Khơi nguồn hứng thú khi học trực tuyến

Tuy nhiên, trăn trở nhiều nhất của mỗi giáo viên có lẽ vẫn là làm sao để tăng cường sự chủ động, ý thức tự học của học sinh.

Không thể áp nguyên cách dạy truyền thống

Người dạy có vai trò vô cùng quan trọng trong việc kích thíchhứng thú học tập, từ đó là sự chủ động và tự giác học tập của HS. PGS.TS Trần Thành Nam, Trưởng khoa Khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, GV dạy online không thể sử dụng giáo án dạy trực tiếp như thông thường, chuyển tối đa việc dạy bằng cách kể quen thuộc trước đây sang dạy bằng cách hỏi. Vì vậy, đòi hỏi việc soạn bài phải kỹ hơn và xác định rõ nội dung nào online, nội dung nào sẽ giao nhiệm vụ đọc, nội dung nào để HSSV tự thảo luận nhóm…

Cấu trúc bài học online phải chia thành nhiều hoạt động: Khởi động tạo hứng thú, gợi sự tò mò khám phá kiến thức; thảo luận chia sẻ sự hiểu biết và trải nghiệm của các thành viên; rút ra kết luận và quy luật để vận dụng trong tình huống mới; đánh giá và tự đánh giá. Tương ứng với mỗi một pha sẽ có nhiều công cụ hỗ trợ tương ứng, nên giáo viên cũng cần nhuần nhuyễn một số công cụ để có thể sử dụng linh hoạt, làm bài giảng không bị ngắt quãng.

Để tạo ra bài học hứng thú giúp trò tự học thì thời gian online trực tiếp chỉ khoảng 15 – 20 phút, sau đó giao các nhiệm vụ. Ví dụ: Thảo luận nhóm trực tiếp trên zoom; tham gia trả lời các câu hỏi với hình thức như chơi game… Khi giảng, GV cũng cần tích cực tương tác, gọi HS trả lời và đưa các em lên màn hình spotline. Bên cạnh đó, để giúp học sinh học trực tuyến hiệu quả, mục tiêu chuẩn đầu ra của mỗi tiết học cần rõ ràng, thông báo rõ cho người học kèm các bài kiểm tra để học sinh có thể tự mình làm và đánh giá được mức độ năng lực bản thân.

“Trong giai đoạn đầu, để xây dựng thói quen tự học, giáo viên nên nêu yêu cầu việc tham gia học online là bắt buộc để được công nhận đã hoàn thành học phần. HSSV tham gia học online phải dùng tên thật; sử dụng webcam để lên hình, giúp GV nhận diện và điểm danh. HSSV cần hoàn thành các bài tập, các yêu cầu tự học do giảng viên giao; đọc bài, nghiên cứu bài trước khi tham gia. Những ai chưa hoàn thành sẽ không nhận được mã tham gia khoá học.

Cũng cần có 1 đội hỗ trợ kỹ thuật thường trực để giúp GV, HS giải quyết tất cả những vướng mắc kỹ thuật xảy ra trong quá trình học. Gia đình sẽ có vai trò lớn hỗ trợ, nhắc nhở, động viên con em thực hiện các nhiệm vụ trước khi lên lớp; nhắc nhở con vào học, đồng thời bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, đường truyền để quá trình học không bị gián đoạn” – PGS.TS Trần Thành Nam lưu ý.

Từ thực tiễn dạy trực tuyến, cô Trần Thị Hường, GV Trường Tiểu học – THCS Newton Hoài Đức (Hà Nội) nhận thấy, bên cạnh nhiều ưu điểm, dạy học trực tuyến cũng bộc lộ một số hạn chế, đó là: HS dễ bị phân tâm, GV không đánh giá được hết năng lực cũng như trình độ của học sinh; đòi hỏi phải có nhiều sự hỗ trợ từ người dạy và sự chủ động, tự giác của HS.

