩu chúng tôi đều nhận các em vào học theo chỉ đạo của cấp trên”.

Theo cô Trang: “Với tình hình này, sĩ số học sinh lớp 1 chắc chắn hơn 40 em/lớp. Chưa biết năm nay nhà trường có bố trí được cho học sinh lớp 1 học hai buổi/ngày hay không. Tỉ lệ như thế nào thì chúng tôi vẫn chưa tính được vì còn đợi số học sinh ra lớp thêm từ nay đến đầu tháng 9. Nhưng để đảm bảo hiệu quả của việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, nhà trường sẽ đề xuất cho học sinh học 1 buổi nhưng sẽ học 7 hoặc 8 buổi/tuần”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo Q.Gò Vấp nói: “Việc giải quyết chỗ học cho học sinh vào năm học mới luôn là vấn đề nan giải của quận. Năm nay có hơn 7.000 học sinh vào lớp 1 trong khi quận không có thêm trường hay phòng học mới nào được xây thêm. Do đó, để đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, các trường đông học sinh bắt buộc phải cho học sinh học một buổi và dự kiến bổ sung một số buổi học chéo vào buổi chiều”.

Vị này nói thêm: “Hiện cũng có trường đề xuất sẽ phân học sinh lớp 1 thành hai nhóm, nhóm thứ nhất sẽ học 2 buổi/ngày vào thứ hai, tư, sáu, còn nhóm thứ 2 học vào ba, năm, bảy đồng thời học thêm 1 buổi trong tuần để đạt 7 buổi/tuần. Tuy nhiên, phương án này phải nhận được sự đồng tình của phụ huynh mới thực hiện được”.

Quá tải học sinh vào lớp 1 ở TP.HCM: Xoay xở với học 2 buổi - Ảnh 3.

Phụ huynh có con vào lớp 1 Trường TH An Hội, quận Gò Vấp, TP.HCM kiểm tra danh sách trước khi ban giám hiệu phổ biến thông tin về năm học mới – Ảnh: NHƯ HÙNG

Tận dụng hội trường làm phòng học

Tại Q.Bình Tân, ông Ngô Văn Tuyên – trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo – cho biết: “Năm học 2020 – 2021, quận tăng gần 11.000 học sinh từ mầm non đến THCS so với năm học trước. Trong đó bậc tiểu học tăng hơn 2.700 em khiến chúng tôi rất khó khăn khi xếp lớp, nhất là yêu cầu 100% học sinh lớp 1 phải được học hai buổi/ngày để đảm bảo điều kiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới”.

Ông Tuyên kể năm học mới sắp tới, Q.Bình Tân sẽ đưa vào sử dụng một trường tiểu học và một trường THCS mới xây dựng với 72 phòng học. Nhưng như vậy vẫn không đáp ứng kịp so với tốc độ tăng học sinh. Thế nên nhiều trường tiểu học trên địa bàn quận phải tận dụng cả phòng mỹ thuật, phòng truyền thống, hội trường… để làm phòng học.

“Trước đây, thay vì học sinh được học vẽ ở phòng mỹ thuật thì nay các trường sẽ đưa học sinh xuống sân. Hội trường cũng được ngăn ra làm đôi để làm phòng học. Chỉ có phòng vi tính là có máy móc, không thể dời máy đi nên không thể tận dụng được. Để đảm bảo yêu cầu học sinh lớp 1 phải được học 2 buổi/ngày, chúng tôi chấp nhận tăng sĩ số hơn 42 em/lớp; giảm tỉ lệ học sinh khối 2, 3, 4, 5 học 2 buổi/ngày. Thế nhưng hiện chúng tôi tính toán thì cũng chỉ đạt được 62,5% học sinh khối 1 sẽ được học 2 buổi/ngày trong năm học 2020 – 2021”.

Được biết, Bình Tân là quận xây dựng được rất nhiều trường học mới. Giai đoạn từ năm 2016 – 2020 quận đã xây dựng và đưa vào sử dụng 526 phòng học mới. “Tuy vậy, những năm gần đây năm nào số học sinh ở quận tôi cũng tăng và tăng rất cao. Phòng học mới vẫn xây dựng nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu nên tỉ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày rất thấp” – ông Tuyên chia sẻ.

Quá tải học sinh vào lớp 1 ở TP.HCM: Xoay xở với học 2 buổi - Ảnh 4.

Tăng sĩ số, khó đảm bảo 2 buổi/ngày

Sáng 24-8, ông Dương Anh Đức – phó chủ tịch UBND TP.HCM – đã chủ trì cuộc họp với các quận, huyện gặp khó khăn trong tuyển sinh đầu cấp để bàn giải pháp.

Ông Dương Anh Đức nhấn mạnh hai tiêu chí khi tuyển sinh vào lớp 1. Tiêu chí thứ nhất, theo quy định phổ cập giáo dục thì tất cả các em vào lớp 1 có chỗ đi học và học miễn phí. Tiêu chí thứ hai, học lớp 1 theo chương trình mới phải học 1 ngày 2 buổi.

