Người thầy chuyên lo cho những phận nghèo

Thầy Hy đến thăm và khảo sát hoàn cảnh của em Võ Thị Mai Trúc, sau khi nhận được tin nhắn xin giúp đỡ cho Trúc vào đại học của chị Hận – Ảnh: TRẦN MAI

Thầy Bùi Anh Hy, giáo viên Trường THPT Thu Xà (xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi), hơn 30 năm gắn bó với giáo dục ở đây, được bà con yêu quý và biết ơn tấm lòng thầy dành cho vùng đất này.

Lang thang đến những phận đời

Sáng 20-5, thầy Hy tranh thủ ngày thứ bảy đi trao 50 triệu đồng cho gia đình chị Võ Thị Thúy Trâm (39 tuổi, xã Nghĩa Hà, TP Quảng ngãi). Lúc đi, thầy kể về lý do hỗ trợ 100 triệu đồng cho chị xây nhà.

Nghèo, lập gia đình 15 năm mà chị Trâm vẫn ở nhờ nhà chị họ. Đã vậy, rạng sáng 14-2, chị Trâm dẫn cha chồng đi chữa bệnh ở Đà Nẵng, rồi tai nạn kinh hoàng tại Quảng Nam khiến 10 người chết, trong đó có cha chồng. Chị Trâm bị chấn thương đốt sống cổ.

Hôm hay tin, thầy Hy đến thăm, rồi nghe bà con kể về sự hiếu thảo của vợ chồng chị Trâm cùng ước mơ có một ngôi nhà. Nhìn hai con chị Trâm, thầy Hy xót xa. Thế là thầy Hy đem ước mơ ấy kể cho bạn bè, một người bạn trân quý tấm lòng của thầy đã gửi 200 triệu đồng với lời nhắn: “Tui gửi tiền cho ông, ông muốn cho ai thì cho”.

Thế là thầy Hy trích ra 100 triệu đồng hoàn thành ước mơ của chị Trâm. “Tôi quý nhất là Trâm chăm lo cho con ăn học và rất hiếu thảo. Không có nhà cũng vì chăm cha bệnh”, thầy Hy tâm tình.

Trao tiền cho chị Trâm, thầy Hy ân cần căn dặn giữ gìn sức khỏe, cố gắng cho con ăn học, cái chữ mới giúp các con không khổ như đời mình. Chị Trâm nói: “Em cảm ơn thầy đã giúp em có căn nhà, em hứa sẽ lo cho con ăn học đến nơi đến chốn”.

Thấy thầy Hy, người làng tụ về mỗi lúc một đông, bà Nguyễn Thị Mười (xã Nghĩa Hà) nói như van nài: “Chỉ có thầy mới giúp được, thầy bớt chút thời gian, mẹ khờ nuôi hai con bệnh tội lắm”. Dù bận sửa nhà, thầy Hy vẫn không từ chối được, rồi cười nói: “Thiệt khổ, thôi để tui đi luôn. Chắc kiếp trước tui mắc nợ gì bà con rồi”.

Người bà Mười giới thiệu là chị Đặng Thị Thanh Dung (38 tuổi), chị Dung “khờ” rồi bị lạm dụng sinh hai con. Oái oăm, con trai lớn 13 tuổi nhưng rất chậm, đứa nhỏ hơn 1 tuổi dị tật nặng nơi cổ. Đưa tay ôm lấy đứa bé, thầy Hy rơm rớm hỏi cha hai cháu, nhưng chị Dung không biết là ai, suốt buổi nói chuyện chị chỉ cười.

Rút trong túi ra 500.000 đồng, thầy Hy tặng cho chị Dung, rồi hứa với bà Mười sẽ viết bài kêu gọi. Rời khỏi nhà chị Dung, thầy Hy lướt qua đường làng, liên tục gật đầu chào bà con. Rồi thầy kể về cái duyên giúp người của mình.

