Hà Nội và nhiều nơi cho học sinh học trực tuyến khi trời lạnh dưới 10 độ C

Nhiều tỉnh, thành phố cho học sinh nghỉ học nếu rét dưới 10 độ C – Ảnh: PHẠM TUẤN

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho hay từ ngày 20-2 không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở Trung Trung Bộ, sau đó ảnh hưởng đến một số nơi thuộc Nam Trung Bộ.

Dự báo đến ngày 22-2, ở Bắc Bộ và Thanh Hóa trời rét hại với nền nhiệt độ thấp nhất phổ biến 8 – 11 độ C, vùng núi 3 – 6 độ C, vùng núi cao có nơi 0 độ C và khả năng cao xảy ra băng giá, mưa tuyết.

Trước thời tiết diễn biến cực đoan, việc học sinh có được nghỉ học để tránh rét được nhiều bậc phụ huynh quan tâm. Tuổi Trẻ Online cập nhật thông tin tại một số tỉnh, thành phố phía Bắc:

Hà Nội

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online tối 20-2, ông Trần Thế Cương – giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội – cho biết trước tình hình rét đậm, rét hại xảy ra diện rộng tại miền Bắc, sở đã quyết định nếu thời tiết dưới 10 độ C, học sinh tiểu học và mầm non sẽ chuyển sang học trực tuyến.

“Với khối THCS, nếu thời tiết dưới 7 độ C, học sinh được nghỉ học tại trường, chuyển sang việc học trực tuyến. Phụ huynh căn cứ vào bản tin dự báo thời tiết tại bản tin Chào buổi sáng lúc 6h sáng trên VTV1 để biết được sáng hôm đó con mình có phải đến trường hay không”, ông Cương nói thêm.

Quảng Ninh

Tối cùng ngày, bà Nguyễn Thị Thúy – giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Ninh – cho biết sở đã ban hành công văn hướng dẫn cụ thể về việc cho học sinh các cấp nghỉ học trong bối cảnh thời tiết rét đậm, rét hại.

Cụ thể, đối với học sinh mầm non, tạm thời cho trẻ em nghỉ học từ ngày 21-2 đến hết ngày 25-2 để tăng cường các biện pháp phòng chống dịch và phòng chống rét đậm, rét hại.

“Tuy nhiên, lưu ý các cơ sở giáo dục mầm non, khi thông báo chủ trương này đến phụ huynh trẻ cần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và đề xuất của phụ huynh. Nếu gia đình trẻ nào do không có người chăm sóc, trông coi trẻ ở nhà và có nguyện vọng vẫn đưa trẻ đến trường thì cơ sở giáo dục phải bố trí đón trẻ đến trường và tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ đảm bảo an toàn” – bà Thúy nói.

Đối với cấp tiểu học, căn cứ tình hình dịch bệnh tại địa bàn và trong cơ sở giáo dục của đơn vị mình, hiệu trưởng xem xét và quyết định tạm thời cho học sinh chuyển trạng thái từ học trực tiếp sang học trực tuyến từ ngày 21-2 đến hết ngày 25-2 để phòng chống mưa rét.

Khuyến khích các trường, các lớp học nếu chưa có ca F0 và vẫn đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh thì tiếp tục duy trì học trực tiếp để đảm bảo tiến độ chương trình và chất lượng giáo dục. Trong quá trình tổ chức học trực tiếp cho học sinh cần thực hiện nghiêm các quy định, biện pháp phòng chống dịch và phòng chống rét đậm, rét hại.

Riêng đối với khối THCS và THPT, tiếp tục duy trì tổ chức học trực tiếp tại trường cho học sinh.

Hải Phòng

Ông Bùi Văn Kiệm – giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Hải Phòng – cho biết từ trưa 20-2 sở đã có văn bản chỉ đạo gửi các trường học trên địa bàn.

“Dưới 7 độ C, chúng tôi sẽ cho học sinh THCS nghỉ học, dưới 10 độ C sẽ cho học sinh tiểu học và mầm non nghỉ học. Phụ huynh chú ý theo dõi bản tin dự báo thời tiết lúc 6h sáng mỗi ngày để căn cứ việc cho con tới trường hay nghỉ tại nhà” – ông Kiệm nói.

Ông Kiệm nói thêm, trong trường hợp phụ huynh vẫn muốn cho con tới trường, các trường vẫn sẵn sàng bố trí giáo viên túc trực để đón học sinh.

Hải Dương

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lương Văn Việt – giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Hải Dương – cho biết tỉnh giao quyền cho hiệu trưởng quyết định việc đến trường của học sinh.

“Ngày mai 21-2, nếu nhiệt độ dưới 10 độ C, học sinh tiểu học và mầm non sẽ nghỉ học. Đối với cấp THCS, từ lớp 7 trở lên thì tùy tình hình hiệu trưởng sẽ quyết định việc đi học hay nghỉ học của học sinh” – ông Việt thông tin.

Phú Thọ, Vĩnh Phúc tạm dừng học trực tiếp từ 21-2

Ngày 20-2, chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ có văn bản yêu cầu UBND các huyện, thị, thành phố chỉ đạo, tổ chức dạy học trực tuyến đối với giáo dục tiểu học, THCS từ ngày 21-2 cho đến khi có thông báo mới.

Đối với bậc mầm non, chủ tịch tỉnh Phú Thọ yêu cầu căn cứ tình hình dịch bệnh COVID-19 và điều kiện thực tế, các cơ sở giáo dục tiếp tục phối hợp với phụ huynh để thống nhất phương án chăm sóc trẻ đảm bảo an toàn, tạo điều kiện để phụ huynh tham gia lao động, sản xuất.

Đối với bậc trung học phổ thông và giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và đào tạo phối hợp với UBND các huyện, thị, thành phố chỉ đạo các đơn vị quyết định hình thức dạy học trực tiếp hoặc trực tuyến hoặc kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến đối với từng lớp, khối lớp hoặc toàn trường cho phù hợp.

Ngày 20-2, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết tỉnh này vừa có văn bản về việc bảo đảm an toàn cho học sinh trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 và điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các huyện, thành phố chủ động phối hợp với các ngành y tế, giáo dục và đào tạo đánh giá mức độ lây lan dịch bệnh trong trường học để quyết định hình thức tổ chức dạy học bảo đảm an toàn cho học sinh và phù hợp nguyện vọng của phụ huynh.

Trong đó, các trường mầm non tiếp tục mở cửa đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh học sinh, tạo điều kiện để phụ huynh tham gia lao động, sản xuất. Các trường tiểu học, THCS chuyển trạng thái sang học trực tuyến từ ngày 21-2 cho đến khi có thông báo mới của ban chỉ đạo huyện, thành phố.

Các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên duy trì dạy học trực tiếp, thực hiện dạy, học trực tuyến với học sinh thuộc diện F0, F1, kể cả các học sinh có yếu tố bệnh nền nếu phụ huynh có yêu cầu và cam kết bảo đảm các điều kiện học trực tuyến hiệu quả.

Hàng trăm nghìn học sinh miền núi phía Bắc có thể nghỉ học ngày mai để tránh rétHàng trăm nghìn học sinh miền núi phía Bắc có thể nghỉ học ngày mai để tránh rét

TTO – Dự báo ngày 21-2, nhiệt độ tại các huyện vùng núi Bắc Bộ vẫn duy trì ở mức 2 đến 5 độ C, có nơi dưới 0 độ nên nhiều địa phương sẽ phải cho học sinh nghỉ học để tránh rét.