Để phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, giúp học sinh tích cực học và tự học, cô Trần Thị Hường cho rằng, trước mỗi bài học giáo viên phải giao nhiệm vụ tìm hiểu bài một cách kỹ lưỡng cho học sinh và học sinh phải gửi bài chuẩn bị cho giáo viên kiểm tra. GV nên sử dụng một số phần mềm có thể tương tác với học sinh như Zoom, Microsoft office 365, MS Teams…; trong quá trình học, chú ý đặt câu hỏi để học sinh trả lời. Việc được tham gia xây dựng bài sẽ góp phần kích thích được sự tích cực của học sinh. Kết thúc bài học, GV giao nhiệm vụ để HS ôn tập, giúp các em có trách nhiệm hơn với bài học của mình.

Tương tác liên tục, thiết kế bài giảng hấp dẫn

Học sinh đang từng bước làm quen với học trực tuyến. Ảnh minh họa

Ở phổ thông, đối tượng nhỏ tuổi hơn, ý thức tự giác, tự học cũng kém hơn, vai trò của giáo viên càng trở nên quan trọng. Từ kinh nghiệm thực tế, cô Nguyễn Thúy Hằng, giáo viên Trường THCS – THPT Ban Mai (Hà Nội) cho rằng, việc lựa chọn phần mềm phù hợp, dễ sử dụng với các tính năng ưu việt; thiết kế bài giảng hấp dẫn, đẹp mắt là một giải pháp hiệu quả để thu hút học sinh.

Vì không trực tiếp tương tác ở trên lớp nên giáo án và hình thức dạy online cũng phải đổi mới để tăng tính tương tác 2 chiều, như vậy HS mới thấy hấp dẫn và có động lực để tự giác học đúng theo các khung giờ trong lịch. Bên cạnh đó, giọng nói của GV cần điều chỉnh âm lượng cho vừa phải, dễ nghe. Thời lượng bài học không nên quá dài khiến HS mỏi mắt và nhàm chán.

Nhấn mạnh GV cần có sự chuẩn bị chu đáo về bài giảng như hình ảnh đẹp, các sơ đồ và bảng biểu hợp lý, cô Bùi Thị Hậu, giáo viên Trường THCS – THPT Ban Mai còn lưu ý thêm đến các câu hỏi tương tác phù hợp với dạy học trực tuyến. Đó là những câu hỏi nhỏ, có tính gợi mở tư duy cá nhân, đòi hỏi học sinh cần phải tìm kiếm các tư liệu qua Internet mới có thể trả lời tốt.

Giáo viên có lời giảng tự nhiên và luôn có những câu chuyện thực tế cuộc sống được lồng ghép trong bài dạy, giúp HS cảm thấy học online không có nhiều sự khác biệt với học trên lớp. Bên cạnh phối hợp với phụ huynh, GV cần thực hiện điểm danh học sinh thường xuyên; luôn đánh giá, nhận xét bài làm của HS; có các bài kiểm tra nhanh sau một hoặc vài bài học.

“Đặc biệt, tôi thường gửi cho học trò đường link của 1 hoặc 2 video thực tế có tính thời sự là vấn đề đã học trong bài và kèm theo bộ câu hỏi để khai thác kiến thức từ đoạn video, yêu cầu học sinh xem, ghi câu trả lời chụp ảnh gửi lại giáo viên. Cần chú ý chọn link từ nguồn tin cậy, chính thống và phù hợp với nội dung bài học” – cô Bùi Thị Hậu cho hay.

Cũng đến từ Trường THCS – THPT Ban Mai, thầy Nguyễn Văn Khoa, Tổ trưởng Tổ Xã hội đã thu hút HS bằng thiết kế bài giảng có chèn các bài tập củng cố dạng trò chơi, bài giảng diễn giải khoa học và logic để học sinh dễ nắm bắt nội dung cơ bản của bài học và dễ tương tác với giáo viên.

Theo thầy HS nộp bài tập theo yêu cầu; phối hợp với phụ huynh để HS học tập theo đúng thời khóa biểu. Sau mỗi giờ học online, GV cho thêm bài tập vận dụng, có yêu cầu thời gian hoàn thành để HS củng cố kiến thức, sử dụng quỹ thời gian hợp lý.

Chương trình dạy học trên kênh VTV7 Đài Truyền hình Việt Nam được học sinh và giáo viên

đón nhận.

