“Lùm xùm” trường đại học Chu Văn An: UBND tỉnh Hưng Yên đã làm tròn trách nhiệm?

Lùm xùm ở trường đại học Chu Văn An đã kéo dài nhiều năm nhưng cho đến nay UBND tỉnh Hưng Yên chưa thể xử lý dứt điểm.
Lùm xùm ở trường đại học Chu Văn An đã kéo dài nhiều năm nhưng cho đến nay UBND tỉnh Hưng Yên chưa thể xử lý dứt điểm.

UBND tỉnh Hưng Yên phủ nhận việc chỉ đạo không nhất quán

Ngày 15/8/2018, trong văn bản trả lời về các vấn đề tồn đọng tại trường đại học Chu Văn An, UBND tỉnh Hưng Yên khẳng định: Để thực hiện trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương đối với trường đại học tư thục đóng trên địa bàn theo quy định của Điều lệ Trường đại học ban hành kèm theo Quyết định 70/2014/QĐ-TTg ngày 10/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Hưng Yên đã có nhiều văn bản chỉ đạo trường đại học Chu Văn An; trong đó có công văn số 2607/UBND-NC ngày 25/9/2017 về việc thực hiện kết quả kiểm tra của Đoàn kiểm tra liên ngành và Công văn số 1332/UBND-NC ngày 18/5/2018 về việc đề nghị công nhận Hội đồng quản trị trường đại học Chu Văn An. Nội dung của 2 công văn này hoàn toàn phù hợp, đúng với quy định của pháp luật hiện hành; không có sự mâu thuẫn trong nội dung của văn bản.

Điểm e khoản 2 của văn bản 2607 mở ra hướng giải quyết cho trường đại học Chu Văn An nhưng...
Điểm e khoản 2 của văn bản 2607 mở ra hướng giải quyết cho trường đại học Chu Văn An nhưng…
khoản 3 của văn bản này lại đưa ra quy định ràng buộc.
khoản 3 của văn bản này lại đưa ra quy định ràng buộc.

Văn bản của UBND tỉnh Hưng Yên giải thích, tại Khoản 2 Điều 21 Điều lệ Trường ĐH ban hành kèm theo Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg quy định: “Hội đồng quản trị có số thành viên là số lẻ, ít nhất là 7 thành viên. Số lượng và cơ cấu thành viên hội đòng quản trị; việc bầu các thành viên đại diện cho thành viên góp vốn, giảng viên cơ hữu của trường và các quy định cụ thể khác về hoạt động của Hội đồng quản trị phải được thể hiện cụ thể trong Quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường”.

Quy định trên cho thấy, Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học Chu Văn An là cơ sở pháp lý duy nhất để xác định số lượng và cơ cấu thành viên của Hội đồng quản trị nhà trường; các quy định cụ thể khác về hoạt động của Hội đồng quản trị và việc bầu các thành viên đại diện cho thành viên góp vốn, đại diện cho tổ chức Đảng, đoàn thể, giảng viên cơ hữu của Trường để tổ chức thực hiện quy trình, thủ tục thành lập Hội đồng quản trị nhà trường cho nhiệm kỳ tiếp theo theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 22 Điều lệ Trường đại học.

Tại Điều 4 Điều lệ Trường đại học quy định: “Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học do Hiệu trưởng ban hành theo quyết định của hội đồng trường (đối với trường công lập) hoặc hội đồng quản trị (đối với trường tư thục) trên cơ sở cụ thể hóa các quy định tại Điều lệ này, phù hợp với điều kiện đặc thù của nhà trường, không trái với các quy định của pháp luật có liên quan và phải được công bố công khai”.

Mặt khác, tại Điểm đ Khoản 1 Điều 21 Điều lệ trường đại học quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng quản trị: “Quyết nghị về việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường; thông qua nội dung quy chế tổ chức và hoạt động sau khi đã được đại hội cổ đông thông qua những quy định liên quan đến tài chính, hội đồng khoa học và đào tạo thông qua những quy định liên quan đến tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế”.