“Có 18/24 quận huyện đảm bảo dạy 2 buổi/ngày. Có 6 quận, huyện gặp vấn đề và ngồi đây hôm nay. Theo đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo, hướng của năm nay và hướng của năm sau sẽ như thế nào? Lưu ý tính toán luôn năm sau sẽ có lớp 1 năm nay lên lớp 2 phải theo chương trình mới. Vậy sẽ có điều kiện ràng buộc 2 buổi/ngày” – ông Đức đặt vấn đề.

Tại cuộc họp, ông Tạ Tân – trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Q.Tân Phú – thông tin: “Tân Phú có 7.097 em vào lớp 1. Toàn quận có 30% học sinh học 2 buổi/ngày từ lớp 1 đến lớp 5 gồm 193 lớp. Khi nhận hơn 7.000 em học sinh lớp 1 vô phải đảm bảo 169 lớp. Giải pháp quận đưa ra là chấp nhận tất cả học sinh cư ngụ ở địa bàn, chấp nhận học 1 buổi/ngày, dạy 6 buổi/tuần trong thời gian tới, chấp nhận vượt “chuẩn” về sĩ số, trong thời gian tới nếu không có đủ trường thì xóa con số 30% này”.

Tại Q.12, ông Khưu Mạnh Hùng – trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo – cũng nói: “Mỗi năm quận tăng 22.000 dân. Năm nay kế hoạch đưa ra là 44,9 học sinh/lớp, thấy khó khăn nên tăng 50 em/lớp vẫn không đáp ứng được. Q.12 ra giải pháp rà soát giảm học sinh 2 buổi/ngày để cân đối”.

Hay như ở huyện Bình Chánh, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo chia sẻ khó khăn cục bộ với hai xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B khi có 7 trường tiểu học nhưng vẫn thiếu trường lớp.

“Toàn huyện có 10.638 em vào lớp 1, có 305 lớp, sẽ có 60,3% học sinh học 2 buổi/ngày. Giải pháp của huyện là riêng hai xã học 5 buổi/tuần, 14 xã kia học bình thường. Huyện có xin xây thêm trường nhưng vướng khâu đền bù mặt bằng” – vị này nói.

Ông Lê Hoài Nam – phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM – thông tin hiện nay 18 quận, huyện đảm bảo phòng học theo tiêu chí, 6 quận gặp khó khăn. Nếu “dàn ra cho đúng” sẽ không đảm bảo 2 buổi/ngày. Đó là các quận, huyện: Gò Vấp, Tân Phú, 12, Thủ Đức, Bình Tân và Bình Chánh.

Để giải quyết chương trình phổ thông mới theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bắt buộc lớp 1 học 2 buổi/ngày, ở TP học sinh đã tăng trung bình 50.000 em/năm. Bình thường đã áp lực, triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới áp lực sẽ tăng thêm.

Ông Nam đưa ra hai giải pháp: “Để giải quyết, sở bàn quận, huyện tham mưu cho TP, để đảm bảo chắc chắn giảm 2 buổi/ngày đối với lớp 2, lớp 5 để lớp 1 đảm bảo học 2 buổi/ngày. Đó là giải pháp trước mắt cho năm học này. Còn về giải pháp lâu dài thì phải tiếp tục xây dựng cuối cấp 2, lớp 6, lớp 10, tiếp tục theo kế hoạch TP đặt ra giai đoạn 2020 – 2025, 300 phòng học/10.000 dân, sĩ số là 35 em/lớp, sẽ đảm bảo.

Giải pháp thứ hai là nghiên cứu phát triển các trường tiểu học ngoài công lập. Tuy nhiên, sẽ tính hỗ trợ học phí cho học sinh nghèo, khó khăn. Nhằm đạt được điều này, sở phải xin đề án để UBND TP trình hội đồng nhân dân”.

Tạo điều kiện cho tất cả trẻ đến trường

duonganhduc-1587001535917634353430 1(read-only)

Ông Dương Anh Đức – phó chủ tịch UBND TP.HCM – kết luận: “Về giải pháp ngắn hạn, Q.12 và phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện khác tạo điều kiện cho tất cả trẻ được đến trường bằng tất cả nguồn lực hiện có. Các em có độ tuổi được đi học, các em lớp 1 học đầy đủ chương trình theo quy định, một tuần ít nhất sáu buổi. Năm nay có giáo dục địa phương, trong đó học bên ngoài trường, lịch sử, địa lý, truyền thống, tận dụng cơ sở vật chất chung của TP để đảm bảo nội dung truyền tải”.