Cách đây sáu năm, cậu học trò Lê Văn Kế bỗng nghỉ học, thầy nhắn tin hỏi mới hay Kế bị ung thư. Những dòng tự sự đầy khắc khoải về cậu học trò thầy đăng lên Facebook đã thu hút rất đông sự quan tâm. Mọi người hỏi số tài khoản, gửi tiền nhờ thầy trao cho Kế. Hơn 30 triệu đồng trao cho gia đình Kế cũng chính thức gắn nghiệp “ăn xin” cho người nghèo của thầy.

“Trước kia tôi giúp hoài, nhưng mà giúp bằng tiền của mình nên ít. Từ ngày giúp Kế, tôi như có duyên, mọi người cứ gửi tiền về. Thế là tôi lập quỹ “Em cần yêu thương”. Trò nghèo là tôi giúp, riêng học sinh vào Trường THPT Thu Xà mà nghèo là tôi nộp hết tất cả các khoản thu ở trường cho, các em chỉ lo học. Cảm ơn mọi người đã tin tưởng tôi”, thầy Hy trải lòng.

Thầy Hy bên căn nhà tình thương mà thầy cùng những người bạn đã hỗ trợ 110 triệu đồng tặng cho mẹ con chị Lịnh - Ảnh: TRẦN MAI

Thầy Hy bên căn nhà tình thương mà thầy cùng những người bạn đã hỗ trợ 110 triệu đồng tặng cho mẹ con chị Lịnh – Ảnh: TRẦN MAI

Hạnh phúc là được

Thầy Hy bảo làm thiện nguyện rất cực bởi phải minh bạch tiền, rồi khảo sát đúng đối tượng, thời gian dành cho gia đình rất ít. May sao vợ thầy luôn ủng hộ, toàn tâm chăm con để chồng đi “vác tù và hàng tổng”. “Vợ chồng tôi tâm niệm làm gì cũng được, hạnh phúc là được”, thầy Hy tâm tình.

Nghe lời tâm sự của thầy, mới hiểu vì sao chị Nguyễn Thị Bích Liên (44 tuổi, xã Nghĩa Hòa) nói: “Thầy Hy là ông bụt”. Chị Liên quê tận Đồng Nai, rồi rổ rá gặp nhau, sinh hai mặt con. Về đây sống chục năm. Chị vốn “khờ khờ” lại gặp người chồng “tưng tưng”. Mấy năm trời bị chồng nổi cơn đuổi đánh, thời gian mẹ con chị ngủ hiên nhà hàng xóm nhiều hơn ngủ trong căn nhà ọp ẹp của mình.

Ba năm trước, người chồng qua đời, mẹ con chị được giải thoát khỏi bạo hành. Nhưng vẫn khổ, cái ăn cho con phụ thuộc vào số ve chai chị nhặt được. Bí quá chị lên chùa Ông (Thu Xà) ăn xin.

Biết chuyện, thầy Hy xuống nhà khảo sát làm nhà vệ sinh, mua vật dụng. Mỗi tháng thầy hỗ trợ 1 triệu đồng và 2 thùng sữa. Thầy Hy bảo thầy ấn tượng ở người mẹ khờ này bởi “Rất thương con, Liên luôn nhịn đói để dành tiền cho con ăn học”.

Đang căn dặn chị Liên thì cháu Phạm Văn Bé về, đứa trẻ lễ phép vòng tay “Con trình thầy Hy, con mới đi chơi về”. Rồi Bé lao vào người thầy ngồi, hỏi đủ chuyện trên trời dưới đất. Cháu Phạm Thị Bé Năm đứng cạnh tỏ ra ganh tị nên nói: “Anh Bé học dốt hơn con, ảnh toàn đi chơi”.

Thầy Hy cười trước lời nói ngô nghê của Bé Năm, rồi nói: “Mấy đứa nhỏ này thương tôi lắm, hồi mới xuống nó sợ, giờ thấy là nó bu”.

Nhiều năm qua, thầy Hy luôn cứu giúp dân nghèo vùng đất này. Số lượng học trò được thầy giúp không đếm xuể, thầy chỉ nhớ đang giúp 9 em là sinh viên và 9 gia đình vừa trao sổ tiết kiệm. Em Lê Thị Như Quỳnh (Đại học Y dược TP.HCM) kể về thầy với sự biết ơn. Hai năm trước, Quỳnh đậu đại học, cha mẹ không có tiền cho con nhập học.

