Học lớp 1, không chỉ con mà cha mẹ cũng căng thẳng

Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Phan Đình Phùng (quận 3, TP.HCM) học mỹ thuật theo chương trình mới. Phụ huynh cho rằng lớp 1 nên tăng cường những môn ngoại khóa để học sinh rèn kỹ năng – Ảnh: THẢO THƯƠNG

Trong khi đó, con tôi năm nay vào học lớp 1 cháu đã được cô giáo dạy đọc âm a, dạy viết chữ a ngay trong ngày đầu tiên bước vào năm học mới. Những ngày tiếp theo thì cứ mỗi ngày học hai âm, từ hai âm ráp lại với các âm khác thành tiếng rồi miệt mài đọc, viết như thế.

Con gái tôi phát hoảng. Vợ chồng tôi cũng phát hoảng vì chương trình lớp 1 được dạy quá nhanh so với khả năng tiếp thu của trẻ 6 tuổi vừa mới rời trường mầm non được mấy tháng.

Chương trình học dồn dập khiến con tôi quên trước quên sau. Cháu liên tục bị cô giáo phê bình là “viết quá chậm”, “đọc quá chậm”, “viết chữ quá xấu”, “viết sai ô li”…

Không những thế, cô còn gọi điện yêu cầu tôi phải cho bé rèn đọc và viết thật nhiều ở nhà vì con tôi nằm trong nhóm “học sinh yếu của lớp”. Nếu như bài tập về nhà của các học sinh khác là viết 10 dòng thì nhóm học sinh yếu của con tôi phải viết 1 – 2 trang vở.

Ai cũng biết trẻ 6 tuổi rất khó tập trung được lâu, cách đây hai tháng ở trường mầm non các bé được vừa học vừa chơi. Nay vào lớp 1 đã học suốt từ sáng đến chiều ở trường, tối về tắm rửa, ăn cơm xong lại tiếp tục ngồi vào bàn học gò chữ suốt mấy tiếng thì làm sao chịu nổi? Chưa kể, tay các bé 6 tuổi còn yếu lại không được tập tô, đồ các con chữ mà bắt viết chữ ngay thì làm sao có thể viết đúng, viết đẹp như yêu cầu được?

Vậy mà hôm sau bé mang vở lên lớp là cô lấy bút đỏ gạch chi chít vào những nét bé viết chưa đúng chiều rộng hoặc chiều cao đồng thời phê vào lề cuốn vở: “Nhờ ba mẹ hướng dẫn bé viết cho đúng cỡ chữ”. Trời ơi! Không chỉ con tôi căng thẳng mà tôi cũng căng thẳng!

Hậu quả của sự căng thẳng ấy là gia đình như một chiến trận vào các buổi tối: mẹ thì sốt ruột la mắng, quát tháo, còn con sụt sùi nước mắt ngắn dài, bảo: “Con không học lớp 1 nữa đâu. Mẹ cho con về lại trường mầm non đi”. Và cứ mỗi lần con viết sai là tôi phải phụ con gôm hết các nét đã viết để viết lại.

Có bữa 22h30 mà con vẫn chưa viết xong. Ông xã tôi xót con yêu cầu phải cho bé đi ngủ: “Đường học còn dài, cứ ép con học kiểu này rồi bé đổ bệnh mất”.

Nhưng ngày hôm sau con tôi đi học về mắt ngân ngấn nước kể rằng bé bị cô la: “Đã kém mà còn lười. Tại sao cô cho bài về nhà mà không viết hết trang?”. Đã vậy con tôi còn hoảng sợ hơn khi thấy nhiều bạn trong lớp viết chữ rất đẹp, viết đúng ô li và đọc bài ro ro chứ không vấp váp như con tôi. Hỏi chuyện mới biết các bé ấy được ba mẹ cho đi học chữ từ hồi mới 4 tuổi.

Chủ nhật tuần rồi đi họp phụ huynh, tôi có xin nói chuyện riêng với cô giáo để thưa với cô là con tôi không được đi học chữ trước như các bạn nên hơi chậm. Ngay lập tức cô giảng cho tôi một bài về những sai lầm của phụ huynh khi để con mang “cái đầu trắng” vào lớp 1.

Tôi nói rằng trên các phương tiện truyền thông, các cán bộ quản lý ngành giáo dục khuyên phụ huynh không nên cho con đi học chữ trước cơ mà. Cô thì bảo: “Đó là họ nói lý thuyết thôi, chứ thực tế mà bé không học chữ trước thì sẽ rất đuối, rất khó theo kịp chương trình”.

