Hơn 50% sinh viên sư phạm từ chối hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí

Nhiều sinh viên sư phạm Trường đại học Sài Gòn không đăng ký hưởng chính sách hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí – Ảnh: M.G.

“Trong buổi sinh hoạt đầu khóa, chúng tôi đã trao đổi kỹ với sinh viên về các chính sách hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí theo nghị định 116 của Chính phủ, nhưng không hiểu sao số thí sinh trúng tuyển sư phạm không đăng ký hưởng chính sách khá nhiều” – đại diện Trường đại học Sài Gòn cho biết.

Theo thông tin từ trường đại học này, năm 2023 trường được giao 950 chỉ tiêu sư phạm.

Kết quả có 600 thí sinh đăng ký hưởng chính sách. Hơn 300 sinh viên còn lại tự trả chi phí đào tạo. Như vậy, số lượng sinh viên sư phạm không đăng ký hưởng chính sách hỗ trợ chiếm khoảng 30%.

Con số này ở năm 2022 còn cao hơn rất nhiều. Năm 2022 trường có 650 chỉ tiêu và chỉ có 244 thí sinh trúng tuyển đăng ký hưởng chính sách hỗ trợ. Như vậy có đến hơn 63% số sinh viên sư phạm trúng tuyển năm 2022 không đăng ký hưởng chính sách.

Đây không phải là trường đại học duy nhất có nhiều sinh viên sư phạm không đăng ký hưởng chính sách hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí.

Năm 2022, Trường đại học Cần Thơ có quyết định chấp thuận cho 97 sinh viên không thụ hưởng chính sách hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí trong đào tạo giáo viên từ năm học 2021-2022 đến năm học 2024-2025.

Hiện Trường đại học Cần Thơ đào tạo sư phạm theo đặt hàng của một số tỉnh như Long An, Vĩnh Long, Trà Vinh.

Các tỉnh này chi trả chi phí đào tạo, sinh hoạt phí cho sinh viên.

Số sinh viên sư phạm còn lại đào tạo theo nhu cầu xã hội, hưởng chính sách từ nguồn kinh phí của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trường đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) cũng có 187 sinh viên sư phạm trúng tuyển năm 2021 không hưởng chính sách hỗ trợ học phí theo nhu cầu xã hội.

Theo quy định, sinh viên sư phạm đăng ký hưởng chính sách hỗ trợ, trong thời hạn 2 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp, sinh viên phải công tác trong ngành giáo dục và có thời gian công tác tối thiểu gấp hai lần thời gian đào tạo tính từ ngày được tuyển dụng.

Nếu không thực hiện đúng các quy định này, sinh viên phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ.

Sinh viên hưởng chính sách, trong quá trình đào tạo nếu chuyển ngành, tự thôi học, không hoàn thành chương trình đào tạo hoặc bị kỷ luật buộc thôi học cũng sẽ phải bồi hoàn kinh phí.

Phó hiệu trưởng một trường đại học có đào tạo sư phạm cho biết một số sinh viên sư phạm không muốn chịu sự ràng buộc sau khi tốt nghiệp, nên chọn không đăng ký hưởng chính sách. Sinh viên tự trả học phí sẽ được tự do tìm việc theo mong muốn sau khi tốt nghiệp.

Trong khi đó, ông Nguyễn Kim Hồng – nguyên hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TP.HCM – cho biết sinh viên sư phạm tiếng Anh của trường rất nhiều người làm các công việc khác, không theo nghề giáo viên.

Sinh viên sư phạm bị “treo” sinh hoạt phí

Chỉ tiêu tuyển sinh các ngành sư phạm được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho các trường dựa trên đặt hàng của các tỉnh thành và nhu cầu xã hội, năng lực đào tạo của trường đại học. Hai năm gần đây, đa số các trường đại học đều bị cắt giảm chỉ tiêu so với chỉ tiêu các trường đăng ký.

Theo nghị định 116/2020 quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, hằng năm sinh viên trúng tuyển ngành sư phạm đăng ký hưởng chính sách hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí.

Sinh viên đăng ký tham gia sẽ được Nhà nước hỗ trợ đóng học phí bằng học phí của cơ sở đào tạo nơi theo học. Ngoài ra sinh viên được hỗ trợ sinh hoạt phí 3,63 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, việc chi trả sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm ở nhiều trường đại học liên tục chậm trễ kéo dài trong nhiều năm qua. Sinh viên nhiều trường đại học mòn mỏi chờ đợi suốt cả năm học, thậm chí nhiều năm.

Đầu năm 2024, một số trường đại học như Hồng Đức, Đà Lạt, thủ đô Hà Nội… mới chi trả hỗ trợ sinh hoạt phí năm học trước đó cho sinh viên.

Đào tạo giáo viên: ưu đãi nhiều nhưng tuyển sinh ítĐào tạo giáo viên: ưu đãi nhiều nhưng tuyển sinh ít

Theo Bộ GD-ĐT, năm học 2023 – 2024 cả nước thiếu 118.235 giáo viên các cấp. Đáng chú ý là so với năm học trước, số giáo viên thiếu tăng thêm 11.308 người.