Huy động giảng viên trường ĐH tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020: Sẵn sàng tâm thế

Xây dựng kế hoạch chi tiết

Theo PGS.TS Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, chủ trương huy động cán bộ, giảng viên trường ĐH tham gia vào các đoàn thanh tra của Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 là việc làm cần thiết, thể hiện tinh thần trách nhiệm của Bộ GD&ĐT nói chung và các trường ĐH nói riêng.

“Mặc dù kỳ thi được giao về địa phương chủ trì và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, nhưng Bộ GD&ĐT sẽ đồng hành cùng với địa phương để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc. Với vai trò quản lý Nhà nước, Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện thanh tra, kiểm tra kỳ thi. Việc huy động cán bộ, giảng viên trường ĐH tham gia vào các đoàn thanh tra, kiểm tra, giúp tăng tính trung thực, khách quan của kỳ thi; đồng thời tăng độ tin cậy của trường ĐH vào kết quả kỳ thi; từ đó có thể yên tâm làm căn cứ để tuyển sinh. Nói chung đây là chủ trương đúng đắn, hợp tình, hợp lý” – PGS.TS Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.

Tin tưởng cơ sở giáo dục ĐH sẽ tham gia với tinh thần trách nhiệm cao nhất khi được trưng tập, PGS.TS Hoàng Minh Sơn khẳng định: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẵn sàng cử cán bộ, giảng viên tham gia vào các đoàn thanh tra, kiểm tra kỳ thi. Nhà trường sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết sau khi có hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

“Quan điểm của chúng tôi là sẽ tham gia nhiệt tình, với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Chúng tôi có thể đáp ứng đủ số lượng và các tiêu chuẩn, tiêu chí theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT. Ngoài ra, căn cứ vào tình hình thực tế, điều kiện cụ thể của đơn vị, nhà trường sẽ chọn cử những cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực để đáp ứng yêu cầu về công tác thanh tra, kiểm tra” – PGS.TS Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, đồng thời cho biết: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ tập huấn cho những cán bộ được lựa chọn, nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Tán thành với chủ trương huy động cán bộ, giảng viên tham gia vào các đoàn thanh tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, PGS.TS Nguyễn Văn Trào – Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội cho rằng: Đây là khâu quan trọng, bảo đảm kỳ thi an toàn, nghiêm túc, công bằng và hiệu quả. “Điều tôi quan tâm là, cần phải có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, để tránh trùng lặp giữa các đoàn thanh tra, vì công tác thanh tra tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 có sự tham gia của thanh tra cấp tỉnh, thanh tra sở GD&ĐT và thanh tra của Bộ GD&ĐT” – PGS.TS Nguyễn Văn Trào trao đổi.

Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT kiểm tra công tác coi thi – Kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Ninh Bình. Ảnh: TG

Luôn trong tâm thế sẵn sàng

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Phó Hiệu trưởng Phụ trách Trường ĐH Y – Dược (ĐH Thái Nguyên) khẳng định: Nhà trường đã có dự lệnh đến toàn bộ cán bộ, giảng viên về việc có thể sẽ trưng tập tham gia vào đoàn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Qua nắm bắt, hầu hết cán bộ, giảng viên đều có tâm thế sẵn sàng tham gia.

“Chúng tôi sẽ căn cứ theo số lượng, tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT và ĐH Thái Nguyên, để chọn cử người tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra theo yêu cầu” – PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ, đồng thời cho biết: Trước mắt, nhà trường sẽ ưu tiên những cán bộ, viên chức thuộc Phòng Thanh tra – Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục, Phòng Đào tạo và những cán bộ có kinh nghiệm, có đủ phẩm chất năng lực.

TS Trương Tiến Tùng – Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội cho hay: Hằng năm, sau khi có quy chế thi, Trường ĐH Mở Hà Nội tổ chức tập huấn cho cán bộ, giảng viên bằng nhiều hình thức, trong đó có việc xây dựng các khóa tập huấn thông qua học liệu điện tử. Hơn nữa, trường là đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT, có số lượng cộng tác viên thanh tra giáo dục (có thẻ của Thanh tra ngành) nhiều nhất. Do vậy, có thể số lượng cán bộ, giảng viên của Trường ĐH Mở Hà Nội tham gia thanh tra thi tốt nghiệp THPT là khá lớn. Nhà trường sẽ tạo mọi điều kiện để cán bộ, giảng viên tham gia vào các đoàn thanh tra của kỳ thi năm nay.

Việc huy động cán bộ, giảng viên tham gia các đoàn thanh tra cũng giúp trường ĐH tin tưởng hơn vào kết quả đào tạo phổ thông nói chung và Kỳ thi tốt nghiệp THPT nói riêng. Về phía Trường ĐH Mở Hà Nội luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ, vì chúng tôi cho rằng phục vụ xã hội là một trong ba chức năng quan trọng của cơ sở giáo dục ĐH. – TS Trương Tiến Tùng