Lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 mới: Lo không kịp tiến độ

Phải có đủ sách để nghiên cứu, thẩm định

Công tác lựa chọn, xuất bản, phân phối và xác định giá các bộ SGK lớp 1 là những công việc hết sức quan trọng, có ảnh hưởng lớn tới người dân và đang được dư luận quan tâm. Đến nay, các địa phương đều tiến hành triển khai và giới thiệu các bộ SGK đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt để các đơn vị, trường học tiếp cận và đánh giá, thẩm định.

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố 32 SGK lớp 1 của Chương trình GDPT mới, nhiều trường tiểu học còn chậm tiếp cận với bản mẫu. Điều này khiến giáo viên lo lắng sẽ không đủ thời gian để nghiên cứu, kịp tiến độ lựa chọn sách theo quy định của Bộ (cuối tháng 3/2020 các trường phải chốt việc lựa chọn bộ sách). Bên cạnh đó, SGK mới cũng chưa có giá cụ thể, các nhà xuất bản đang hoàn tất thủ tục để kịp công bố giá sách trước 15/2 theo quy định của Bộ.

Để giáo viên đánh giá và đề xuất nên lựa chọn sách nào thì ít nhất trong tay phải có cuốn sách đó, nên ít nhất mỗi nhà trường phải có đủ 5 bộ sách. Các trường tiểu học cũng lo lắng không có kinh phí để mua tất cả bản mẫu SGK cho giáo viên tham khảo. Nhiều địa phương mong muốn sớm được có đầy đủ cả 5 bộ sách lớp 1 để nghiên cứu, tìm hiểu và dạy thử cho học sinh…

Điều cũng khiến ngành Giáo dục các địa phương băn khoăn là Thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK lớp 1 hiện nay là theo ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh. Tuy nhiên, Thông tư khi ban hành có giá trị chưa đầy nửa năm (sau đó sẽ căn cứ theo Luật Giáo dục, có hiệu lực từ ngày 1/7/2020), do đó, việc lựa chọn sách năm nay chỉ là giải pháp tạm thời, không có tính ổn định. Đến năm tiếp theo việc lựa chọn sách cũng sẽ làm lại từ đầu…

Theo ông Nguyễn Minh Luân – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau: “Việc ban hành Thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông ban hành dựa trên cơ sở Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Theo đó, các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn SGK để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Thông tư này sẽ hết hiệu lực vào ngày 30/6/2020, khi đó Luật Giáo dục có hiệu lực từ ngày 1/7/2020.

Theo quy định tại Luật, UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Do đó, hiệu lực của Thông tư khi ban hành có giá trị chưa đầy nửa năm và chỉ áp dụng cho việc lựa chọn SGK lớp 1. Giải quyết những băn khoăn, khó khăn về việc này, Sở sẽ sớm tổ chức hội nghị riêng để thống nhất quan điểm chỉ đạo trên địa bàn toàn tỉnh”.

Tim mua SGK. Ảnh minh họa/ INT

Khó khăn về kinh phí mua sách mẫu

Đối với tỉnh Đồng Tháp, chuẩn bị Chương trình GDPT mới là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục trong năm 2019. Đến thời điểm này, các bước theo hướng dẫn của Bộ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, bồi dưỡng, đào tạo giáo viên cho chương trình mới được thực hiện kịp thời. Việc chọn SGK lớp 1 được ngành Giáo dục chủ động truyền thông, triển khai tập huấn thầy cô giáo và cán bộ quản lý, chủ động phối hợp các nhà xuất bản giới thiệu tất cả các SGK đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt.

Theo ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp, việc chọn SGK lớp 1 chậm nhất đến cuối tháng 3 tất cả các trường báo cáo kết quả. Hiện nay ngành đang triển khai nghiên cứu SGK mẫu, có gặp một số khó khăn vì đây là sách mẫu, các nhà xuất bản chưa phát hành, chưa có giá. Địa phương cũng gặp khó về kinh phí khi mua sách mẫu cho giáo viên nghiên cứu. “Sách mẫu chưa có giá nên chúng tôi chủ động liên hệ với các nhà xuất bản cung cấp 5 bộ sách về Đồng Tháp để tổ chức nghiên cứu, đọc tất cả.

Hiện nay các nhà xuất bản đã cung cấp sách để cán bộ cốt cán nghiên cứu trong tháng 1; đến tháng 2 khi sách có bản chính thức, có niêm yết giá thì nhận sách về để hướng dẫn các trường, các giáo viên tiểu học đọc, nghiên cứu sách. Sở sẽ có hướng dẫn cho từng trường, thành lập hội đồng chọn sách theo hướng dẫn của Bộ. Đến tháng 4, tháng 5 sẽ liên hệ các nhà xuất bản, các tác giả để tập huấn, hướng dẫn việc dạy theo bộ sách để đến tháng 8/2020 bắt đầu năm học mới của lớp 1”, ông Tâm cho biết.

Về công tác chuẩn bị cho Chương trình GDPT mới lớp 1 tại tỉnh Đồng Tháp, hiệu trưởng các trường đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị dạy học lớp 1 trong năm học 2020 – 2021, thống kê số lượng học sinh dự kiến tuyển sinh, số lớp, số học sinh. Đội ngũ giáo viên giảng dạy lớp 1 phải là những giáo viên có kinh nghiệm, tâm huyết, năng lực tốt.

Phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố đã tham mưu UBND các huyện, thị xã, thành phố việc triển khai Chương trình GDPT năm 2018, tập trung vào các vấn đề như: Thành lập Ban chỉ đạo, ban hành kế hoạch, xây dựng kế hoạch ngân sách hàng năm, huy động các nguồn lực hợp pháp thực hiện chương trình theo đúng lộ trình. Thực hiện rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở GDPT đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh, thuận lợi cho người dân, phù hợp với quy hoạch, đáp ứng được các yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT mới. Quốc Ngữ

Quốc Ngữ