Hơn 6.300 câu hỏi gửi bộ trưởng Bộ GD-ĐT, thầy cô giáo mong gì?

Sách giáo khoa là một trong những vấn đề được nhiều giáo viên và phụ huynh quan tâm. Trong ảnh: phụ huynh mua sách giáo khoa cho con, chuẩn bị năm học mới 2023-2024 – Ảnh: NHƯ HÙNG

Tính tới ngày 13-8, bộ phận tiếp nhận của Bộ GD-ĐT đã thống kê hơn 6.300 câu hỏi của giáo viên và cán bộ quản lý được gửi đến.

Bộ cần xếp ưu tiên những gì phải giải quyết ngay, những gì nghiên cứu lộ trình lâu dài và sau cuộc gặp như thế này cần công bố rõ chương trình hành động với các giải pháp của bộ. Được như vậy, giáo giới sẽ tin tưởng.

một cựu cán bộ quản lý ở Nghệ An

Nhà giáo gửi gì đến bộ trưởng Bộ GD-ĐT?

Có ba nhóm nội dung chủ yếu được các giáo viên, cán bộ quản lý đặt ra. Thứ nhất là thực trạng công tác quản lý, tổ chức thực hiện các chỉ đạo của bộ. Thứ hai là những phản ảnh về các khó khăn, bất cập, mối quan tâm của giáo viên với việc đổi mới chương trình – sách giáo khoa phổ thông, tự chủ đại học và đề xuất giải pháp. Thứ ba là về chiến lược giáo dục, giải pháp của Bộ GD-ĐT thế nào khi đối mặt với những vấn đề bất cập hiện nay ở tất cả các cấp học.

Với số lượng câu hỏi khủng như trên, Bộ GD-ĐT không trả lời riêng rẽ từng câu hỏi mà sẽ tập hợp theo nhóm nội dung để chuẩn bị nội dung trao đổi với giáo viên và cán bộ quản lý tại cuộc gặp.

Theo Bộ GD-ĐT, cuộc gặp được tổ chức trực tiếp và trực tuyến với 63 điểm cầu của 63 tỉnh, TP. Từ 63 điểm cầu, các địa phương sẽ kết nối để giáo viên trong địa bàn có thể tham gia, theo dõi bằng hàng chục ngàn điểm kết nối nội bộ.

Về cách tổ chức, trước đây chưa từng có cuộc gặp gỡ hay đối thoại nào của lãnh đạo Bộ GD-ĐT với giáo viên, cán bộ quản lý lại mở rộng đến như vậy. Nhìn ở hình thức tổ chức thì mọi giáo viên, cán bộ quản lý đều có thể được tham gia, có ý kiến và theo dõi nội dung sự kiện này. Nhưng thời gian cho cuộc gặp eo hẹp, chỉ trong buổi sáng với giáo viên, cán bộ quản lý cấp giáo dục phổ thông và buổi chiều cho giảng viên đại học. Vì thế chắc chắn sẽ khó thỏa mãn được hết mọi ý kiến, mong đợi của các nhà giáo và dư luận xã hội.

Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ sẽ có ý nghĩa nếu Bộ GD-ĐT tập trung trao đổi với các nhà giáo những vấn đề căn cốt của giáo dục, những nội dung liên quan tới cuộc đổi mới chương trình – sách giáo khoa đang diễn ra và những vấn đề về con người (tuyển dụng, đãi ngộ, môi trường làm việc của nhà giáo).

Đặc biệt sẽ đạt được kỳ vọng của nhiều người nếu bộ trưởng không né tránh các vấn đề đang nóng bỏng, những câu hỏi khó nhưng là nỗi niềm chung của nhiều người.

Lắng nghe, chia sẻ, động viên

Bộ GD-ĐT cho biết cuộc gặp gỡ diễn ra trên tinh thần lắng nghe, chia sẻ, động viên đối với các nhà giáo chứ không phải là “đối thoại” nhân có những vấn đề bất cập đang xảy ra. Ý kiến, chia sẻ của các nhà giáo sẽ là một kênh thông tin để Bộ GD-ĐT nắm bắt được nhiều chiều về thực trạng triển khai các chỉ đạo của bộ trong thời gian qua, từ đó điều chỉnh các quy định trong thẩm quyền và có giải pháp tháo gỡ vướng mắc.

Trong đó, các vướng mắc lớn nhất là dạy các môn học mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhất là các môn tích hợp ở bậc THCS, tình trạng chưa có giáo viên được đào tạo dạy tích hợp, giáo viên đơn môn đang phải choàng gánh dạy tích hợp chỉ qua một khóa tập huấn khiến nhiều giáo viên áp lực và nguy cơ không đảm bảo chất lượng dạy học.

“Chương trình mới với thay đổi cốt lõi là chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực, phẩm chất học sinh nhưng việc tập huấn không đảm bảo chất lượng và quá ít. Nhiều giáo viên còn chưa nhận diện được thế nào là “dạy học phát triển năng lực” thì nói gì đến việc dạy. Trong khi đó, áp lực từ nhiều phía, việc triển khai cuốn chiếu không cho ai có thời gian để nghiên cứu, rút kinh nghiệm” – một hiệu trưởng trường THPT ở Hà Nội chia sẻ.

