Huỳnh Ngọc Tuyên học tiến sĩ ở tuổi 22

Huỳnh Ngọc Tuyên nhận bằng tốt nghiệp đại học RMIT Việt Nam với danh hiệu thủ khoa ngành công nghệ thông tin – Ảnh: T.M.

Huỳnh Ngọc Tuyên cho biết cho đến khi làm luận án tốt nghiệp đại học thì bạn vẫn chưa bao giờ có ý định sẽ học lên. Tuyên rất ngại hằng ngày lên lớp, tối về làm bài tập ở nhà. Nhưng mọi thứ thay đổi khi Tuyên gặp được những người thầy giỏi và nhiệt huyết.

* Chưa từng có ý định học lên sau khi tốt nghiệp đại học. Giờ nhận học bổng tiến sĩ, cảm giác của bạn thế nào?

– Khi nhận học bổng tiến sĩ của Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU), cảm giác đầu tiên là bất ngờ rồi sau đó mới cảm thấy vui. Mọi thứ đến với tôi quá nhanh. Học bổng này đơn vị chỉ có học phí, không có lương và phí tham gia các hội thảo.

Tuy nhiên, như vậy cũng đã rất tốt với tôi. Hiện các thầy trong dự án quyết định lấy kinh phí từ dự án để trả lương cho tôi.

* Vì sao lại bất ngờ?

– Thực sự tôi chưa bao giờ nghĩ cũng như có ý định học lên sau khi tốt nghiệp đại học. Một phần vì tôi không thích phải lên lớp nghe giảng, về nhà làm bài tập những gì vừa học. Phần nữa vì chi phí học tập ở bậc cao hơn khá lớn, điều kiện gia đình không cho phép.

Tuy nhiên khi làm đồ án tốt nghiệp, khi đã được nhận làm trợ lý dự án DART, một hệ thống kỹ thuật số tích hợp dùng để dự báo và theo dõi dịch sốt xuất huyết của OUCRU, chủ nhiệm Trung tâm Mô hình toán học về y học nhiệt đới tại OUCRU, tiến sĩ Marc Choisy, nói với tôi hãy ứng tuyển vào học bổng tiến sĩ của đơn vị này để tiếp tục nghiên cứu.

Lúc này tôi còn phân vân vì không rõ làm nghiên cứu sinh là như thế nào, liệu có phải lên lớp và làm bài tập ở nhà – những điều mà tôi rất không thích – hay không.

Tôi đã hỏi những anh chị đi trước và được biết phần lớn việc học tiến sĩ là tự mày mò nghiên cứu, giống như những gì tôi đã làm khi làm đồ án tốt nghiệp nhưng công việc nhiều hơn, nghiên cứu sâu hơn, viết bài báo. Tôi thấy như vậy cũng hợp với mình nên quyết định ứng tuyển.

Cần phải nói là thầy rất giỏi nên tôi rất mong muốn làm việc cùng để có thể học hỏi và nghiên cứu thêm. Vậy là tôi ứng tuyển và mọi thứ diễn ra rất nhanh, tôi cảm thấy rất may mắn được chọn.

* Đó là những cố gắng của bạn, vì sao lại là may mắn?

– Tôi cho rằng để đạt được mục tiêu của mình, ngoài cố gắng của bản thân còn cần sự may mắn.

Sự may mắn của tôi ở đây là khi làm đồ án gặp được những người thầy giỏi và tâm huyết đã hướng dẫn và hỗ trợ tôi rất nhiều, hồ sơ của tôi được nộp khi sắp hết thời gian. Nếu gặp may mắn sẽ là điều rất tốt để mục tiêu của mình nhanh chóng đạt được.

Điều kiện tối thiểu của học bổng là người tốt nghiệp đại học 3 năm. Họ ưu tiên cho người tốt nghiệp đại học 4 năm hoặc thạc sĩ.

Tôi tốt nghiệp đại học 3 năm, tức chỉ vừa đạt điều kiện tối thiểu và không thuộc diện ưu tiên, nhưng rất may mắn là những người phỏng vấn thấy tôi là người phù hợp với tiêu chí chọn lựa của họ cho dự án này. Tôi rất biết ơn cơ hội và sự may mắn này.

