Nhiều giải pháp ngành Giáo dục tiếp tục triển khai phòng chống Covid-19

Chỉ đạo quyết liệt phòng chống dịch

Tóm tắt công tác chỉ đạo phòng, chống dịch Covid -19 của ngành Giáo dục, thay mặt Ban Chỉ đạo, ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ GD&ĐT cho biết: Thực hiện Chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, ngay những ngày đầu tiên của năm mới, Bộ GD&ĐT đã có Công điện số 43 ngày 28/01/2020 gửi sở GD&ĐT, các đại học, học viện, viện, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các đơn vị trực thuộc Bộ triển khai các giải pháp phòng, chống dịch.

Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Y tế ban hành kịp thời trên 40 văn bản từ công tác phòng, chống dịch đến việc điều chỉnh chương trình, hướng dẫn dạy học cho phù hợp với tình hình thực tiễn dịch bệnh.

Trong đó, Bộ GD&ĐT đã 3 lần ban hành văn bản để nghị Chủ tịch UBND tỉnh căn cứ vào điều kiện thực tiễn của địa phương, xem xét quyết định cho học sinh nghỉ học.

Để bảo đảm chương trình giáo dục trước tình hình diễn biến dịch phức tạp của dịch Covid-19, Bộ GD&ĐT đã 2 lần ban hành văn bản điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

“Có thể nói trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã bám sát các chỉ đạo của cấp trên, phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để chỉ đạo quyết liệt về công tác phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục, hướng dẫn kịp thời kịp thời các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch năm học 2019-2020, đồng thời đã có những phương án xử lý kịp thời các tình huống xảy ra trong ngành Giáo dục, nhằm đảm bảo sự an toàn cho học sinh, cán bộ, giáo viên là trên hết” – ông Nguyễn Thanh Đề khẳng định.

Trong thời gian cho học sinh tạm nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh covid-19, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương chỉ đạo 100% các cơ sở giáo dục tiến hành tập huấn quy trình phòng, chống dịch bệnh cho cán bộ, giáo viên, thực hiện vệ sinh, tẩy trùng trường, lớp và chuẩn bị các điều kiện phòng, chống dịch bệnh để hướng dẫn học sinh, xây dựng kế hoạch dạy bù để sẵn sàng đón học sinh đi học trở lại khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát bảo đảm an toàn.

Bộ GD&ĐT đồng thời chỉ đạo các cơ sở giáo dục duy trì liên lạc giữa nhà trường với gia đình, giữa giáo viên với học sinh để giao nhiệm vụ và hướng dẫn học sinh tự học qua các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, nhà trường. Cùng với đó, yêu cầu các Sở GD&ĐT tiếp tục rà soát, tinh giản nội dung dạy học theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, triển khai các hình thức dạy học qua internet, trên truyền hình; tổ chức ôn tập, kiểm tra công nhận kết quả học tập qua internet, trên truyền hình khi học sinh đi học trở lại.

Ông Nguyễn Thanh Đề phát biểu tại hội nghị.

Trên 10 tỉnh, thành đã thực hiện dạy học trên truyển hình

Ngay sau khi có chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ, các địa phương đã tích cực triển khai các công việc có liên quan.

Theo đó, trong công tác phòng, chống dịch, các địa phương đã tham mưu kịp thời với lãnh đạo địa phương, phối hợp tốt với cơ quan y tế của địa phương để thực hiện vệ sinh, khử trùng trường lớp học và đồ dùng học sinh; tổ chức tâp huấn cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý về công tác phòng, chống dịch. Chỉ sau 1 tuần đã có trên 60% các cơ sở giáo dục đã hoàn thành việc vệ sinh khử trùng trường, lớp học và sau 2 tuần đã hoàn thành 100% trước khi đón học sinh đi học trở lại.

Căn cứ vào tình hình thực tế dịch bệnh, các địa phương đã chủ động cho học sinh nghỉ học và đi học trở lại. Do tình hình dịch bệnh khó lường, Giám đốc sở GD&ĐT đã rất vất vả trong việc tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố cho học sinh nghỉ học và đi học trở lại. Đến nay còn 24 tỉnh, thành phố tiếp tục cho học sinh phổ thông có địa phương chỉ cho học sinh lớp 12 đi học.

Đối với việc triển khai dạy học qua truyền hình, qua internet, ngày 12/3/2020, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 793/BGD&ĐT-GDTrH về việc tăng cường dạy học qua internet, trên truyền hình trong thời gian nghỉ học để phòng, chống Covid-19.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, các địa phương đã tích cực triển khai việc dạy học trên truyền hình. Hiện có khoảng trên 10 tỉnh, thành phố thực hiện dạy học trên truyển hình theo các khung giờ phù hợp để thuận lợi cho quá trình học tập của học sinh cũng như sự theo dõi và tham gia cùng phụ huynh.

Nhiều địa phương, nhà trường đã dạy qua internet hoặc sử dụng các phần mềm dạy và học trực tuyến để giảng dạy, củng cố kiến thức cho học sinh trong thời gian nghỉ phòng, chống dịch Covid-19.

Sẽ rà soát, tinh giản nội dung dạy học chương trình học kỳ 2

Chia sẻ các giải pháp tiếp tục triển khai trong thời gian tới, ông Nguyễn Thành Đề cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, cơ sở giáo dục các biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh, sinh viên trước khi đến trường, trong quá trình học tại trường và sau học tại trường; đề nghị UBND các tỉnh/thành phố xem xét tình diễn biễn của dịch bệnh quyết định cho học sinh nghỉ học để bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên, đồng thời áp dụng hiệu quả các hình thức dạy học và học trực tuyến, online.

Thực hiện rà soát, tinh giản nội dung dạy học thuộc chương trình học kỳ 2 để rút ngắn thời gian học khi học sinh trở lại trường trên tinh thần đảm bảo cung cấp đầy đủ kiến thức nền tảng, cốt lõi của chương trình cho học sinh, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình.

Xây dựng hướng dẫn dạy học qua internet, trên truyền hình đảm bảo tinh gọn, tiện ích, đáp ứng yêu cầu chất lượng theo chuẩn đầu ra của chương trình áp dụng cho học kỳ 2 năm 2020, đồng thời căn cứ vào đó, các địa phương, cơ sở giáo dục tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá kết quả dạy học qua internet, trên truyền hình theo chương trình giáo dục đã được tinh giản.

Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục về công tác phòng, chống dịch bệnh trong ngành Giáo dục để nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên học sinh, cha mẹ học sinh.

Bộ GD&ĐT cũng đã có đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trong đó có chính sách miễn giảm thuế đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, miễn BHXH, BHYT, BHTN đối với toàn bộ giáo viên, giảng viên, nhân viên, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập trong quý 1 và 2 năm 2020…. Đồng thời sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, cơ sở giáo dục rà soát các khó khăn, vướng mắc, thiệt hại trong ngành giáo dục để tổng hợp, báo cáo với Chính phủ và kịp thời đề xuất các giải pháp.