Làm gì để thoát ly sách giáo khoa?

Dựa vào yêu cầu cần đạt của môn học

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hiền (Phó Giám đốc Chương trình Phát triển các trường sư phạm – ETEP), “cách tốt nhất để giáo dục theo Chương trình phổ thông mới đạt hiệu quả cao là GV thoát ly được SGK”. Chúng tôi hoàn toàn thống nhất với quan điểm này.

Tuy nhiên, “làm thế nào” để “thoát ly” được tư tưởng dạy theo SGK vốn ăn sâu vào tâm trí của đa số GV hiện nay?

Muốn không phụ thuộc SGK thì việc quan trọng đầu tiên là phải hiểu rõ Chương trình GDPT 2018.

Lâu nay, chúng ta đã tổ chức nhiều cuộc tập huấn về Chương trình GDPT 2018 cho cán bộ, GV từ Bộ xuống trường. Tuy nhiên, trong thực tế, việc tiếp cận Chương trình GDPT 2018 đối với nhiều GV chưa như mong muốn. Để tạo động lực thúc đẩy việc học tập, nghiên cứu Chương trình GDPT 2018 của GV một cách chủ động và tích cực, chúng tôi mạnh dạn đề xuất giải pháp “Tổ chức xây dựng kế hoạch dạy học dựa trên yêu cầu cần đạt của mỗi môn học”.

Kế hoạch dạy học (KHDH) là nội dung cốt lõi trong kế hoạch giáo dục nhà trường. KHDH trước đây của chúng ta lập dễ hơn nhiều. Bởi vì, GV chỉ cần dựa vào tài liệu “Chuẩn kiến thức kỹ năng (CKTKN) các môn học” để sao chép thành kế hoạch dạy học và phân phối chương trình cho cả năm học. Theo đó, chỉ cần thời khóa biểu có thể dạy cả 1 học kỳ, thậm chí cả năm học. CKTKN lâu nay ta sử dụng đã chia rõ thời lượng cho từng bài, từng môn học trong từng tuần, GV chỉ cần copy, ghép tên bài học với nhau trong một tuần là xong phân phối chương trình.

Kế hoạch dạy học theo Chương trình GDPT 2018 thì không phải lập như thế nữa mà là phải xây dựng mới. Chương trình GDPT 2018 chỉ quy định tổng thời lượng các môn học cho mỗi năm, cùng với các chủ đề, mạch kiến thức với các yêu cầu cần đạt của từng môn.

Chương trình cũng chỉ gợi ý tỷ lệ thời lượng cho mỗi chủ đề hay mỗi mảng kiến thức ở mỗi môn chứ không quy định chi tiết cho từng tuần như trước đây. Mặt khác với quan điểm tích hợp trong môn, tích hợp liên môn góp phần tạo nên sự “mềm dẻo” cho các nhà trường; đồng thời cũng là yếu tố “làm khó” cho GV khi xây dựng KHDH.

Để giải quyết việc khó đó, có ý kiến cho rằng nên căn cứ vào SGK đã chọn để xây dựng KHDH. Làm như thế dễ hơn, sát với bộ SGK đưa vào dạy học hơn. Nếu làm theo quan điểm này thì việc dạy học “thoát được SGK” sẽ còn xa, việc hiểu và thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với GV vẫn sẽ còn mơ hồ.

Chính vì thế, cần phải tổ chức xây dựng KHDH dựa vào yêu cầu cần đạt của từng môn học theo quy định của chương trình mới có thể giúp GV hiểu rõ chương trình một cách vững chắc. Từ đó, GV phát huy được năng lực, sở trường, sáng tạo trong dạy học, phù hợp với các điều kiện của nhà trường; GV sẽ sớm “thoát được SGK” và chất lượng dạy học sẽ được nâng cao.

Xây dựng kế hoạch dạy học

Qua thực tế đã triển khai, chúng tôi thấy cách làm này mới nhưng không quá khó đối với GV. Tổ chức xây dựng KHDH được chúng tôi chia làm 3 giai đoạn.

Thứ nhất, phân chia thời lượng dạy học cho từng yêu cầu cần đạt đối với từng môn học. Giai đoạn này chia làm 2 bước. Bước 1: Các nhóm GV (2 GV/nhóm) sẽ dựa vào nội dung yêu cầu cần đạt, tỷ lệ thời gian cho mỗi chủ đề đã quy định trong chương trình môn học, và kinh nghiệm dạy học của mình để phân định thời lượng dạy cho mỗi yêu cầu. Làm xong môn này tiếp đến môn khác và hết tất cả các môn. Bước 2: Các nhóm thảo luận, phản biện với nhau để đi đến thống nhất về thời lượng dạy học cho mỗi yêu cầu cần đạt trong từng môn học.