Ngọc Tuyên bắt đầu chương trình tiến sĩ trước khi nhận bằng tốt nghiệp (đã hoàn thành chương trình đào tạo) - Ảnh: T.M.

Ngọc Tuyên bắt đầu chương trình tiến sĩ trước khi nhận bằng tốt nghiệp (đã hoàn thành chương trình đào tạo) – Ảnh: T.M.

* Bạn tốt nghiệp thủ khoa, chắc phải học tập rất chăm chỉ. Nhưng bạn lại nói không thích lên lớp và làm bài tập ở nhà? Vậy bạn học thế nào?

– Mỗi người có một cách học khác nhau mà họ cảm thấy phù hợp nhất với mình. Khi cảm thấy phù hợp thì học sẽ hiệu quả.

Tôi thích học qua việc làm cụ thể, chứ không thích làm theo người khác. Tôi thích ai đó đưa thử thách cho mình và tôi phải mày mò, tìm cách giải quyết. Đó là cách tôi nhớ và hiểu bài hiệu quả hơn là việc đọc và nghe.

Khi học về một ngôn ngữ lập trình mới, tôi không lên YouTube tìm những bài liên quan để nghe và học. Tôi sẽ cố gắng sử dụng ngôn ngữ lập trình mới ấy để giải quyết các vấn đề cụ thể.

Tất nhiên không phải tôi chỉ tập trung cho việc học. Tôi chơi game khá nhiều và đó là cách giải trí giúp tôi thư giãn.

* Bạn chọn ngành công nghệ thông tin nhưng có vẻ việc nghiên cứu tiến sĩ lại là lĩnh vực khác. Bạn có tự tin mình làm tốt không?

– Mặc dù tên ngành học tiến sĩ là y học lâm sàng nhưng thực chất tôi nghiên cứu về mô hình toán học và mô hình máy tính học để dự đoán số ca mắc sốt xuất huyết. Do đó, phần công nghệ thông tin vẫn là khối kiến thức chính.

Từ nhỏ tôi thích vọc vạch máy tính, thích lập trình. Hồi học cấp II, cấp III tôi có tham gia một vài cuộc thi.

Có lần tôi và thầy giáo phải ngồi với nhau mày mò suốt mấy ngày trời để tìm ra lời giải cho một giải pháp. Tôi rất hứng thú với việc đó. Do đó, việc chọn ngành công nghệ thông tin như một điều tự nhiên.

Tuy nhiên, khi tham gia dự án này và được cấp học bổng tiến sĩ, tôi nhận ra việc ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết các vấn đề của cuộc sống phù hợp với bản thân mình. Tôi muốn ứng dụng những điều mình đã học để xây dựng một giải pháp và làm cho nó hoạt động được, giải quyết một vấn đề cụ thể nào đó.

Chẳng hạn, vấn đề chúng tôi đang thực hiện là kết hợp mô hình toán học và máy tính học để dự đoán số ca mắc sốt xuất huyết.

Điều này sẽ giúp công tác dự phòng và điều trị tốt hơn. Mô hình này đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhưng chưa được sử dụng nhiều trong việc dự báo bệnh truyền nhiễm mà đặc biệt là sốt xuất huyết.

Đây là vấn đề tuy đã được nghiên cứu nhưng có rất ít thông tin. Nhiệm vụ của chúng tôi là tìm ra cái mới, chỗ khiếm khuyết của các nghiên cứu trước đây để hoàn thiện, đưa ra các giải pháp mới.

Tiến sĩ Đinh Ngọc Minh, giảng viên cấp cao khoa khoa học kỹ thuật và công nghệ ĐH RMIT, đánh giá Tuyên đã biến trí tò mò của mình thành thế mạnh - Ảnh: T.M.

Tiến sĩ Đinh Ngọc Minh, giảng viên cấp cao khoa khoa học kỹ thuật và công nghệ ĐH RMIT, đánh giá Tuyên đã biến trí tò mò của mình thành thế mạnh – Ảnh: T.M.

* Nhiều người cho rằng RMIT là trường dành cho “con nhà giàu, học dở”. Bạn thấy thế nào?

