Phương pháp học “face to face”

Nói không với “đọc – chép”, “nghe – chép”

Giờ học trực tuyến của cô Hồ Thị Tâm (GV Ngữ văn, Trường THPT Quốc học Huế) với bài Tràng Giang, Ngữ văn 11 gói gọn trong 30 phút. Nhưng trong khoảng thời gian ấy, nói như cô Tâm là “HS phải chạy” bởi cô giáo không sử dụng phương pháp quen thuộc là đọc, giảng và chép. Tất cả những gì cô đưa ra trong giờ học là hướng dẫn HS tự làm việc và đưa ra những suy nghĩ của mình về bài học. Ví như thông tin về thân thế, sự nghiệp nhà thơ Huy Cận, GV sẽ cung cấp cho HS một số đường link để các em đọc, sau giờ học sẽ có ghi chú gửi lại cho GV. “Sử dụng phương tiện 4.0 thì quan niệm và cách học cũng phải 4.0” – cô Tâm chia sẻ.

Khoảng 2 – 3 ngày trước lịch học trực tuyến, TS Ngũ Thiện Hùng – Trưởng khoa Tiếng Anh, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) sẽ giao nội dung công việc trước cho SV. “SV phải vào trang dạy trực tuyến, sử dụng mã nguồn học liệu mở Moodle để lấy bài được giao. Cả SV và giảng viên phải có quá trình chuẩn bị trước tiết học rất kỹ thì giờ học trực tuyến mới hiệu quả. Đây cũng là cách dạy của mô hình lớp học đảo ngược mà nhà trường đang khuyến khích sử dụng. Theo đó, SV có quá trình tự học, giờ học ở giảng đường, thầy và trò cùng đào sâu hoặc giải đáp những thắc mắc, tăng tính thực hành” – TS Hùng cho biết.

Tham gia học trực tuyến hai môn học Phiên dịch 2 và Ngữ dụng học, Khánh Nguyên – SV năm thứ 3, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) cho biết: “Không khí giờ học gần như ở giảng đường, vẫn do giảng viên chính và giảng viên tình nguyện người nước ngoài giảng dạy. Cùng một lúc, em có thể nghe nội dung phát biểu của các bạn. Ngoài ra, có cả phần chat song song để SV có thể trao đổi với thầy, cô những câu hoặc từ khó. Tuy nhiên, để học trực tuyến hiệu quả, SV phải chuẩn bị bài kỹ hơn, mức độ tập trung cũng cao hơn vì thời gian tương tác với giảng viên là hạn chế so với học trực tiếp”.

TS Ngũ Thiện Hùng – Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng giảng dạy trực tuyến.

Cơ hội để dạy – học sáng tạo

Khác với việc dạy học online, E-Learning theo kiểu trình chiếu và giảng bài đơn thuần, với phần mềm Zoom giảng dạy, GV gần như nhận được phản hồi của người học ngay tức thời để có những giải đáp phù hợp. Cô Hồ Thị Tâm chia sẻ: “Từ ứng dụng phần mềm trực tuyến, tôi phải dành nhiều thời gian để thiết kế lại bài dạy. Không phải tương tác trực tiếp trên lớp, tôi sử dụng cách giao tiếp qua màn hình video. Nghĩa là những gì mình phát ra, học trò thu nhận được liền. Thậm chí, với bài dạy trên lớp, đôi khi GV ngại cho học trò xem phim ảnh, tư liệu vì phải đem theo máy tính cá nhân nối với cáp vào màn hình lớp học thì bây giờ, chỉ cần click, cô và trò cùng xem với nhau. Phần mềm mình chọn có Screen sharing, bảng viết, đủ mọi công cụ như một lớp học bình thường”. Đôi khi, cô Tâm phải bật chế độ giơ tay để phát biểu vì “cả lớp cứ nhao nhao, thưa cô em, thưa cô em” không khác gì một lớp học trực tiếp.

Các thành viên trong lớp học trực tuyến của TS Ngũ Thiện Hùng có thể đồng thanh đọc một đoạn văn hay cùng nghe giảng viên sửa cách phát âm, chỉnh lại một đoạn dịch cho bạn cùng lớp hoặc nghe bạn trả lời câu hỏi của giảng viên đưa ra. “Cách tương tác của phần mềm cho người dạy và người học có cảm giác như một lớp học bình thường, có chế độ phát biểu của từng cá nhân hoặc cả lớp cùng trả lời. Không khí học tập vì vậy không buồn tẻ mà lôi cuốn SV hơn” – TS Ngũ Thiện Hùng cho biết. Phần mềm cũng có chế độ ghi âm, ghi hình lại những giờ dạy trực tuyến để người học, vì một lý do nào đó chưa kịp tham gia có thể xem lại.

Dạy học online đã trở thành một nhu cầu cấp thiết trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) đã gấp rút xây dựng studio để thực hiện các bài giảng điện tử. Về lâu dài, trường quay này sẽ giúp giảng viên nhà trường sản xuất nguồn học liệu số chuyên nghiệp với các clip bài giảng có chất lượng kỹ thuật truyền hình cao, có thể tổ chức các sự kiện học thuật, giáo dục được truyền hình trực tiếp, xây dựng và triển khai các hoạt động hậu kỳ học liệu số phục vụ người học và xã hội kịp thời, trong những hoàn cảnh không đến lớp trực tiếp, hoặc do ngăn cách địa lý.

Tuy nhiên, nói như TS Huỳnh Ngọc Mai Kha – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ, trong bất kỳ bối cảnh nào, việc ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả học tập là cần thiết trong một xã hội phát triển có tính linh hoạt ứng phó, chứ không phải chỉ khi dịch bệnh xảy ra mới phát huy vai trò.

Vai trò người thầy, dù trong GD truyền thống hay môi trường có tính xu hướng là trực tuyến, vẫn quan trọng nhất. Trong đó, người thầy sử dụng CNTT như là công cụ tối ưu hóa mục tiêu và khắc phục khó khăn về không gian và địa lý, đồng thời nghiên cứu việc áp dụng hoạt động tương tác nghiệp vụ như thế nào để phát huy hết công cụ CNTT sẵn có giúp người học được hưởng thụ tối đa nền tảng kiến thức và kỹ năng. – TS Huỳnh Ngọc Mai Kha