Hà Nội cần làm gì để học sinh trở lại trường an toàn khi ngày vẫn hơn 2.700 ca COVID-19?

Hà Nội từng cho phép mở cửa trường học, sau đó lại tạm đóng vì dịch COVID-19 diễn biến phức tạp – Ảnh: NAM TRẦN

Trong thông báo đánh giá cấp độ trong phòng, chống dịch COVID-19 được UBND TP Hà Nội phát đi ngày 5-2, toàn TP Hà Nội gần như ‘vùng xanh’, chỉ còn 9 xã, phường, thị trấn thuộc ‘vùng cam’.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Hà Nội trung bình mỗi ngày vẫn ghi nhận hơn 2.700 ca COVID-19, việc đảm bảo an toàn cho học sinh quay trở lại trường là yêu cầu tối thượng. Vậy, TP cần làm gì để đáp ứng được yêu cầu trên?

Làm gì để mở cửa trường học an toàn?

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 7-2, ​PGS.TS Trần Đắc Phu – nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế – cho biết TP Hà Nội đã có nhiều chuẩn bị, tổ chức diễn tập các tình huống trước Tết Nguyên đán để sẵn sàng cho việc mở cửa lại trường học.

Tuy nhiên, để mở cửa lại trường học an toàn, theo ông Phu, ngành giáo dục TP cần phải sàng lọc kỹ học sinh khi đến trường.

“Trước mắt những học sinh đang là F0 hoặc các em có triệu chứng sốt, ho, khó thở thì không cho đi học. Hoặc gia đình nào có thành viên trong gia đình có F0 thì cũng chưa cho các em tới trường.

Còn lại những học sinh nghi ngờ thì nên cho các em xét nghiệm trước khi tới trường, tuy nhiên không nên xét nghiệm tràn lan gây lãng phí không cần thiết”, ông Phu nói.

Hà Nội cần làm gì để học sinh trở lại trường an toàn khi ngày vẫn hơn 2.700 ca COVID-19? - Ảnh 2.

PGS.TS Trần Đắc Phu – Ảnh: TTXVN

Ngoài ra, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, các trường học, giáo viên, phụ huynh và học sinh phải thực hiện nghiêm quy trình phòng chống, hạn chế lây nhiễm COVID-19 trong trường học do Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và đào tạo đã hướng dẫn.

“Nên yêu cầu các em học sinh đeo khẩu trang khi đến trường, khử khuẩn trước khi vào lớp học. Học sinh nào có dấu hiệu sốt ho, khó thở thì nên đưa các em vào phòng cách ly đã được bố trí trước đó. Đồng thời, tiến hành điều tra dịch tễ và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định”, ông Phu nói thêm.

Vị nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng lưu ý, việc học sinh trở lại trường học sau dịp Tết sẽ có nhiều nguy cơ lây nhiễm COVID-19 hơn. Bởi trong kỳ nghỉ lễ, các em sẽ di chuyển nhiều nơi, nên phụ huynh phải thường xuyên phối hợp với nhà trường để theo dõi sát sức khỏe của các em sau khi trở lại trường học.

“Sau khi trở lại trường, không nên cho các lớp giao tiếp với nhau, lớp nào ở yên lớp đó. Trong trường hợp lớp học có F0, nhà trường chỉ nên cho học sinh trong lớp đó tạm nghỉ học để chờ kết quả xét nghiệm, chứ không nên đóng cửa trường học như trước”, PGS.TS Trần Đắc Phu đề xuất.

Về việc điều trị cho học sinh F0, ông Phu cho rằng nếu các em có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng nên được điều trị tại nhà, chỉ cho các trường hợp có triệu chứng nặng vào các cơ sở thu dung điều trị COVID-19 nhằm giảm áp lực cho hệ thống y tế.

Mở cửa trường học thời điểm này là ‘rất cần thiết’

Theo ông Phu, việc cho học sinh đi học trở lại thời điểm này là rất cần thiết, bởi các em đã nghỉ quá dài. Nếu không cho các em trở lại trường thì không chỉ khiếm khuyết về kiến thức mà còn bị các bệnh về tâm lý như trầm cảm…

“Đặc biệt, với các cháu học sinh đầu cấp 1 đang cần học nói và học viết mà không được đến trường tương tác với thầy cô, bạn bè thì sẽ ảnh hưởng rất lớn, nhất là về thể chất và tinh thần.

Nhiều người có ý kiến rằng tiêm vắc xin ngừa COVID-19 đủ liều mới cho học sinh đi học, tôi cho rằng không cần thiết, không nên đặt ra điều kiện này. Trẻ em khi mắc COVID-19 thường triệu chứng rất nhẹ hoặc không có triệu chứng”, PGS.TS Phu nêu quan điểm.

Ông Phu cho rằng khi đã mở cửa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19 thì không nên cấm đoán, mà nên cho học sinh đi học trở lại và tăng cường các biện pháp dự phòng.

“Nếu không cho học sinh trở lại trường sớm thì hậu quả, hệ lụy của việc học sinh không được đi học lớn hơn rất nhiều so với nguy cơ học sinh nhiễm COVID-19”, ông Phu trăn trở.

9 xã, phường, thị trấn tại Hà Nội vẫn dạy trực tuyến

Với 9 đơn vị cấp xã có mức độ dịch ở cấp độ 3, các trường học ở những địa bàn này vẫn tiếp tục dạy học trực tuyến.

Riêng các trường học ở địa bàn có mức độ dịch ở cấp độ 1 và 2 dạy học trực tiếp đối với học sinh từ lớp 7 đến lớp 12.

Theo Sở Giáo dục và đào tạo TP Hà Nội, hiện các trường đã cơ bản hoàn thiện các điều kiện đón học sinh, bảo đảm các tiêu chí trường học an toàn theo quy định; có phương án ứng phó, chuyển trạng thái dạy học khi cần thiết với tinh thần cố gắng ở mức cao nhất để việc dạy học không bị gián đoạn và bảo đảm an toàn cho học sinh.

Trong ngày 7-2, Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội rà soát một lần nữa công tác chuẩn bị đón học sinh của các đơn vị, trường học.

Học sinh lớp 9 ở 17 huyện, thị xã của Hà Nội đi học lại: ‘Vui quá em đi sớm 1 tiếng’Học sinh lớp 9 ở 17 huyện, thị xã của Hà Nội đi học lại: ‘Vui quá em đi sớm 1 tiếng’

TTO – Sáng 22-11, sau thời gian dài phải học online để phòng dịch COVID-19, toàn bộ học sinh khối 9 của 17 huyện, thị xã ngoại thành của Hà Nội đã được quay trở lại trường học trực tiếp.