Xác định rõ mục tiêu, quản lý tốt thời gian

Đưa ra lời khuyên cho học sinh, cô Đào Thùy Linh, giáo viên Trường THPT Bình Minh, Hoài Đức, Hà Nội cho rằng, để học trực tuyến hiệu quả, điều đầu tiên HS cần làm là xác định rõ mục tiêu học tập, lấy đó là động lực cố gắng thực hiện. Bên cạnh đó, người học cố gắng tuân thủ lịch học của giáo viên, xây dựng cho mình một kế hoạch học tập khoa học, càng chi tiết càng tốt.

Việc lập kế hoạch, học tập theo thời gian biểu sẽ giúp tránh thói quen trì hoãn, trễ hẹn, từ đó nâng hiệu quả học tập. Trước khi học bài mới, HS nên xem nội dung tổng quan của bài học đó là gì. Các em có thể tìm hiểu trước về chủ đề sẽ học để biết mình còn thiếu sót, cần giải đáp những gì để vào bài học mới tập trung nhiều hơn ở những phần đó.

Trong quá trình học, nên chuẩn bị giấy viết để ghi lại những nội dung chính, nội dung được giáo viên nhấn mạnh trong bài học. Việc ghi chép cẩn thận giúp học sinh có thể ôn tập bài vở tốt hơn khi học trực tuyến. Để kiến thức không bị trôi đi, hãy luyện tập những gì đã học được.

“Học trực tuyến tự do hơn rất nhiều so với việc học tại lớp, sẽ không có thầy cô giám sát, nhắc nhở bạn học bài mỗi ngày, cũng không bị áp lực về điểm số. Do đó, tinh thần tự giác là vô cùng quan trọng, quyết định trực tiếp đến hiệu quả của hình thức học này. Hãy đặt quyết tâm không bị cám dỗ bởi những trang mạng xã hội hay game online có thể truy cập bất cứ lúc nào bên cạnh.

Bên cạnh việc đóng tất cả các trang mạng thường vào để tránh xao nhãng khi đang học, các em nên trang bị cho mình tai nghe để tập trung hơn. Các em cũng cố gắng tích cực tham gia trao đổi về nội dung bài học, như: Thảo luận với các bạn học, liên hệ email với giáo viên để gửi câu hỏi thắc mắc và được giải đáp; tham gia vào các diễn đàn, trang mạng xã hội về chủ đề mình đang theo học. Cách này sẽ giúp các em hiểu bài sâu hơn và tìm thấy nhiều điều thú vị từ việc học trực tuyến” – cô Đào Thùy Linh chia sẻ.

Đưa ra lời khuyên với sinh viên, TS Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm khoa Công nghệ giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội lưu ý cần chuẩn bị sức khỏe tốt, một số điều kiện phương tiện kỹ thuật cơ bản (điện thoại, kết nối 3-4G, máy tính). Người học không được ngại hỏi giảng viên, hỏi các bạn khi chưa nắm rõ vấn đề nào đó. Việc chuẩn bị bài trước khi đến lớp học online, có kế hoạch học tập rõ ràng cũng rất quan trọng.

“Cần bảo đảm chất lượng bài dạy, bảo đảm tính tương tác 2 chiều giữa GV và HS là liên tục; lưu ý dung lượng kiến thức vừa phải, nâng cao tinh thần tự tìm tòi và tự nghiên cứu sau mỗi tiết học. GV cũng cần có hình thức kiểm tra đánh giá phù hợp với năng lực học sinh và phù hợp với hình thức học online.

Tích cực sử dụng những phần mềm hữu ích để thay đổi, nâng cao và làm phong phú bài dạy. Khuyến khích học sinh có những hình thức báo cáo sản phẩm online. Đồng thời, phối hợp với cha mẹ HS về việc kiểm soát giờ giấc và kiểm định chất lượng sản phẩm học tập online của các con. GV chủ nhiệm liên lạc thường xuyên, liên tục với HS và phụ huynh qua các kênh khác nhau để động viên, lên tinh thần cho trò nếu phải học online trong 1 thời gian dài”.

Cô Nguyễn Thúy Hằng