Lúc đó, ba Quỳnh khuân vác thuê, mẹ giữ em cho một đồng nghiệp của thầy Hy. Người giáo viên ấy nghe chuyện mẹ Quỳnh tính cho con nghỉ học đã liên hệ với thầy Hy và nói Quỳnh nhắn tin cho thầy. “Thầy lo cho em toàn bộ học phí vào trường. Giờ bạn thầy hỗ trợ em 1,5 triệu đồng/tháng. Em trụ lại giảng đường là nhờ thầy, em biết ơn thầy”, Quỳnh nói.

Năm học đã kết thúc, trò chuẩn bị bước vào đại học, thầy Hy lại đau đầu khi số lượng học sinh nghèo học giỏi muốn tiếp tục đến giảng đường quá nhiều. Thậm chí, chị Trần Thị Hận (42 tuổi, xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi) đã nhắn tin nhờ thầy giúp con của chị là em Võ Thị Mai Trúc từ hai tháng trước.

Chị Hận kể hùn cùng chủ tàu làm ăn, nghề giã cào chết, gia đình cũng mất trắng. Giờ chồng đánh rập ngoài sông, chị bán rau thuê. Con sắp vào đại học mà vợ chồng chị bất lực. “Trúc ham học, cho nghỉ thì tội, mà đi học thì không biết tiền đâu ra. Mọi người nói nhờ thầy Hy sẽ được, nên tôi mới xin thầy”, chị Hận nói.

Thầy Hy đến tận nhà khảo sát, nghe lời tâm tình của chị Hận mà nghẹn lòng. Lúc rời nhà, thầy nói: “Ước gì tôi khá tí, tôi giúp không sót đứa nào”…

Ngưỡng mộ và tự hào

Thầy Trần Thanh An, hiệu trưởng Trường THPT Thu Xà, bảo rằng tất cả người dân các xã phía đông TP Quảng Ngãi và phía đông huyện Tư Nghĩa đều biết đến thầy Hy, đó là người thầy đáng học hỏi về nhân cách, đạo đức, lối sống.

“Thầy Hy là người công tác rất lâu ở Thu Xà, trong công việc là người tận tụy, trong công tác xã hội là người nhiệt tâm. Tôi rất ngưỡng mộ và tự hào khi là đồng nghiệp của thầy. Tôi không đếm nổi số gia đình, học sinh thầy đã giúp. Quá nhiều”, thầy An nói.

Cô Trần Thị Thanh Trà, hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Hòa, nói: “Không có từ ngữ nào để nói hết về thầy Hy. Tôi là đồng nghiệp của thầy 20 năm, thầy luôn giúp đỡ đồng nghiệp, tận tâm giúp từng học sinh nghèo, bà con khó khăn. Uy tín của thầy rất lớn”.

Thầy cho nhà rồi còn cho tiền tôi không?

Người mẹ đơn thân và không nhà tên Mai Thị Lịnh (xã Nghĩa Hòa) vừa được thầy Hy hỗ trợ hơn 110 triệu đồng xây nhà nói: “Thầy cho nhà rồi còn cho tiền tôi như trước không? Thầy không cho lấy gì mẹ con tôi ăn?”.

Thầy Hy cười tươi bảo: “Trời trời, cho cái nhà cả trăm triệu rồi mà còn đòi cho tiền. Giờ thầy hỗ trợ 10kg gạo và mắm muối mỗi tháng, với lo tiền học cho cháu thôi. Khi nào khó quá thầy sẽ cho tiền, giờ phải nhường cho người khác chứ”.

Cám ơn thầy Huỳnh Như Phương, người thầy khiêm nhường, dạy tôi lòng biết ơnCám ơn thầy Huỳnh Như Phương, người thầy khiêm nhường, dạy tôi lòng biết ơn

TTO – Những ngày này, ký ức về một người thầy như những thanh âm nhẹ nhàng vang trong lòng tôi: thầy Huỳnh Như Phương – người thầy mà tôi may mắn được học trong những tháng ngày tôi thực hiện chương trình cao học tại Đại học Đà Lạt.