Tránh áp lực cho học sinh

Ông Nguyễn Văn Hiếu – phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM – nhìn nhận chương trình mới học 2 buổi/ngày là tất cả các lớp, chứ không riêng lớp 1. Tuy nhiên, do áp lực gia tăng dân số thì có sáu quận, huyện chưa đạt 2 buổi/ngày, chỉ có 68% cho 2 buổi/ngày thôi.

“Những trường chưa có 2 buổi/ngày thì theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay bộ lại chưa hướng dẫn nên theo khung chương trình của bộ thì phải 6 buổi/tuần mới dạy học được. Tức là không bố trí 2 buổi/ngày nhưng phải 6 buổi/tuần, cũng đủ điều kiện tối thiểu để dạy học chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó không dạy hai tiết tự chọn: ngoại ngữ 1 và tiết tự đọc. Các quận, huyện chú ý để tránh áp lực cho các em học sinh…”.

Quá tải học sinh vào lớp 1 ở TP.HCM: Xoay xở với học 2 buổi - Ảnh 8.

Nhiều trường tiểu học ở TP.HCM gia tăng áp lực về tuyển sinh đầu năm học mới – Ảnh: THẢO THƯƠNG

Phụ huynh nói gì?

* Chị Nguyễn Ngọc Hà (P.3, Q.Gò Vấp, có con học lớp 1 tại Trường tiểu học Trần Văn Ơn):

Học ở thành phố luôn tốt

Còn vài ngày nữa bắt đầu vào năm học mới. Tôi chọn cho con học gần nhà. Quan điểm của tôi là học gần nhà thì kéo theo biết bao nhiêu thứ như thời gian, đưa đón, an toàn, hiệu quả học tập tương tác với trường nhanh hơn. Một lớp của con có 40 em, số này không phải quá đông, nhưng tôi nghĩ học ở TP thì luôn tốt cho con.

* Chị Ngô Thị Thanh (tỉnh Quảng Ngãi, có con vào lớp 1 tại Q.12):

Ở đâu con theo đó

Vợ chồng tôi vào đây lập nghiệp được 4 năm, hành nghề bán hủ tiếu gõ. Nhưng nay đây mai đó vì chỗ trọ có nhiều thay đổi. Chọn Q.12 vì giá phòng rẻ, vì thế cũng cho con học ở đây. Tôi không am hiểu lý do về chuyện đông, gia tăng dân số như trường giải thích. Tôi chỉ mong mình ở đâu con học ở đó, mọi thứ rẻ, tiện vì dù gì học ở TP sẽ có tương lai và tốt cho con hơn nhiều. Cha mẹ cũng có thời gian gần để dạy dỗ con.

Bài toán khó cho trường

nh-minhtu6 2(read-only)

Chị Nguyễn Ngọc Hà chuẩn bị cho con – bé Trần Minh Tú – vào lớp 1 Trường tiểu học Trần Văn Ơn (Q.Gò Vấp, TP.HCM) – Ảnh: N.HÙNG

Năm nay, ngoài áp lực tăng số lượng học sinh cơ học, các phòng Giáo dục và Đào tạo, ban giám hiệu nhà trường tiểu học còn đau đầu với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo “100% học sinh phải được học hai buổi/ngày khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới”. Chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai ở khối lớp 1 đồng nghĩa với việc học sinh lớp 1 phải được học 2 buổi/ngày. Đây là điều khiến áp lực nhân đôi trong năm học này.

“Nhưng số học sinh tăng nhanh quá, tăng cao quá, phòng học có xây thêm nhưng không đáp ứng kịp, chúng tôi rất khổ tâm” – lãnh đạo một phòng Giáo dục và Đào tạo ở vùng ven TP.HCM bộc bạch. Và một số quận, huyện đành phải chọn giải pháp giảm bớt tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày ở các khối lớp trên (khối 2, 3 ,4, 5) để dành chỗ cho khối lớp 1.

Nói thì dễ, chứ đây là cả một vấn đề nhức nhối. Học sinh nào được tiếp tục học 2 buổi/ngày, học sinh nào phải chuyển sang lớp 1 buổi đây? Làm không khéo sẽ gây bức xúc cho phụ huynh. Rồi chưa kể đến phương án cho học sinh khối 1 năm nay học 1 buổi nhưng phải đạt 6 buổi trong tuần để đảm bảo chất lượng giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông mới. Mà đã cho học sinh học 6 buổi thì chắc chắn phải học thêm vào ngày thứ bảy. Điều này không đơn giản vì khi giáo viên, nhân viên đi làm ngày thứ bảy thì chế độ sẽ khác so với ngày thường…

Đây quả là bài toán khó cho các trường!

Dạy - học mùa COVID-19: kịch bản nào?Dạy – học mùa COVID-19: kịch bản nào?

TTO – Chuẩn bị trước các phương án để không bị động là cách một số nhà trường tự “phòng thân” trong tình thế chưa có chỉ đạo cụ thể của các cấp quản lý, không chỉ của ngành giáo dục.