Khi nhà dân ở trong nhà trường

Trường CĐ Kinh tế – kỹ thuật TP.HCM – Ảnh: TRỌNG NHÂN

Đáng nói, đây là lúc nhiều cơ sở giáo dục ở Q.6 đang cảnh giác cao độ với dịch COVID-19 sau khi phát hiện bệnh nhân số 1347 cư ngụ trên địa bàn.

10 bảo vệ làm việc 24/24 giờ

Hiện tại 33 hộ dân với 100 nhân khẩu đang sống trong phần đất diện tích 3.728m2, trong khuôn viên trường và ngày ngày “đi nhờ” cổng của Trường CĐ Kinh tế – kỹ thuật TP.HCM để ra đường Nguyễn Văn Luông (P.11, Q.6).

Trước đây, phần đất 3.728m2 này được Trường Đảng Nguyễn Văn Cừ (nằm trên vị trí sau này là Trường CĐ Kinh tế – kỹ thuật TP.HCM) phân lô và cấp cho các hộ dân theo quyết định số 193/QĐ-ĐĐ ngày 1-3-1993 của Ban Quản lý ruộng đất TP.

Tháng 10-2011, UBND Q.6 có văn bản đề nghị Trường CĐ Kinh tế – kỹ thuật Phú Lâm (tên cũ của Trường CĐ Kinh tế – kỹ thuật TP.HCM) xây dựng, sửa chữa tường bao của trường để tạo lối đi cho các hộ dân này đi qua hẻm 177 Nguyễn Văn Luông, diện tích nâng cấp 79,3m2.

Nguồn vốn thực hiện do ngân sách chi thường xuyên năm 2011 của Trường CĐ Kinh tế – kỹ thuật Phú Lâm. Đến ngày 15-11-2011, công tác thi công hoàn thành, đồng nghĩa 33 hộ dân có hẻm riêng để đi (hẻm 177) từ năm 2011.

Tuy nhiên theo ThS Phan Văn Thanh Cần – phó hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế – kỹ thuật TP.HCM, từ đó đến nay các hộ dân chỉ ra ngoài bằng cổng chính của trường, thay vì đi hẻm 177. Muốn ra cổng, xe từ khu ở phải băng ngang sân trường gần 300m rồi mới ra cổng chính.

Theo thầy Cần, xe cộ người dân ra vào thường xuyên trong môi trường trường học khá phản cảm. Thậm chí có lúc xe máy, xe hơi đi ngang sân, qua giữa lúc học sinh, sinh viên đang học thể dục hay quốc phòng an ninh ngoài trời.

Để tiện đi một cổng, người dân trong khu 33 hộ xây tường chắn luôn lối thông ra hẻm 177. Điều này đặt Trường CĐ Kinh tế – kỹ thuật TP.HCM vào tình thế “phải cho đi nhờ”, vì nếu không thì hơn 100 hộ dân không còn đường ra ngoài.

“Chúng tôi thấy không an toàn. Trong sân trường xe qua lại nhiều, không chỉ 100 nhân khẩu mà còn giao tế xã hội. Có hộ kinh doanh, xe tải ra vô lấy hàng, có những hộ thường xuyên gọi giao hàng, rồi có cả thầy giáo dạy thêm vào buổi tối, có người mở quán nước, cho thuê trọ… Chúng tôi thấy không được an ninh” – ông Cần nói.

Ông Cần cho biết thêm Trường CĐ Kinh tế – kỹ thuật TP.HCM phải thuê đến 10 bảo vệ túc trực 24/24 giờ. Những trường khác có thể đóng cửa sau 18h nếu không còn hoạt động, còn nhà trường vẫn phải có người canh cửa đến quá nửa đêm, chỉ làm một công việc là… mở cổng cho người trong khu 33 hộ dân ra vô.

Khi nhà dân ở trong nhà trường - Ảnh 2.