– Thú thiệt nhà tôi không giàu. Kinh tế gia đình chỉ đủ lo cho tôi học đại học. Tuy nhiên, đó cũng là số tiền lớn nên tôi cố gắng học tập và giành được học bổng 50%. Điều này đỡ gánh nặng cho ba mẹ tôi rất nhiều.

Tôi chọn RMIT vì chương trình đào tạo chỉ 3 năm. Họ không có các chương trình đại cương và một số môn học như các trường đại học khác ở Việt Nam. Thời gian đào tạo ngắn hơn, tôi có thể ra trường sớm hơn và đi làm.

Tôi không phản bác nhưng cũng không hoàn toàn đồng ý với nhận định này. Ở đâu cũng có người này người kia, không thể đánh đồng tất cả. Đúng là có những bạn con nhà giàu học chưa tốt, nhưng thực sự nhiều bạn tuy gia đình giàu có nhưng học rất siêng và giỏi.

* Bạn có dự định gì sau khi học xong tiến sĩ?

– Đến thời điểm này, việc trước mắt của tôi là hoàn thành nghiên cứu của mình trong bốn năm tới. Hiện khối lượng công việc khá nhiều và tôi phải cố gắng hoàn thành. Tôi chưa có dự định gì cho sau này.

Chín chắn so với tuổi

Chủ nhiệm Trung tâm Mô hình toán học về y học nhiệt đới tại OUCRU, tiến sĩ Marc Choisy, đồng thời cũng là người hướng dẫn làm luận án tiến sĩ cho Tuyên, cho biết trong 20 năm hướng dẫn cho sinh viên, ông chưa từng gặp ai học về ngôn ngữ lập trình R (ngôn ngữ lập trình thường được sử dụng trong học máy, thống kê, phân tích dữ liệu và nghiên cứu khoa học – PV) nhanh như vậy.

Tuyên không chỉ học về ngôn ngữ này và mọi chi tiết của nó, mà còn trau dồi toàn bộ nguyên tắc làm việc với R.

“Điều ấn tượng hơn nữa là đến cuối dự án, Tuyên đã viết được phiên bản đầu tiên của một thư viện R từ các công cụ mà bạn ấy đã tạo cho dự án.

Việc chuyển hệ thống các quy trình và công cụ tự động đã phát triển qua dịch vụ đám mây (như các dịch vụ do Amazon Web Services cung cấp) cũng đầy thách thức, song Tuyên đã có thể giải quyết khá khéo léo” – tiến sĩ Choisy đánh giá.

Tiến sĩ Choisy còn khen ngợi đức tính khiêm tốn của Tuyên. Ông nói: “Tuyên là nhân viên trẻ tuổi nhất trong số 350 người ở OUCRU, song lại hết sức chín chắn so với tuổi, đồng thời rất khiêm nhường và tử tế với đồng nghiệp khác trong nhóm của tôi và tại OUCRU”.

Biến trí tò mò thành thế mạnh

Tiến sĩ Đinh Ngọc Minh – giảng viên cấp cao khoa khoa học kỹ thuật và công nghệ và là người trực tiếp hướng dẫn Tuyên trong một dự án thời đại học – cho biết Tuyên là sinh viên có thể biến trí tò mò thành thế mạnh của bản thân, không ngừng học hỏi về công nghệ mới để tiếp cận vấn đề và thử nghiệm các giải pháp sáng tạo.

“Không giống các dự án khác tại khoa chúng tôi, dự án mà Tuyên cùng nhóm của mình thực hiện có sự tham gia của các nhà khoa học và bác sĩ cấp cao trong môi trường lâm sàng, đòi hỏi kỹ năng tính toán nâng cao như mô hình tính toán và thống kê.

Tuyên đã nắm bắt cơ hội và học hỏi các kỹ năng phân tích mới, thể hiện năng lực của mình như một nhà khoa học dữ liệu thành danh” – tiến sĩ Minh chia sẻ.

Tiến sĩ 9X cùng bài toán năng lượng tái tạoTiến sĩ 9X cùng bài toán năng lượng tái tạo

32 tuổi, Nguyễn Duy Tâm đang làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại ĐH Monash (Úc), là một trong những gương mặt trẻ gây chú ý trong giới khoa học. Anh không thôi trăn trở về câu chuyện năng lượng tái tạo.