Tuy nhiên, đến nay UBND tỉnh Hưng Yên chưa nhận được quyết nghị của Hội đồng quản trị và Quyết định của Hiệu trưởng ký ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường.

Hiện tại, Trường Đại học Chu Văn An chỉ có Quy chế tổ chức và hoạt động ban hành kèm theo Quyết định số 90/2009/QĐ-HĐQT-CVA ngày 17/6/2009 do Chủ tịch Hội đồng quản trị khóa I, nhiệm kỳ 2006-2011 ký ban hành theo quy định tại Quyết định số 61/2009/QĐ-TTg ngày 17/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục. Tại quy Quy chế số 90 có nhiều quy định không còn phù hợp với quy định của Điều lệ Trường đại học hiện hành.

Văn bản trả lời của UBND tỉnh Hưng Yên cũng nhấn mạnh: “Thời gian qua, UBND tỉnh Hưng Yên đã có nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu trường đại học Chu Văn An sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng, ban hành mới Quy chế tổ chức và hoạt động và các quy định nội bộ khác của nhà trường theo đúng quy định tại Điều lệ Trường đại học ban.

Tuy nhiên, đến nay Trường đại học Chu Văn An vẫn chưa sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng, ban hành mới Quy chế tổ chức, hoạt động và các quy định nội bộ khác của nhà trường theo đúng quy định tại Điều lệ trường đại học để có căn cứ thực hiện quy trình thành lập Hội đồng quản trị nhiệm kỳ tiếp theo của Trường và tổ chức hoạt động của Trường theo đúng quy định của pháp luật”.

Văn bản 1332 của UBND tỉnh Hưng Yên từ chối công nhận Hội đồng quản trị trường đại học Chu Văn An sau khi các cổ đông thực hiện điểm e khoản 2 của văn bản 2607.
Văn bản 1332 của UBND tỉnh Hưng Yên từ chối công nhận Hội đồng quản trị trường đại học Chu Văn An sau khi các cổ đông thực hiện điểm e khoản 2 của văn bản 2607.

UBND tỉnh Hưng Yên đã làm tròn trách nhiệm?

Trao đổi với Dân trí, một số cổ đông trường đại học Chu Văn An cho biết, Chủ tịch Hội đồng quản trị khóa II đã cố ý vi phạm các Quy chế, Điều lệ Nhà trường, các quy định của pháp luật dẫn đến việc Hội đồng quản trị khóa II không thể tổ chức được cuộc họp Hội đồng quản trị để ra bất kì Nghị quyết nào.

Trong khi đó, Theo Điều lệ trường đại học thì trách nhiệm của UBND tỉnh phải trực tiếp hoặc phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo việc tổ chức thực hiện Điều lệ trường đại học đối với các trường đại học trực thuộc; thực hiện việc công nhận hội đồng quản trị, công nhận hiệu trưởng và các quy định khác đối với các trường đại học tư thục đóng trên địa bàn; Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc quản lý các trường đại học đóng trên địa bàn; giải quyết khó khăn, vướng mắc theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Điều lệ này theo thẩm quyền và theo chế độ phân cấp quản lý hiện hành; xử lý vi phạm đối với các trường đại học trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên thực tế cho thấy, Điều lệ trường đại học ban hành kèm theo Quyết định 70/2014/QĐ-TTg ngày 10/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực từ ngày 30/1/2015 và thay thế cho Quyết định số 61/2009/QĐ-TTg ngày 17/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ nhưng tính đến thời điểm hiện tại sau hơn 3 năm trường đại học Chu Văn An không có một động thái nào sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Quyết định 70 mà vẫn dùng Quyết định 90 của Chủ tịch Hội đồng quản trị khóa I song UBND tỉnh Hưng Yên lại chưa có một hình thức xử lý quyết liệt nào. Không thay đổi Quyết định 90 nhưng nhà trường lại vẫn hoạt động từ đó đến nay thì liệu có đúng quy định của pháp luật?

