Phát huy lợi thế trên nền tảng công nghệ thông tin và truyền thông

Tính đến nay, nhà trường đã triển khai đào tạo 223 môn học cho 17 chuyên ngành đào tạo với 2710 buổi học, tương đương 7449 tiết dạy online cho toàn bộ 2700 sinh viên.

Trung bình mỗi ngày nhà trường thực hiện 78 buổi học online với tổng số tiết 1 ngày là 204 tiết, người học được cung cấp đầy đủ giáo trình, bài giảng, tài liệu học tập trên hệ thống LMS.

Cũng qua hệ thống LMS, việc quản lý giáo viên, lớp học, sinh viên trao đổi – thảo luận được thực hiện trực tiếp, dễ dàng đối với người sử dụng.

Để triển khai đào tạo online một cách hiệu quả, nhà trường đã thực hiện đánh giá qua 4 yếu tố quan trọng, thứ nhất các quy định liên quan đến đào tạo; thứ hai, nền tảng kỹ thuật hỗ trợ; thứ ba, sự sẵn sàng của giảng viên và sinh viên cũng như hệ thống quản lý; cuối cùng là kết nối tới sinh viên.

Qua việc học online trong thời gian nghỉ học ở nhà, sinh viên Dương Phương Anh, năm thứ tư, lớp An toàn thông tin K15A – Khoa Công nghệ thông tin, chia sẻ: Thời gian đầu học còn bỡ ngỡ, đôi khi gặp trục trặc bởi vấn đề đường truyền, sau vài ngày quen dần cảm thấy dễ học, tiện ích và khá thú vị. Nhà trường nhanh chóng khắc phục các lỗi, không giới hạn về mặt thời gian và kiến thức, thầy cô giáo trình chiếu giống với học slide ở trên lớp tạo cảm giác gần gũi thân quen.

Như việc giáo viên tạo một phòng học ảo, từ đó truyền đạt kiến thức bằng livestream trao đổi, trò chuyện trực tiếp với thầy cô giáo bộ môn cùng các bạn khác giống như gọi video thông thường, tuy là hình thức học tập mới nhưng kiến thức và kết quả học tập chúng em vẫn thu nhận được.

Đánh giá việc học online của nhà trường, Phương Anh nhận thấy việc học là rất trực quan, công bằng hơn hẳn khi học trên giảng đường, đó là giới hạn điểm danh, giới hạn nộp bài tập, có nghĩa là khi thầy cô giáo gia hạn nộp bài trong khoảng thời gian nhất định hay chỉ với 5 phút điểm danh, sinh viên vắng mặt sẽ không tham gia kịp lớp học sẽ bị bỏ lỡ. Bài giảng chúng em được tiếp thu chính hiện nay qua một số phần mềm được nhà trường áp dụng triển khai như LMS, Classroom, OBS, Zoom….

Trao đổi với Trưởng Khoa Hệ thống thông tin kinh tế – PGS. TS. Nguyễn Văn Huân cho biết: “Học trực tuyến giúp quản lý giảng viên, sinh viên tốt hơn, nâng cao hiệu quả phương pháp giảng dạy, các thầy cô giáo không ngần ngại, không tạo áp lực – người học thì hưởng ứng rất nhiệt tình. Tỷ lệ thầy, trò học online hiện nay đạt 100% trong toàn trường”.

Phần mềm Classroom là một trong những điểm thuận lợi đối với công tác quản lý giảng viên, sinh viên, giúp hiển thị kiểm tra đánh giá, điểm danh, giao bài tập và chấm điểm trắc nghiệm trực tiếp; tích hợp với đó sử dụng ZOOM đồng thời, dung lượng nhẹ, sự lựa chọn hàng đầu của thầy cô giáo cũng như các nhà trường.

Việc mua bản quyền sử dụng Zoom giúp giáo viên giảng dạy dễ dàng, thoải mái, tránh tình trạng giới hạn về mặt thời gian, tâm lý; hệ thống hình ảnh hiển thị, chất lượng âm thanh khá tốt.

Cũng theo thầy Huân, sinh viên nhà trường rất thích thú, sôi nổi thảo luận trong các tiết học online, mọi thắc mắc của người học sau mỗi tiết học sẽ được giáo viên tận tình hỗ trợ, tương tác mọi lúc mọi nơi, không còn cứng nhắc như học trên lớp.

Hiện nay, nhà trường đang tiếp tục tăng cường sử dụng công nghệ trong hoạt động quản lý, điều hành tại thời điểm phòng, chống dịch Covid-19 thông qua việc seminer trực tuyến của nhà trường.

Mục tiêu của nhà trường khi triển khai đào tạo trực tuyến là nhằm nâng cao kỹ năng, phát huy thế mạnh của một trường đại học đào tạo về công nghệ thông tin giúp cho người học có khả năng tiếp thu kiến thức một cách tốt nhất trong chương trình đào tạo trên cơ sở vận dụng các quy định của Bộ GD&ĐT, của Đại học Thái Nguyên để xây dựng và ban hành quy định tạm thời về đào tạo trực tuyến kết hợp với đào tạo truyền thống trong thời gian phòng chống dịch Covid-19.” Phó Hiệu trưởng nhà trường – TS. Đỗ Đình Cường chia sẻ.