Phòng chống dịch bệnh: Gánh nặng trên vai “thiên thần blouse trắng” học đường

Những khoảng trống

Tại Trường THPT Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng), nhà trường chủ động thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19; Tổng dọn vệ sinh, phun thuốc khử trùng toàn bộ phòng học, phòng chức năng, trang thiết bị dạy học, đồ dùng cá nhân của học sinh (HS) và giáo viên (GV).

Bên cạnh đó, bằng nhiều kênh liên lạc, HS, phụ huynh, GV, cán bộ, nhân viên… được hướng dẫn về cách thức phòng chống bệnh và ngăn ngừa lây nhiễm; Tăng cường thêm khu vực rửa tay có đủ nước sạch, nước rửa tay diệt khuẩn, chuẩn bị điều kiện vệ sinh tốt nhất khi các em quay trở lại trường.

Nhân viên y tế cùng với GV chủ nhiệm được tập huấn sử dụng nhiệt kế kiểm tra thân nhiệt của HS; Thực hiện khuyến cáo của Bộ Y tế về các nội dung cần thực hiện trước, trong và sau khi cho HS trở lại trường học.

Đánh giá cao vai trò và tầm quan trọng của nhân viên y tế trong trường học, ông Hà Xuân Nhâm – Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng: “Trường học là nơi học tập, vui chơi của hàng triệu HS nên cần cán bộ y tế chuyên trách để sẵn sàng ứng phó các tình huống khẩn cấp, đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai công tác này tại cơ sở giáo dục vẫn gặp nhiều khó khăn. Không chỉ thiếu và yếu về nhân lực, cơ sở vật chất cho công tác y tế trường học cũng chưa thực sự được quan tâm. Để HS “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, cần xây dựng trường học theo hướng nâng cao sức khỏe và phòng chống bệnh tật học đường. Điều này rất cần thiết và phù hợp với xu thế chung của khu vực và thế giới”.

Ảnh minh họa/ INT

Cùng chung quan điểm, bà Hứa Thu Huyền – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Giang Biên (Long Biên, Hà Nội) cho biết: “Để bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, GV và HS trong trường, triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp, chương trình hoạt động y tế học đường, vai trò của nhân viên y tế trường học là hết sức quan trọng và nặng nề. Họ trực tiếp tuyên truyền, phổ biến kiến thức, thực hành một số kỹ thuật y khoa. Đồng thời, kết nối với các cơ sở y tế trên địa bàn để triển khai các hoạt động bảo vệ chăm sóc sức khỏe học sinh trong nhà trường”.

Vun đắp sức khỏe cho thế hệ tương lai

Trích Luật Trẻ em số 102/2016/QH13, được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 5/4/2016.

Điều 84. Bộ Y tế

4. Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn, tổ chức thực hiện công tác y tế trường học bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ em trong các cơ sở giáo dục; phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.

Điều 85. Bộ Giáo dục và Đào tạo

2. Chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan quy định tiêu chuẩn trường học, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; phòng, chống bạo lực học đường và trình Chính phủ quy định chi tiết khoản 4 Điều 44 của Luật này.

5. Chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan hướng dẫn và tổ chức thực hiện công tác y tế trường học bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ em trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác, giáo dục và phát triển toàn diện trẻ em trong hệ thống giáo dục; phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác.

Nhiều nước trên thế giới coi trường học là nơi nâng cao sức khỏe, thay đổi hành vi lối sống cho thế hệ tương lai của đất nước. Ở đó, HS được giáo dục thể chất, rèn luyện kỹ năng sống, cải thiện môi trường học tập để phát triển toàn diện.

Ông Nguyễn Minh Quý – Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng) cho rằng: “Mắc và lây lan dịch bệnh từ môi trường học đường là không hề nhỏ. Những hành vi mất vệ sinh, không có lợi cho sức khỏe hiện tại cũng như về sau dễ được hình thành do quá trình tương tác, học hỏi lẫn nhau giữa các em. Nếu không có sự quản lý, theo dõi và uốn nắn, nhắc nhở thường xuyên sẽ ảnh hưởng lớn đến không chỉ môi trường học tập trong trường học, mà cả quá trình sống, làm việc sau này”.

Nhân viên y tế trường học vừa phải có trình độ chuyên môn, nhưng lại phải nắm bắt được tâm lý lứa tuổi, thói quen, lối sống của HS. Như vậy, các “thiên thần blouse trắng” học đường phải thực hiện các hoạt động về vệ sinh môi trường, công tác phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm. Xây dựng khung dinh dưỡng y tế hợp lý, góp phần cải thiện cân nặng, chiều cao cho HS. Chịu trách nhiệm về giám sát khâu vệ sinh trong giao nhận thực phẩm, chế biến thực phẩm. Kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn hằng ngày để kiểm tra nếu xảy ra ngộ độc. Ngoài ra, nhân viên y tế trường học còn chịu trách nhiệm quản lý hồ sơ và theo dõi sức khỏe của HS trong suốt năm học, cấp học…

“Công tác y tế trong trường học hiện nay còn rất nhiều khó khăn, bất cập. Tuy nhiên, vượt qua những rào cản, công tác y tế học đường trong những năm gần đây đã khẳng định được vai trò không thể thiếu trong công tác chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh cho học sinh, thực hiện đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước ở các nội dung liên quan đã được cụ thể hóa trong Luật Trẻ em năm 2016.

Bảo vệ và chăm sóc trẻ em trong trường học là trách nhiệm của ngành Giáo dục. Để thực hiện tốt hơn sứ mệnh đó, các nhà trường thực sự cần có nhân viên y tế đủ trình độ và năng lực chuyên môn để đảm đương trọng trách. Họ không chỉ là người phản ứng nhanh trong các trường hợp sơ cứu ban đầu khi học sinh gặp tai nạn thương tích hay đau ốm thông thường mà còn quán xuyến cả vấn đề vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời kiêm nhiệm cả những đầu việc không tên khác.

Khi có dịch bệnh, bộ phận y tế chuyên trách nắm bắt chỉ đạo chuyên môn cấp trên để triển khai đến giáo viên, học sinh, thậm chí cả các bậc phụ huynh. Hiện diện và những hoạt động thường xuyên của y tế trường học không chỉ khiến phụ huynh học sinh an tâm mà hơn hết là góp phần nâng cao sức khỏe, tác động đến sự phát triển thể chất, trí tuệ cũng như sự phát triển toàn diện cho thế hệ tương lai của đất nước”.

PGS.TS Nguyễn Thanh Đề – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ GD&ĐT)

Bảo Minh