Để làm được điều này, GV phải chủ động, tích cực nghiên cứu chương trình của các môn. Bên cạnh đó, GV phải dựa vào kinh nghiệm dạy học, đối tượng HS và điều kiện dạy học của nhà trường để “tạm thiết kế các hoạt động” nhằm ước lượng thời gian cho mỗi yêu cầu cần đạt. Quá trình thảo luận nhóm để điều chỉnh thời lượng cho yêu cầu cần đạt ở các môn sẽ giúp GV hiểu sâu sắc hơn về nội dung chương trình tổng thể của khối lớp. Từ đó, GV chủ động điều chỉnh các nội dung trong môn để phù hợp với điều kiện dạy học.

Thứ hai, trên cơ sở kết quả phân định thời lượng cho từng yêu cầu cần đạt ở mỗi môn, các nhóm tiếp tục đấu ghép các yêu cầu cần đạt giữa các môn học với nhau theo tuần. Sau các nhóm đó tiếp tục thảo luận để hình thành sản phẩm chung.

Sản phẩm của giai đoạn này chính là nội dung yêu cầu cần đạt của các môn (không phải tên bài học) được sắp xếp thành tiết và bố trí phù hợp trong từng tuần. Điều khác trước đây là, số tiết các môn trong mỗi tuần và các tuần không phải chia đều. Thứ tự dạy học các chủ đề có thể không theo đúng từng bước ở một số môn như chương trình (ví dụ: Chủ đề nhà trường có thể dạy học trước chủ đề gia đình) nhưng vẫn đảm bảo thời lượng cả năm học.

Giai đoạn này có ý nghĩa rất quan trọng nhưng cũng là nhiệm vụ khó khăn nhất đối với GV bởi không chỉ phải hiểu rõ yêu cầu cần đạt của từng môn học, mà còn phải gắn với hiểu biết thực tiễn, kinh nghiệm dạy học của bản thân vào kế hoạch. Để bảo đảm việc sắp xếp hợp lý, GV phải thực hiện hàng loạt yêu cầu: Tính vừa sức của HS; chú trọng các yếu tố làm tăng hứng thú học tập cho các em; quan tâm đến nội dung tích hợp trong môn, liên môn để có thể tổ chức dạy học một cách nhẹ nhàng; bảo đảm về thời gian, quy mô, phù hợp với từng mùa trong năm khi tổ chức các hoạt động thực hành trải nghiệm trong và ngoài nhà trường…

Các nhà quản lý cần phân tích rõ bối cảnh nhà trường, đồng thời công khai những trang thiết bị dạy học sẽ mua sắm phục vụ việc dạy học trong năm để GV có thêm tư liệu. Như vậy, để hoàn thành giai đoạn này giáo viên phải hiểu rõ cả “phần cứng” và “phần mềm” đã đặt ra trong chương trình.

Thứ ba, xây dựng phân phối chương trình và từng bước điều chỉnh trong quá trình vận hành.

Bước này mới tổ chức chọn SGK là hiệu quả nhất. GV tham khảo các gợi ý của SGK để đặt tên bài cho từng nhóm yêu cầu cần đạt sát với thực tế. Và cũng có thể điều chỉnh một số nội dung nếu thấy phương án gợi ý của SGK hợp lý hơn. Sau khi đã đặt được tên bài dạy, giáo viên tiến hành lên phân phối chương trình.

Trên cơ sở tổ chức các hoạt động thực tiễn trong quá trình dạy, giáo viên tiếp tục tinh chỉnh lại kế hoạch dạy học để phù hợp hơn.

Qua việc tổ chức xây dựng kế hoạch dạy học như vừa trình bày, giáo viên buộc phải nghiên cứu chương trình và các điều kiện dạy học một cách tích cực và chủ động. Từ nghiên cứu có định hướng đó, GV chuyển từ việc biết những gì sang phải làm gì? Điều này không chỉ giúp giáo viên dạy học một cách nhẹ nhàng, linh hoạt và sáng tạo mà còn mở ra lối đi ngắn nhất để thoát SGK trong tương lai.

Khó khăn cần tháo gỡ

Trong quá trình thực hiện, chúng tôi đã gặp một số khó khăn cần phải tháo gỡ. Chương trình GDPT 2018 quy định mỗi tuần số tiết bắt buộc là 25, số tiết tự chọn là 2 (tiếng dân tộc hoặc tiếng Anh) và phải dạy 2 buổi/ngày (đối với những trường đủ điều kiện để dạy 2 buổi/ngày). Trong trường hợp cha mẹ HS không có nguyện vọng cho con học các tiết tự chọn ở lớp 1 thì phải sắp xếp lại thời khóa biểu để đảm bảo đúng yêu cầu của chương trình. Vấn đề là làm thế nào để tạo điều kiện thuận lợi cho cha mẹ HS đưa đón con?

Nếu tận dụng thời gian còn lại đối với lớp 1, 2 thì GV sẽ dạy môn gì? Có đúng với quan điểm của chương trình không? Cấp thẩm quyền nào cho phép?

Chúng tôi xin đề xuất phương án như vừa trình bày với ước mong thực hiện thành công Chương trình GDPT 2018. Xin được trao đổi cùng đồng nghiệp.