Quá ‘dễ dãi’ với học hộ, thi hộ

Một người thi hộ vào phòng thi tiếng Anh chuẩn đầu ra tại Trường CĐ L. vào ngày 11-12 – Ảnh: DUYÊN PHAN

Suốt một tháng thâm nhập vào các cuộc học hộ, thi hộ ở nhiều trường đại học và cao đẳng, điều làm tôi trăn trở nhất từ hiện tượng tiêu cực này là một sự “dễ dãi” khó tin ở cả nhà trường lẫn người học.

Theo chân một người thi hộ đến thi tiếng Anh tại một trường cao đẳng TP.HCM, chúng tôi ngỡ ngàng khi giám thị quá đỗi thờ ơ trong lúc kiểm tra đầu vào. Giám thị này ngó qua giấy tờ tùy thân (đã được làm giả) chưa đến một giây, không cần yêu cầu người đối diện phải tháo khẩu trang là gật đầu cho vô.

Cũng tại trường cao đẳng này, trong phòng máy tính thi tin học, dù có đến hai giám thị chính và một giám thị hành lang, sinh viên ngồi dưới vẫn có thể thoải mái trao đổi về đề thi.

Đó là giám thị, sự “dễ dãi” còn đến ở một bộ phận giảng viên ở một số trường đại học. Tại lớp liên thông ngành dược của một trường đại học ở TP.HCM, có lẽ không quá khó để người đứng lớp nhận thấy sự khác thường khi nhìn vào gương mặt của những học viên. Danh sách lớp liên thông này phần lớn là những học viên 8X, nhưng bên dưới là rất nhiều gương mặt “non tơ” của những người học hộ ở độ tuổi gen Z. Các giảng viên này vẫn nhắm mắt làm ngơ, do đâu?

Về phía người học, dường như nguồn cung học hộ phong phú khiến họ thoải mái quá mức. Một sinh viên tìm người thi hộ môn nói tiếng Anh chỉ vì sợ bị bắt cặp với bạn học lạ lúc vấn đáp. Một sinh viên ở Hà Nội nhắn tin tìm gấp người đến trường điểm danh buổi sáng vì… ngại ra ngoài lúc trời lạnh. Thậm chí, có sinh viên còn thuê cả người đi nghe văn nghệ với giá từ 30.000 – 80.000 đồng để lấy điểm rèn luyện.

Sự “dễ dãi” thật đáng sợ, tích tụ lâu dần có thể “hủy hoại” cả một thời đại học của sinh viên ấy – giai đoạn mà một người phải học để “làm nghề”. Nhưng “làm nghề” thế nào khi không có kiến thức vì mãi thuê người học hộ? “Làm nghề” thế nào khi không có kỹ năng vì liên tục thuê người làm kiểm tra, thi cử? “Làm nghề” thế nào khi không có một thái độ tốt, vì hễ đối mặt với khó khăn là chi tiền cho qua?

Mới đây, tôi từng đặt câu hỏi cho một chuyên gia giáo dục: Phải chăng sự xuất hiện của ChatGPT sẽ góp phần cho học sinh tiêu cực, đe dọa sự liêm chính học thuật? Chuyên gia này cho rằng nếu muốn “tuyên chiến” với vấn nạn học hộ, thi hộ thì vai trò của con người vẫn là trên hết.

Bởi trang bị hàng loạt công nghệ kiểm tra, truy vết tối tân cũng sẽ khó phát huy tác dụng nếu con người lơi lỏng. Một môi trường quyết liệt với nạn học hộ, thi hộ như thế sẽ giảm thiểu mầm mống của tình trạng tiêu cực này.

Bát nháo học hộ, thi hộ - Kỳ cuối: Cần giải pháp đồng bộ để bịt lỗ hổngBát nháo học hộ, thi hộ – Kỳ cuối: Cần giải pháp đồng bộ để bịt lỗ hổng

Theo các chuyên gia giáo dục, để giải quyết được tình trạng học hộ, thi hộ tại các trường đại học và cao đẳng, ngoài việc cần tăng cường áp dụng công nghệ, còn rất cần sự vào cuộc quyết liệt từ chính nhà trường.