Thu Thủy (TP.HCM)

Chương trình “đi” quá nhanh

Chỉ sau một tuần con trai út vào lớp 1, bao nhiêu háo hức ban đầu của gia đình đều tan biến theo những bài học môn tiếng Việt của con. Chương trình “đi” quá nhanh, trẻ chưa kịp ghi nhớ chữ này đã phải học sang chữ khác, chưa kịp viết đúng được chữ này đã phải học viết sang chữ khác. Chương trình như thế thành ra nặng nề đối với học sinh.

Đã vậy, cô giáo còn tạo thêm áp lực khi liên tục chê bai học sinh. Con tôi về nhà kể là cô thường xuyên nói các câu như: “Cái lớp này kém quá, nói đi nói lại mà vẫn không nhớ”, “Cái lớp này viết chữ xấu quá, về nhà rèn chữ cho cô”… Riêng con tôi hay bị cô nhận xét “Chữ viết như gà cục tác”, “Dở quá vậy, có nhiêu đó thôi mà không đọc được”… khiến cháu rất tự ti.

Tôi gọi điện xin gặp cô giáo để tâm sự, không ngờ cô nói luôn: “Cô cũng đang định gọi cho mẹ đây. Bé nhà mình học yếu quá, không theo được chương trình. Trong khi các bạn đọc bài rất trơn tru rồi mà bé nhà mình vẫn chưa phân biệt được chữ h với chữ n”. Gặp cô, tôi có trình bày rằng con tôi không học chữ trước nên hơi chậm, thời gian đầu hơi vấp váp một tí, mong cô giúp đỡ cháu.

Bé lớn nhà tôi ngày trước cũng không học chữ, thời gian đầu năm học có hơi khó khăn nhưng hết học kỳ 1 năm lớp 1 là bé đọc được, viết được. Không ngờ cô nhận xét: “Không học trước thì đuối là phải rồi. Chương trình mới nặng lắm chứ có phải như chương trình cũ đâu”.

Vũ Huỳnh Nga (TP.HCM)

Nhóm “vừa chậm vừa yếu”

Ngày họp phụ huynh đầu năm, cô giáo chủ nhiệm lớp con tôi đọc tên hơn 10 học sinh thuộc diện “vừa chậm, vừa yếu”. Cô bảo nhiều học sinh trong nhóm này còn chưa biết cách cầm bút, trong khi các học sinh khác trong lớp đã đọc thông, viết thạo hết rồi.

Cô yêu cầu phụ huynh phải cùng con học chương trình lớp 1, rèn cho con cách cầm bút, cách viết đúng ô li… Chúng tôi rất ngạc nhiên. Hỏi chuyện mới vỡ lẽ nhóm học sinh “vừa chậm, vừa yếu” đều chưa được học chữ trước khi vào lớp 1.

Nguyễn Thị Thúy (phụ huynh học sinh lớp 1 ở TP.HCM)

Lớp 1 ở nhiều nước “chơi” là chính

duclop

Học sinh lớp 1 ở Đức tham gia các hoạt động rèn luyện thể chất – Ảnh: Getty Images

Theo The Guardian, trẻ em Phần Lan thường không học làm toán, đọc chữ trước khi vào lớp 1. Tuổi vào tiểu học cũng trễ hơn nhiều nước một năm, bởi các chuyên gia tin rằng trẻ dưới 7 tuổi chưa thích hợp học tập.

Ngày học của trẻ em lớp 1 Phần Lan thường dài 4 tiếng, từ 9h – 14h. Mỗi 45 phút học, trẻ được nghỉ 15 phút. Thay vì vào ngay các bài toán đếm, học sinh được chú trọng các hoạt động vui chơi, thể chất, sáng tạo. Tại trường trẻ không được xếp hạng ở tiểu học, trong khi hiếm khi được giao bài tập về nhà.

Trẻ em trường mẫu giáo ở Đức không được dạy đọc và viết đến khi trẻ 6 tuổi. Giáo viên hay phụ huynh đều không thúc ép con mình phải biết chữ trước khi vào tiểu học. Học sinh lớp 1 không bị ép học nặng: các trường chỉ dành nửa ngày dạy học nhưng cho đến 2 lần ra chơi.

Bên cạnh việc học chữ, số, trẻ được giáo dục các bài học cơ bản về cách sống như ứng xử với cha mẹ, thầy cô, bạn bè và được rèn luyện sự tự tin thông qua các hoạt động như thảo luận, phản biện, phát biểu trước mọi người.

TRỌNG NHÂN

TP.HCM sẽ điều chỉnh việc dạy chương trình lớp 1 mớiTP.HCM sẽ điều chỉnh việc dạy chương trình lớp 1 mới

TTO – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM thừa nhận việc triển khai thực hiện chương trình lớp 1 mới ‘có khó khăn’ và sẽ điều chỉnh.