Với việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, có nhiều vấn đề thuộc về nhận thức phải thay đổi triệt để như việc tự chủ kế hoạch nhà trường, quản trị nhà trường, cách hiểu về dạy học tích cực và ứng dụng nhuần nhuyễn các phương pháp để dạy học tích cực, quan điểm trong sử dụng sách giáo khoa. Đây là những “điểm nghẽn” khiến việc triển khai ở các địa phương khó khăn, nhiều bất cập, đi sai hướng.

Tại Hà Nội, một số giáo viên kiến nghị Bộ GD-ĐT cần rà soát lại các văn bản liên quan tới quy định về chuyên môn để kiên quyết lược bỏ những quy định lạc hậu đang là rào cản đối với giáo viên.

Liên quan tới chế độ làm việc, đãi ngộ của giáo viên, rất nhiều giáo viên đã có ý kiến và đang mong chờ được giải đáp ở cuộc gặp gỡ. Đơn cử như liên quan tới đề xuất bỏ thi thăng hạng giáo viên, Hà Nội đã có trên 2.500 giáo viên có đơn kiến nghị.

Trong việc này, phần quyết định không thuộc Bộ GD-ĐT. Nhưng theo các giáo viên, là cơ quan quản lý giáo dục bộ vẫn phải theo sát, đề xuất để phối hợp giải quyết.

Sợ hình thức

Cuộc gặp có thể thỏa mãn nguyện vọng được chia sẻ, đối thoại của giáo viên, cán bộ quản lý không hay chỉ là cuộc gặp có tính hình thức, không đi sâu vào những vấn đề quan trọng, chủ chốt mà ngành GD-ĐT cần tháo gỡ? Đó là băn khoăn của một số nhà giáo khi chia sẻ với Tuổi Trẻ.

Giờ học thể dục của học sinh Trường tiểu học Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM - Ảnh: NGỌC THỤY

Giờ học thể dục của học sinh Trường tiểu học Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM – Ảnh: NGỌC THỤY

“Mong lưu tâm việc dạy học giáo dục thể chất”

Cơ sở vật chất phục vụ môn giáo dục thể chất rất quan trọng nhưng hiện nay các trường tiểu học vẫn đang thiếu cơ sở vật chất phục vụ tốt cho môn học này. Là một giáo viên dạy bộ môn giáo dục thể chất, tôi mong muốn học sinh của mình được học những môn học trong điều kiện chuẩn, đủ để phát triển thể chất và vươn tới việc rèn luyện năng khiếu ở một số bộ môn để ươm mầm thể thao cho các em từ khi còn nhỏ.

Vì thế, tôi mong ngành giáo dục lưu tâm nhiều hơn nữa đến việc dạy học giáo dục thể chất đáp ứng được yêu cầu về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phù hợp với thực tiễn chương trình.

Bên cạnh đó, do đặc thù của môn học, môn giáo dục thể chất thường có những tiết dạy vào thứ bảy, chủ nhật hoặc huấn luyện học trò, đưa học trò đi thi hoặc dạy ngoại khóa…

Trong trường tiểu học, những giáo viên làm công tác chủ nhiệm được giảm định mức từ 23 tiết xuống còn 20 tiết/tuần. Tôi cũng mong bộ trưởng xem xét thấu đáo cho việc dạy môn học này trong nhà trường để giảm định mức tiết học cho giáo viên giáo dục thể chất xuống còn 20 tiết/tuần.

Tôi cũng mong muốn để thúc đẩy dạy học giáo dục thể chất trong nhà trường phát triển như các môn học văn hóa khác, Bộ GD-ĐT cần xem xét định hướng tổ chức những giải thể dục thể thao trong nhà trường bằng nguồn kinh phí nhà nước. Kinh phí nhà nước sẽ giúp việc phát triển tầm vóc, rèn luyện thể lực được coi trọng trong nhà trường tiểu học.

Thầy Nguyễn Ngọc Thụy (giáo viên giáo dục thể chất Trường tiểu học Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM)

Tháo gỡ cho các chương trình liên môn

Tôi thấy thật bất cập khi yêu cầu giáo viên dạy hai môn lịch sử – địa lý theo chương trình sách giáo khoa mới hiện nay. Theo như bố cục của sách, lịch sử và địa lý là hai phân môn tách biệt. Nhưng với yêu cầu hiện nay, một giáo viên dạy cả hai phân môn, thời gian cho phân môn thứ hai rất ngắn nên rất khó để đảm bảo chất lượng dạy – học.

Bản thân là giáo viên dạy lịch sử, năm học tới được phân công dạy lịch sử và địa lý 8, tôi cũng thiếu tự tin ở phân môn địa lý vì không chắc kiến thức địa lý được đào tạo trong sáu tháng có đủ để truyền tải một cách mạch lạc, tự tin để đáp ứng yêu cầu cần đạt của bài học giúp học sinh nắm vững kiến thức địa lý của chương trình.

Vì thế, tôi mong muốn Bộ GD-ĐT có những tháo gỡ cụ thể cho các chương trình liên môn nhằm giúp giáo viên có thể đáp ứng yêu cầu dạy học cũng như phát triển chuyên môn về sau.

(Một giáo viên lịch sử của một trường THCS ở TP.HCM)

Quốc hội "nóng" chuyện chọn, cung ứng sách giáo khoa: Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nói gì?Quốc hội ‘nóng’ chuyện chọn, cung ứng sách giáo khoa: Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nói gì?

“Bộ Giáo dục và Đào tạo không giới hạn các địa phương chỉ dùng sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam”.