Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây đã có trả lời kiến nghị của cử tri một số tỉnh gửi đến trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Sẽ tham mưu cơ quan có thẩm quyền
Theo đó, cử tri tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ bổ sung chỉ tiêu biên chế giáo viên hằng năm cho tỉnh đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đồng thời, đảm bảo định biên giáo viên trên lớp, không thực hiện cắt giảm biên chế theo tỉ lệ chung vì giáo dục có đặc thù riêng.
Trả lời nội dung này, Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ thực hiện nhiệm vụ rà soát, đề xuất trung ương giao bổ sung biên chế giáo viên năm học 2023-2024 theo quyết định 72 của trung ương về biên chế các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị ở trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy, Đảng ủy khối trực thuộc trung ương giai đoạn 2022-2026, bộ đã phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành các văn bản đề nghị các địa phương rà soát, đề xuất bổ sung biên chế giáo viên năm học 2023-2024.
Hiện tại, bộ phối hợp với Bộ Nội vụ đã xây dựng xong báo cáo rà soát và phương án đề xuất bổ sung biên chế giáo viên cho các địa phương năm học 2023-2024, trong đó có tỉnh Thanh Hóa, gửi các cơ quan trung ương có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh tinh giản biên chế là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước.
Để triển khai chủ trương này, các địa phương cần có lộ trình và giải pháp thực hiện linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, bảo đảm giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước và thực hiện nguyên tắc “có học sinh phải có giáo viên đứng lớp” một cách phù hợp.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ nghiên cứu để tham mưu Chính phủ, các cơ quan trung ương có thẩm quyền hướng dẫn thực hiện tinh giản biên chế ngành giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của vùng miền, các địa phương.
Đề nghị hướng dẫn cơ chế, bổ sung kinh phí hợp đồng giáo viên
Cử tri cũng đề nghị bộ phối hợp với Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn cơ chế, bổ sung kinh phí hợp đồng giáo viên theo nghị định 111/2022 của Chính phủ về hợp đồng với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập, phù hợp với đặc điểm từng cơ sở giáo dục, từng địa phương để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên.
Về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay nghị định 111 quy định Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan hướng dẫn thực hiện các quy định về chế độ, chính sách khi phát sinh vướng mắc, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động và thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo quy định.
Hướng dẫn mẫu hợp đồng dịch vụ và hợp đồng lao động để thống nhất thực hiện. Đồng thời, tại nghị định cũng không giao thẩm quyền cho bộ về việc hướng dẫn cơ chế, bổ sung kinh phí hợp đồng giáo viên.
Do đó, bộ không có căn cứ và thẩm quyền để hướng dẫn về nội dung này. Bộ ghi nhận ý kiến của cử tri và sẽ kiến nghị Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế, bổ sung kinh phí hợp đồng giáo viên theo nghị định này.
Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ từ năm 2015 đến nay, lịch sử luôn là môn học bắt buộc nhưng học sinh được lựa chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.