Khen không chỉ qua điểm số, danh hiệu

Giờ chơi của học sinh tiểu học tại TP.HCM – Ảnh: N.H.

Nhiều bậc cha mẹ rất quan tâm chuyện khen và phạt con trẻ. Tôi không mong con mình được khen nhiều hơn nữa vì thật ra bằng cách này cách khác, trẻ đã được nâng niu, khen tặng quá nhiều rồi. Cái cần quan tâm là khen những gì và khen như thế nào.

Tôi ước mong những lễ chào cờ tiểu học hằng tuần có nhiều học sinh được khen dưới cờ vì một hành động giúp bạn, thương bạn, những câu chuyện trẻ nhỏ việc tốt ở từng lớp được tuyên dương trước trường.

Một câu chuyện đẹp dưới cờ về chính học sinh trường mình sẽ tạo cảm xúc và làm thay đổi hàng trăm đứa trẻ. Đổi mới quản trị trường học là đây chứ đâu! Sao chỉ khen bằng điểm, bằng danh hiệu, giấy khen, quà thưởng?

Sao chỉ khen trò giỏi toán, tiếng Việt, tiếng Anh (và hết học kỳ mới khen)? Trò có đạo đức tốt, trò có kiến thức tự nhiên, học giỏi lịch sử, địa lý, thể dục… thì khen tặng thế nào? Giáo dục toàn diện phải là vậy chứ!

Thực tế cho thấy rất nhiều bài học các môn bị cho là môn phụ (kể cả môn đạo đức) đã bị cắt giảm, dồn thời gian cho trò ôn luyện các môn kiểm tra để có điểm xếp loại.

Đã bao giờ có giáo viên tiểu học được khen vì dạy môn phụ quá hay, quá giỏi hoặc giáo viên yêu thương, cảm hóa học sinh cá biệt chưa? Hay chúng ta vẫn đánh giá giáo viên theo điểm số và danh hiệu của học trò? Mong thông tư mới sẽ dần chỉnh được sự nghiêng lệch này.

Nhiều phụ huynh sẽ đồng tình với việc không phê bình trẻ trước lớp, trước trường và trong các cuộc họp phụ huynh.

Điều này quá đúng và lâu nay nhiều thầy cô đã làm theo hướng này. Nhưng con em chúng ta, dù còn ở tiểu học, vẫn có bao điều cần được uốn nắn, dạy bảo để tốt hơn. Có khen cũng phải có phê và phạt.

Và phê đúng, phạt đúng, uốn nắn kịp thời mới là thương yêu trẻ thật sự. Muốn làm được điều này, thầy cô cần tấm lòng, kỹ năng sư phạm và sự sâu sát hết mức đến ưu khuyết từng học sinh. Thầy cô có thể làm được đến đâu với áp lực lớp học sĩ số xấp xỉ 50?

Thông tư 28 đặt ra vấn đề quyền chủ động của giáo viên về đánh giá học sinh, về việc chọn nội dung từng môn học. Nghe thật hấp dẫn nhưng áp dụng cho hiệu quả thật sự không hề dễ dàng trong thực tế giáo dục hiện nay.

Để có thể chủ động, thầy cô phải thật bản lĩnh, thật năng động, không chỉ giỏi dạy học trò điểm cao mà còn nhắm đến các mục tiêu để trẻ phát triển toàn diện (khỏe mạnh, đạo đức tốt).

Và sau lưng thầy cô phải là ban giám hiệu năng động đổi mới, một hiệu trưởng giỏi chấp nhận, khuyến khích sự chủ động của giáo viên.

Xa hơn nữa, giáo viên chỉ có thể chủ động khi xã hội nhìn nhận giáo dục tiểu học với con mắt khác, đừng cứ chăm chăm vào điểm số và danh hiệu của con trẻ.

Không phó thác hết cho giáo viên

Cả phụ huynh cũng vậy, đừng so nhau điểm số, không cứ phải 9 hay 10, phải giỏi, phải xuất sắc… có lẽ việc dạy thêm ở tiểu học tự nhiên sẽ giảm.

Thay vào đó, cần quan tâm thật sự con mình đang lớn từng ngày như thế nào, con khỏe mạnh, biết yêu thương là tốt.

Hãy hỏi trẻ yêu thích gì, cần những gì thay vì hỏi trẻ bao nhiêu điểm. Kết quả giáo dục tiểu học sẽ tốt lên được mức nào? Điều này, xin đừng giao phó trách nhiệm lên vai giáo viên đứng lớp.

Điều lệ trường tiểu học mới: Giáo viên rộng quyền hơnĐiều lệ trường tiểu học mới: Giáo viên rộng quyền hơn

TTO – Theo thông tư 28 ban hành Điều lệ trường tiểu học vừa được lãnh đạo Bộ Giáo dục và đào tạo phê duyệt, giáo viên trường tiểu học không còn chờ “cầm tay chỉ việc” như trước.