Luận án tiến sĩ: Đừng để hội đồng tư vấn, đánh giá như ‘nồi lẩu thập cẩm’

Một buổi chấm luận án tiến sĩ bằng tiếng Anh tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM có sự tham gia của nhà khoa học nước ngoài – Ảnh: UEH

PGS.TS Nguyễn Văn Dững – nguyên trưởng khoa báo chí, Học viện Báo chí và tuyên truyền, coi đó là một trong những giải pháp ngăn chặn các đề tài luận án tiến sĩ không đạt chuẩn, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ hiện nay.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Dững cho biết dù không cùng ngành nhưng không khó để nhận ra không chỉ riêng đề tài luận án “tiến sĩ cầu lông” mà hiện nay còn rất nhiều đề tài luận án đọc lên nghe rất “buồn cười”.

“Cũng như nhiều ý kiến trên các diễn đàn mạng đánh giá về luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh (NCS) Đặng Hoàng Anh, tôi cho rằng đề tài này thật ra chỉ như một khóa luận tốt nghiệp đại học. Nếu cứ tràn lan thông qua các luận án tiến sĩ (LATS) như hiện nay, hệ quả là sẽ sản sinh ra lớp tiến sĩ kém chất lượng và để lại hậu quả lâu dài, tồi tệ cho công tác đào tạo chuyên gia khoa học”, ông nói.

Hạ chuẩn

* Quy chế đào tạo tiến sĩ năm 2021 chỉ yêu cầu NCS có công bố trong nước. Đó là điểm khác biệt lớn nhất so với quy chế 2017. Theo ông, đây có phải là nguyên nhân việc xuất hiện các đề tài luận án không xứng tầm?

– Quy chế 2021 hạ chuẩn là quá rõ ràng, đã có nhiều ý kiến trên truyền thông và đã cảnh báo nhiều hệ lụy lâu dài. Tất nhiên, khâu chất lượng LATS đang nói tới là việc của hội đồng tư vấn đề cương và hội đồng đánh giá LATS cho NCS.

Liệu hội đồng có dễ dãi, xuê xoa quá không? Và liệu chúng ta đã phân biệt được đâu là đề tài LATS và đâu là đề án công tác hay dự án giải quyết một vấn đề thực tiễn? Và nữa, có lẽ ở đây chưa có sự nhìn nhận thống nhất về phẩm chất của một NCS và mục tiêu đào tạo NCS thành cán bộ khoa học…

Nhẽ ra, tiêu chuẩn đầu vào của NCS và chất lượng LATS ngày một nâng lên, thì chúng ta lại hạ chuẩn để “có” được người học, để có “công ăn việc làm”.

* Có ý kiến cho rằng với LATS việc nghiên cứu để đưa ra giải pháp cũng được nhưng phạm vi và đối tượng nghiên cứu quá hẹp thì không xứng tầm một luận án. Quan điểm của ông về việc này ra sao?

– Đọc qua mấy tên đề tài luận án dư luận đang đề cập tôi cho rằng đó không phải là LATS mà thực chất chỉ là đề án/dự án thực tiễn, giải quyết một vấn đề cụ thể của một cơ sở.

Cần phân biệt rõ đề án khoa học, đề án thực tiễn, giải pháp thực tế… với LATS – là công trình nghiên cứu khoa học cần hệ lý thuyết, khung lý thuyết để mở đường hay soi rọi vấn đề khoa học – thực tiễn; thậm chí nó là vấn đề thuần túy khoa học.

LATS cần xây dựng khung lý thuyết rõ ràng cùng với hệ phương pháp mổ xẻ cho vấn đề nghiên cứu. Hay là người ta bí đề tài LATS nên “vơ bèo vặt tép”…?

Cần nghiêm ngặt ở khâu đánh giá, hậu kiểm

* Nhiều khi cả NCS và người hướng dẫn bí đề tài để làm luận án, nhưng cuối cùng đề tài cũng được thông qua và NCS cũng vẫn trở thành tiến sĩ. Làm thế nào để ngăn chặn việc này?

– Trách nhiệm là ở hội đồng khoa học tư vấn, nghiệm thu đánh giá LATS. Để khắc phục loại đề tài LATS như thế này, chủ yếu phụ thuộc vào đội ngũ những người thầy, các nhà khoa học đi trước; đồng thời phụ thuộc vào người dự tuyển NCS.

Ở đây cũng có vai trò của Bộ GD-ĐT. Bởi vì, các đề tài LATS, sau khi đã được hội đồng tư vấn và cơ sở đào tạo quyết định, đều phải báo cáo Bộ GD-ĐT thẩm định chứ không chỉ để báo cáo hành chính. Mặt khác, bộ còn có khâu hậu kiểm.

Theo quy định hiện nay, hậu kiểm thẩm định lại 20% LATS đã bảo vệ, cấp bằng. Tôi nghĩ cần thẩm định hậu kiểm LATS trên 50%.

* Vai trò và trách nhiệm của Bộ GD-ĐT trong việc giám sát thẩm định đề tài LATS thế nào, thưa ông?

– Quy chế đào tạo tiến sĩ đã được đổi mới nhiều lần nên có chặt chẽ hơn. Nhưng theo tôi, trách nhiệm cao nhất thuộc về các hội đồng, các nhà khoa học, cơ sở đào tạo và sau đó mới đến Bộ GD-ĐT.

Đối với Bộ GD-ĐT về mặt quản lý nhà nước cần phải tiến hành hậu kiểm việc tổ chức đào tạo tiến sĩ. Việc hậu kiểm để đánh giá các LATS cần phải được thực hiện nghiêm túc và đặc biệt cần phải xử lý nghiêm nếu có sai phạm. Trên thực tế công tác hậu kiểm này chưa được làm đến nơi đến chốn, chưa triệt để và cách giải quyết cũng nửa vời.

Có LATS qua hậu kiểm đã bị hủy, thu hồi bằng tiến sĩ, nhưng chủ tịch hội đồng, các phản biện và thành viên không hề bị xử lý, họ vẫn tiếp tục làm chủ tịch hội đồng và phản biện các luận án khác.

Như nồi lẩu thập cẩm

Chúng tôi bảo vệ LATS ở nước ngoài, theo quy định, chủ tịch hội đồng và các phản biện phải cùng ngành/chuyên ngành với NCS bảo vệ; sau đó có ủy ban thẩm định tối cao của nhà nước thẩm định xem có chuẩn không, NCS mới được cấp bằng.

Còn ở ta, cứ có chút chức vụ quản lý thì làm chủ tịch hội đồng, phản biện ngành/chuyên ngành nào cũng được. Thành ra hội đồng như nồi lẩu thập cẩm.

PGS.TS NGUYỄN VĂN DỮNG

Từ vụ Từ vụ ‘tiến sĩ cầu lông’: Nhức nhối luận án tiến sĩ

TTO – Không phải đến nay luận án tiến sĩ “Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La” mới khiến dư luận xôn xao! Nhiều năm nay, xã hội đã râm ran về các luận án tiến sĩ “không giúp ích gì cho cuộc sống”.