Ngăn tội phạm tấn công học đường

Ngành giáo dục tăng cường cảnh báo, nhắc nhở

Hà Nội: thông báo rộng rãi cách xử trí

Ông Phạm Xuân Tiến, phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho hay lãnh đạo sở đã yêu cầu các cơ sở giáo dục bên cạnh việc tuyên truyền về hành vi lừa đảo để phụ huynh, học sinh, học viên biết, cần rà soát, có biện pháp phối hợp chặt chẽ hơn với phụ huynh, học sinh, sinh viên.

Cụ thể, cần xây dựng quy định thống nhất, thông báo rộng rãi cách xử trí nếu xảy ra các vấn đề liên quan tới học sinh, học viên trong quá trình học tập tại trường.

Nhà trường và giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm chăm sóc, hỗ trợ học sinh cho tới khi bàn giao cho cha mẹ, không sử dụng hình thức yêu cầu chuyển khoản tiền cho bệnh viện, cho các cá nhân để xử lý như các chiêu lừa đảo.

Lãnh đạo sở cũng đề nghị các nhà trường nhắc nhở học sinh khi nhận được bất cứ thông tin nào qua điện thoại, tin nhắn từ thuê bao lạ phải bình tĩnh thông báo cho giáo viên chủ nhiệm, ban giám hiệu nhà trường, trao đổi với cha mẹ để kiểm chứng, không vội vàng làm theo yêu cầu qua các cuộc gọi điện thoại.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cũng cảnh báo các nhà trường về việc để lọt thông tin của học sinh, của nhà trường. Việc rà soát để ngăn chặn việc lộ lọt thông tin rất cần thiết vì có thể các đối tượng xấu sẽ còn nghĩ ra nhiều chiêu lừa đảo mới dựa trên thông tin của học sinh và nhà trường.

Lộ lọt thông tin cá nhân người dùng là “mồi ngon” cho tội phạm mạng – Nguồn: NCS

TP.HCM: liên hệ trực tiếp đến nhà trường

Ông Trịnh Duy Trọng, trưởng phòng chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay đã chỉ đạo khẩn trương việc kiểm tra, rà soát các kênh thông tin liên lạc giữa cơ sở giáo dục và gia đình; công khai đường dây nóng trên cổng thông tin điện tử của cơ sở giáo dục, đảm bảo được sự kết nối, liên lạc thông tin.

Các cơ sở giáo dục phải có biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn đến cha mẹ học sinh, học sinh – sinh viên, giáo viên thận trọng trong việc tiếp nhận thông tin, chủ động rà soát thông tin tránh trường hợp thông tin sai sự thật.

Đặc biệt, thông tin đến cha mẹ của từng học sinh rằng khi cần thông tin liên quan đến việc học tập, rèn luyện, sinh hoạt của học sinh tại nhà trường thì đề nghị quý phụ huynh liên hệ trực tiếp giáo viên chủ nhiệm hoặc liên hệ số điện thoại đường dây nóng của nhà trường. Tuyệt đối không thực hiện các yêu cầu qua điện thoại của các đối tượng mạo danh nhà trường.

Đà Nẵng: làm tốt công tác tuyên truyền

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng cho hay sở đã yêu cầu các đơn vị, trường học thực hiện nghiêm việc vận dụng các kênh thông tin (tin nhắn SMS, nhóm Zalo, website nhà trường…) tuyên truyền đến phụ huynh, học sinh bình tĩnh, đề cao cảnh giác trong trường hợp nhận được cuộc gọi thông báo về các vấn đề sức khỏe, tình hình học tập của con em.

Lãnh đạo nhà trường, giáo viên chủ nhiệm thường xuyên giữ mối liên hệ với phụ huynh để kịp thời tiếp nhận, phối hợp xử lý. Tăng cường giám sát, quản lý đối với người ra vào nhà trường, nhất là thời điểm đầu giờ và tan học.

Tăng cường công tác phối hợp với chính quyền, công an địa phương đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự xung quanh trường. Ngoài ra các trường cũng phải đẩy mạnh giáo dục phòng tránh tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử

Bộ GD-ĐT yêu cầu khẩn trương lấp lỗ hổng bảo mật nếu có

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh vừa ký văn bản gửi các cơ sở giáo dục, đề nghị có ngay biện pháp tuyên truyền cho phụ huynh hiểu về các thủ đoạn lừa đảo và phối hợp chặt chẽ với các nhà trường khi tiếp nhận thông tin tương tự để đối phó với các đối tượng lừa đảo.

Bộ GD-ĐT cũng đề nghị các cơ sở giáo dục khẩn trương rà soát công tác bảo mật, cung cấp thông tin của học sinh, sinh viên tại các nhà trường để khắc phục lỗ hổng bảo mật nếu có nhằm ngăn chặn các đối tượng xấu lợi dụng thông tin thực hiện hành vi lừa đảo.

Các nhà trường vận động phụ huynh, học sinh, sinh viên đã bị lừa đảo kịp thời cung cấp thông tin cho cơ quan công an để điều tra, xử lý sai phạm, khắc phục hậu quả.

V.HÀ – M.DUNG – Đ.CƯỜNG ghi