Điều 20 của Điều lệ trường đại học hiện hành quy định về Đại hội đồng cổ trong trong trường đại học tư thục cũng nêu rõ: Cuộc họp bất thường của đại hội đồng cổ đông được triệu tập theo một trong những trường hợp sau đây: Theo quyết định của Chủ tịch hội đồng quản trị hoặc có ít nhất 2/3 số thành viên hội đồng quản trị kiến nghị tổ chức cuộc họp vì lợi ích của nhà trường; Cần bổ sung hoặc thay thế thành viên góp vốn của hội đồng quản trị.

Điều lệ trường đại học hiện hành có đủ hành lang pháp lý giải quyết vụ việc nhưng UBND tỉnh Hưng Yên lại đẩy trách nhiệm lên Chính phủ, Bộ GD-ĐT.
Điều lệ trường đại học hiện hành có đủ hành lang pháp lý giải quyết vụ việc nhưng UBND tỉnh Hưng Yên lại đẩy trách nhiệm lên Chính phủ, Bộ GD-ĐT.

Cá nhân hoặc nhóm thành viên góp vốn sở hữu trên 30% tổng số vốn góp kiến nghị họp bằng văn bản khi phát hiện hội đồng quản trị vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền, trái với quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính nội bộ của nhà trường; Nhiệm kỳ của hội đồng quản trị đã kéo dài quá 6 tháng nhưng chưa tổ chức cuộc họp để bầu hội đồng quản trị mới thay thế và Các trường hợp khác theo quy định tại quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.

Tại khoản 2, điều 22 của Điều lệ trường đại học cũng nêu rõ, việc không công nhận Chủ tịch và các thành viên hội đồng quản trị được thực hiện khi xảy ra một trong các trường hợp sau: Có đề nghị bằng văn bản của cá nhân xin thôi tham gia hội đồng quản trị; bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị ốm đau, tai nạn không có khả năng đảm nhiệm công việc được giao, đã phải nghỉ việc để điều trị quá 6 tháng mà khả năng lao động chưa được hồi phục; đang chấp hành bản án của tòa án hoặc các trường hợp vi phạm khác được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường; có trên 50% tổng số thành viên của hội đồng quản trị kiến nghị bằng văn bản đề nghị không công nhận.

Như vậy Điều lệ trường đại học đã đủ hành lang pháp lý để UBND tỉnh Hưng Yên xử lý dứt điểm vụ việc ở trường đại học Chu Văn An. Nhưng thực tế đơn vị này lại đẩy trách nhiệm lên Chính phủ, Bộ GD-ĐT.

Theo văn bản 2296 ngày 15/8/2018 của UBND tỉnh Hưng Yên thì cơ quan này cho biết đã có công văn số 1426 ngày 29/5/2018 báo cáo Thủ tướng Chính phủ; công văn số 1318 ngày 18/5/2018 báo cáo Bộ GD-ĐT và các bộ, ngành có liên quan về việc đề nghị chỉ đạo, xem xét, giải quyết đối với Trường Đại học Chu Văn An.

Để làm rõ vụ việc, ngày 5/11, báo Dân trí đã đặt lịch làm việc với UBND tỉnh Hưng Yên nhưng không được chấp thuận với lý do chờ Thanh tra tỉnh thanh tra hành chính trường đại học Chu Văn An từ năm 2012 đến nay.

Ngày 6/11, văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên gửi văn bản cho phóng viên thông tin UBND tỉnh Hưng Yên có giao cho Thanh tra tỉnh tham mưu về việc thành lập đoàn kiểm tra hành chính báo cáo trước ngày 20/11. Về việc thời điểm nào tiến hành thanh tra, bao lâu thì có kết quả thì không đề cập đến trong văn bản này.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc diễn biến tiếp theo của vụ việc này.

Nguyễn Hùng