Năm học mang dấu ấn đặc biệt

Việc vừa chống dịch, vừa bảo đảm được chất lượng giáo dục đã tạo nên dấu ấn đặc biệt của toàn ngành trong năm học 2019 – 2020.

Biến “nguy” thành “cơ”

Năm học vừa qua, chưa bao giờ công nghệ lại thể hiện vai trò quan trọng đến thế trong dạy học. Lần đầu tiên, dạy học qua Internet trên truyền hình được triển khai rộng khắp trên phạm vi cả nước. Với nỗ lực của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, sự tham gia mạnh mẽ của công nghệ, việc học được duy trì và bảo đảm, rút ngắn thời gian thực dạy khi học sinh trở lại trường học. Từ cái “nguy” do dịch bệnh, học sinh không thể đến trường, đã biến thành cơ hội để mỗi giáo viên tự đổi mới mình, là thời cơ để ngành Giáo dục thực hiện chuyển đổi số.

Ông Đặng Tự Ân, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT), Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông ví von, năm học 2019 – 2020 có thể thấy được nhiều “cái nhất” và “duy nhất”: Năm học mới với số tuần học ít nhất và học sinh nghỉ tết lâu nhất; thời gian học trực tuyến kéo dài; hoạt động sẻ chia cộng đồng sáng tạo và lan rộng; cha mẹ học sinh thấu hiểu sự vất vả của giáo viên và cũng được gần gũi việc học của các con trong một thời gian dài; trường lớp được vệ sinh khử trùng nhiều nhất… Chừng đó đủ chứng tỏ khi toàn ngành đoàn kết nhất trí cao, không bao giờ “cái khó bó cái khôn”.

“Các trường thực hiện giãn cách xã hội; triển khai mạnh mẽ biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo kịp thời tinh giản chương trình, nhưng vẫn bảo đảm lượng kiến thức, kỹ năng cơ bản và trọng tâm; đồng thời hướng dẫn dạy học trên truyền hình, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong dạy học trực tuyến. Sự nhanh chóng, kịp thời này được xã hội đồng tình, đánh giá cao” – bà Nguyễn Thị Quyên Thanh nhận định.

Là đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh ấn tượng với những gì ngành Giáo dục làm được trong năm học vừa qua. Trong bối cảnh cả nước đối mặt nhiều khó khăn thách thức, dịch bệnh Covid-19 tác động sâu rộng đến tất cả lĩnh vực, trong đó có ngành Giáo dục, nhưng toàn bộ hệ thống đã nỗ lực để học sinh “tạm dừng đến trường, không dừng học”.

Việc thực hiện mục tiêu “kép” – vừa phòng chống dịch, vừa bảo đảm chất lượng giáo dục – cũng được ông Vũ Minh Đức, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam nhìn nhận là dấu ấn nổi bật nhất của ngành Giáo dục trong năm học qua. Dưới góc nhìn của Công đoàn ngành, ông Vũ Minh Đức, cho rằng: Toàn ngành đã đồng sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, bảo đảm an toàn cho đội ngũ thầy cô giáo, học sinh, sinh viên; đồng thời thực hiện tốt nội dung, chương trình năm học.

“Trong khó khăn đã xuất hiện nhiều cách làm mới, tấm gương thầy cô giáo sáng tạo, tận tụy, tâm huyết với học trò; những tấm lòng nhân hậu, sẻ chia với đồng chí, đồng nghiệp, với nhân dân gặp khó khăn trong thời gian phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Đảng, Nhà nước” – Chủ tịch Công đoàn giáo dục Việt Nam nhận định.

Giáo viên tỉnh Quảng Ninh tham gia dạy học trực tuyến trong đợt giãn cách xã hội đề phòng dịch Covid-19. Ảnh: IT

Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế

Năm 2020 được Bộ GD&ĐT xác định là năm tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế. Trong đó, tập trung ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn Luật Giáo dục 2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới; đẩy mạnh công tác thanh tra; khắc phục, tạo sự chuyển biến căn bản các vấn đề “nóng”, bất cập thuộc lĩnh vực GD-ĐT; tập trung thực hiện bảo đảm tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ do Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao.

Trong bối cảnh dịch bệnh, một thời gian khá dài thực hiện giãn cách xã hội, những nhiệm vụ quan trọng nói trên vẫn được thực hiện bài bản, hiệu quả. Việc ngành Giáo dục cố gắng hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm đưa những nội dung của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học, Luật Viên chức… vào cuộc sống được Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Vũ Minh Đức đánh giá là một điểm nhấn quan trọng khác trong năm học 2019 – 2020. Ông Đức khẳng định: Vai trò quản lý Nhà nước của Bộ GD&ĐT tiếp tục được nâng cao. Việc ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn về trường lớp; chế độ làm việc; chuẩn chức danh của giảng viên, giáo viên các cấp học; xây dựng thang bảng lương mới cho nhà giáo… làm cho hệ thống văn quản quản lý của ngành ngày càng đồng bộ. Đây đồng thời là căn cứ quan trọng để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong ngành.

Học sinh tham gia học trực tuyến hiệu quả trong mùa dịch. Ảnh: IT

Năm học 2019 – 2020 hoàn thành phê duyệt các bộ sách giáo khoa mới bằng kinh phí xã hội hóa và hướng dẫn địa phương lựa chọn sách giáo khoa cho lớp 1 cũng là cố gắng lớn của toàn ngành. Bày tỏ quan điểm này, ông Vũ Minh Đức đồng thời nhắc đến việc đội ngũ giáo viên được tập huấn chu đáo, sẵn sàng cho triển khai sách giáo khoa lớp 1 vào năm học mới; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học có bước tiến rõ rệt; giảm áp lực về hồ sơ, giấy tờ cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; bảo đảm thông tin thông suốt.

Cùng có nhìn nhận chung về nỗ lực ngành Giáo dục, ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An đề cập thêm sự vào cuộc cả hệ thống chính trí, ủng hộ đồng lòng của phụ huynh, nhân dân với ngành Giáo dục. “Dù dịch bệnh khó khăn, học sinh tạm dừng đến trường thời gian khá dài, rồi thay đổi phương thức dạy học, nhưng phụ huynh đã đồng lòng, ủng hộ. Sự ủng hộ này giúp chúng ta vừa hoàn thành được chương trình, vừa bảo đảm an toàn cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh, sinh viên” – ông Thái Văn Thành cho hay.

Công tác tại Trường THPT Thạch Thành 4, nơi còn nhiều khó khăn của tỉnh Thanh Hóa, tôi thấy nhiều thay đổi tích cực của thầy cô, nhà trường trong dịch Covid-19. Các thầy cô đã nỗ lực, cố gắng, vượt lên chính mình để triển khai dạy học trực tuyến, giúp học sinh được bảo đảm về kiến thức dù tạm dừng đến trường. Từ sử dụng, đến biết lợi ích của công nghệ thông tin, thầy cô thấy rằng đây là việc cần làm thường xuyên hơn nữa, bởi vậy dạy học trực tuyến không là phương thức dạy học chỉ trong mùa dịch. – Đại biểu Quốc hội Bùi Thị Thủy