Mỹ điều chỉnh thực đơn học đường để giảm béo phì

Mỹ đã đề xuất các tiêu chuẩn mới cho thực đơn học đường nhằm giảm nguy cơ mắc bệnh ở trẻ em – Ảnh: THE GUARDIAN

Ngày 3-2, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã đề xuất các tiêu chuẩn mới cho thực đơn học đường nhằm khắc phục tình trạng béo phì ở hàng triệu trẻ em Mỹ, đồng thời cung cấp cho các em những bữa ăn bổ dưỡng hơn tại trường học.

“Nhiều trẻ em không nhận được các chất dinh dưỡng cần thiết và các bệnh liên quan chế độ ăn uống đang gia tăng”, Hãng tin AP dẫn lời Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Tom Vilsack đánh giá.

Theo ông, nghiên cứu cho thấy bữa ăn ở trường là bữa ăn lành mạnh nhất trong ngày đối với hầu hết trẻ em. Điều đó chứng tỏ rằng thực đơn học đường là công cụ quan trọng giúp trẻ tiếp cận nguồn dinh dưỡng cần thiết cho một tương lai tươi sáng”.

Theo đề xuất trên, từ năm học 2025 – 2026, các loại thực phẩm chứa hàm lượng đường cao như ngũ cốc có đường, sữa chua, các loại sữa có hương vị và các loại bánh ăn sáng sẽ được giảm đường xuống để giảm thiểu khả năng mắc béo phì hoặc tiểu đường tuýp 2 ở trẻ nhỏ.

Ngoài ra, trẻ cũng sẽ được cung cấp nhiều hơn với sữa ít béo và tách béo, trong khi sữa có hương vị sẽ được phép sử dụng cho trẻ lớn hơn “với những giới hạn hợp lý về lượng đường bổ sung”.

Ví dụ, thay vì chọn các loại sữa có hương vị phổ biến hiện nay với 20g đường trong mỗi hộp sữa thể tích 240ml, các trường học sẽ thay thế bằng một loại sữa sô cô la chỉ chứa 10g đường.

Bên cạnh đó, kế hoạch này cũng hạn chế các món bánh chứa nhiều đường như bánh muffin hay bánh doughnut. Những loại bánh này sẽ chỉ xuất hiện trong thực đơn bữa sáng nhiều nhất 2 lần một tuần.

Tuy nhiên với các sản phẩm như sữa chua và ngũ cốc ăn sáng, việc cắt giảm lượng đường có thể được xem xét lại.

Các quan chức thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng đang soạn một đề xuất yêu cầu lượng ngũ cốc nguyên hạt phải chiếm tổng số 80% lượng ngũ cốc được cung cấp cho các trường học trong một tuần.

Như vậy, đến năm 2027, lượng đường trong các khẩu phần ăn sáng và trưa ở trường học sẽ giảm xuống ở mức dưới 10% tổng lượng calo mỗi tuần. Ngoài ra, các bữa ăn ở trường cũng sẽ dần giảm bớt lượng natri, một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh huyết áp cao hoặc bệnh tim.

Cụ thể, lượng natri trong các khẩu phần ăn sẽ giảm từ 1.280mg xuống còn khoảng 935mg. Thực tế, một chiếc bánh mì sandwich gà tây với mù tạt và phô mai hiện nay có thể chứa đến 1.500mg natri.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho biết gần 20% số trẻ em và thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 2 – 19 tại Mỹ (tương đương 14,7 triệu người) mắc bệnh béo phì.

Kiểm soát thừa cân, béo phì ở trẻ ra sao?Kiểm soát thừa cân, béo phì ở trẻ ra sao?

Các chuyên gia, giáo viên chia sẻ hiện trạng học tập, tập thể dục và thói quen ăn uống của học sinh ảnh hưởng như thế nào đến thừa cân, béo phì và các phương pháp kiểm soát hiệu quả.