Khu nhà ở của 33 hộ dân trong khuôn viên Trường CĐ Kinh tế – kỹ thuật TP.HCM – Ảnh: TRỌNG NHÂN

Nỗi lo mùa dịch

Đầu tháng 12-2020, có mặt tại Trường CĐ Kinh tế – kỹ thuật TP.HCM lúc 6h-7h hoặc 16h30-17h30 sẽ thấy sự hối hả, tất bật hơn thường lệ. Trường hiện có hơn 5.500 học sinh, sinh viên, lại “đón” thêm hơn 800 học sinh Trường THPT Bình Phú (Q.6) đến học tạm trong thời gian chờ đợi trường được sửa do sự cố tốc mái vừa qua.

Giờ cao điểm sáng và chiều, hai luồng học sinh, sinh viên của trường CĐ và trường phổ thông cộng với người dân sống trong khuôn viên khiến cổng trường người xe qua lại như… đi hội. Mỗi người qua lại, trường đều phải đo thân nhiệt.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại TP.HCM, nhà trường phải cử đến 6-7 người túc trực ở cổng giờ cao điểm – bao gồm bảo vệ, nhân viên y tế, sinh viên hỗ trợ – mới làm xuể cho số lượng lớn người ra vào.

TS Phạm Đức Khiêm – hiệu trưởng nhà trường – cho biết từ năm 2011, các đời hiệu trưởng nhiều lần kiến nghị UBND Q.6 mở lại hẻm 177 đã bị chặn và yêu cầu người dân chỉ đi đường đó thay vì băng ngang trường. Đến nay, kết quả vẫn chưa thành công.

Hiện tại, để đảm bảo an ninh trật tự an toàn, trường tạm thời quy định giờ ra vào cổng: cổng 1 từ 6h-18h; cổng 2 từ 18h-22h, sau 22h chỉ giải quyết ra/vào cổng đối với người và xe thuộc khu hộ dân.

Sẽ có kế hoạch trong tháng 12

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Dương Trí Dũng – phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – cho biết ngày 1-12, Sở GD-ĐT TP có cuộc làm việc với đại diện Phòng Quản lý đô thị Q.6, UBND P.11 (Q.6) và Trường CĐ Kinh tế – kỹ thuật TP.HCM nhằm tìm hướng giải quyết triệt để cho bài toán lối đi.

Ông Dũng cho hay chủ trương, cơ sở pháp lý có đủ, giờ dựa vào đó mà làm. Tuy nhiên, giải quyết vấn đề liên quan tới thay đổi sinh hoạt của người dân không thể một sớm một chiều.

“Sẽ giải quyết vấn đề trên tinh thần đảm bảo an toàn trường học và sinh sống của các hộ dân không bị xáo trộn đột ngột, dựa trên các cơ sở về pháp lý của quận và nhà trường” – ông Dũng nói.

Ông cũng đề nghị Q.6 cần đưa ra kế hoạch thực hiện sớm, có thể có trong tháng 12, để Sở GD-ĐT phối hợp thực hiện, có khó khăn chỗ nào các bên sẽ cùng nhau giải quyết. Trong thời gian đó, Trường CĐ Kinh tế – kỹ thuật TP.HCM sắp xếp đảm bảo an toàn an ninh và phòng chống dịch COVID-19 theo quy định chung.

Hẻm quá nhỏ?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một người dân ở trong khu 33 hộ cho biết lý do khiến họ không đi hẻm 177 vì hẻm quá nhỏ, chỉ hơn 3m, lại bị người hai bên đầu hẻm lấn chiếm nên còn rất nhỏ. Xe hơi không đi được, khi có việc cần xe tải hay cấp cứu thì rất khó khăn.

“Chúng tôi đi đường cổng trường từ nào giờ có gì đâu. Đã lái xe phải biết canh tốc độ và ngó chừng học sinh trên sân” – vị này nói.

Bộ GD-ĐT yêu cầu thực hiện Bộ GD-ĐT yêu cầu thực hiện ‘thông điệp 5K’ phòng chống COVID-19

TTO – Bộ GD-ĐT đang yêu cầu các sở GD-ĐT; các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng… thực hiện nghiêm túc “Thông điệp 5K”: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế.