Nhóm sinh viên đầu tiên nghiên cứu về người song tính

3 khó khăn khi hướng dẫn thực hiện đề tài

Trao đổi với ThS. Bùi Thanh Minh – giảng viên hướng dẫn cho nhóm sinh viên thực hiện đề tài cho biết, đề tài này được sinh viên Phạm Kim Anh, lớp K60 CTXH đề xuất từ năm học 2016-2017 nhưng không thể hoàn thành. Nhìn chung, đây là một vấn đề tương đối đa chiều, phức tạp với nhiều góc nhìn và quan điểm khác nhau, thậm chí đối lập nhau. Nhưng có một sự thật không thể phủ nhận rằng, cộng đồng LGBT là một cộng đồng thiểu số, gặp phải nhiều rào cản xã hội trong việc thực hiện các quyền của mình.

Những rào cản lớn nhất đến từ sự kì thị của gia đình, bạn bè và các hệ thống xung quanh. Đặc biệt, người song tính cũng chịu sự kì thị từ trong chính cộng đồng LGBT, khi được coi là “đua đòi”, “không chung thủy”… Do đó, nghiên cứu nhận diện các rào cản của người song tính để từ đó xây dựng các hoạt động hỗ trợ, biện hộ chính sách là một việc làm cần thiết.

screen shot 2019-01-15 at 8

Thầy giáo hướng dẫn và nhóm nghiên cứu

– Thưa anh, khó khăn của giảng viên khi hướng dẫn nhóm sinh viên thực hiện đề tài này là gì?

Có rất nhiều khó khăn khi thực hiện đề tài này và đó cũng là lý do mà nghiên cứu này không thể hoàn thành trong năm 2016-2017. Thứ nhất là khó khăn trong việc tiếp cận và thu thập thông tin từ các bạn sinh viên song tính. Có thể nói, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn là một môi trường “nhân văn”, cởi mở và tôn trọng sự khác biệt nên cũng có nhiều sinh viên thuộc cộng đồng LGBT công khai xu hướng tính dục của mình. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần rất nhỏ. Nhóm sinh viên phải sử dụng nhiều phương pháp tiếp cận khác nhau dẫn đến khó khăn trong việc giúp các bạn xử lý thông tin, sắp xếp các nội dung theo logic vấn đề…

Khó khăn thứ hai là giúp sinh viên tạo ra sự khách quan trong nghiên cứu. Trong nhóm sinh viên có bạn Tuấn, là một người hoạt động rất tích cực trong phong trào bảo vệ quyền của người song tính nói riêng và cộng đồng LGBT nói chung nên ảnh hưởng đến sự khách quan của nghiên cứu. Trong khi đó, nghiên cứu khoa học là phải dựa trên bằng chứng nên không thể cảm tính.

Khó khăn thứ ba là thuyết phục hội đồng khi có các giảng viên, nhà nghiên cứu ở các lĩnh vực khác nhau như Triết học, Nhân học, Tôn giáo học…trước một vấn đề vẫn còn nhiều tranh cãi như chủ đề nghiên cứu này. Có đôi lúc cả thầy và trò phải đứng ra giải thích về phương pháp, về cách tiếp cận vấn đề để Hội đồng xem xét.

– Anh có nhận xét gì về nhóm sinh viên thực hiện đề tài?

Đây là nhóm sinh viên có sự bổ sung cho nhau rất tốt. Kim Anh là bạn chịu trách nhiệm chính có thành tích học tập và hoạt động rất tốt tại Khoa và trường. Tuấn và Linh là những bạn hoạt động tích cực trong các phong trào bảo vệ quyền của các nhóm thiểu số, trong đó có cộng đồng LGBT, phong trào bình đẳng giới…không chỉ trong phạm vi trường mà cả ngoài xã hội. Tất nhiên, còn có những hạn chế về việc quản lý thời gian, khả năng áp dụng lý thuyết, kỹ năng xử lý thông tin…nhưng với sự cố gắng không ngừng thì các bạn đều có thể có những thành tích tốt hơn trong nghiên cứu và hoạt động xã hội trong tương lai.

– Đôi điều suy nghĩ của Anh về việc hướng dẫn SVNCKH hàng năm?

Ở trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nói chung và Khoa Xã hội học nói riêng, nghiên cứu khoa học sinh viên luôn được chú trọng. Đây là một hoạt động giúp sinh viên có cơ hội rèn luyện, phát triển kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiên cứu, góp phần đạt được các chuẩn đầu ra, nhất là đối với các ngành khoa học cơ bản tại một trường đại học định hướng nghiên cứu. Do đó, sinh viên khi nghiên cứu khoa học luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các giảng viên, lãnh đạo Khoa cũng như lãnh đạo Nhà trường.

Thêm vào đó, việc hướng dẫn các nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học cũng giúp các giảng viên, nhất là giảng viên trẻ có thêm cơ hội để gần sinh viên, hiểu các khó khăn, rào cản của sinh viên, từ đó điều chỉnh việc giảng dạy, hỗ trợ nghiên cứu cho phù hợp.