Hà Nội: Băn khoăn học phí trường chất lượng cao

Kỳ I: Con nhà giàu mới đủ tiền học

Năm học 2013 – 2014, mức trần học phí trường chất lượng cao (CLC) của Hà Nội được quy định từ 2,9 – 3 triệu đồng/học sinh/tháng; năm học 2016 – 2017, mức trần này tăng lên 3,9 triệu với trường mầm non, tiểu học và 4,1 triệu với trường THCS, THPT. Theo lộ trình, năm học 2017 – 2018, mức trần học phí trường CLC tiếp tục tăng 4,3 triệu với trường mầm non, tiểu học và 4,5 triệu với trường THCS, THPT. Hai năm học tiếp theo, mỗi năm tăng thêm 400.000 đồng/HS/tháng.

Theo GS Văn Như Cương, Chủ tịch HĐQT Trường THPT Lương Thế Vinh, ở Hà Nội có 15 trường đăng ký xây dựng mô hình trường CLC nhưng chủ yếu ở dạng cung ứng dịch vụ giáo dục CLC, gồm 6 trường mầm non, 2 trường tiểu học, 3 trường THCS, 4 trường THPT và 4 trường trung cấp chuyên nghiệp; trong đó có 13 trường công lập và 6 trường ngoài công lập.

Đánh giá về mức độ “cao” đạt được, Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng ngoại trừ các trường chuyên THPT là các trường CLC công lập do Nhà nước đầu tư, các trường còn lại đã đạt được các tiêu chí: Cơ sở vật chất tốt hơn, sĩ số học sinh trong lớp ít hơn, các hoạt động tập thể được tổ chức phong phú, sinh động mang lại hiệu quả cao trong rèn luyện kỹ năng sống hiện đại. Kết quả học tập cao hơn trước, đặc biệt là môn ngoại ngữ. Kinh phí đầu tư từ nguồn đóng góp của người học và các tổ chức xã hội, không lấy từ ngân sách Nhà nước.

GS Văn Như Cương nêu quan điểm: Trường CLC ngoài công lập thì không cần bàn đến. Bởi, trong phạm vi quyền tự chủ, họ có thể đầu tư rất hiện đại về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy hoc, bể bơi, máy lạnh, xe đưa đón học sinh (thậm chí đưa đón tận nhà); họ có thể tuyển dụng giáo viên nước ngoài, thậm chí thuê cả hiệu trưởng; có thể cho học sinh học một số học kì theo kiểu du học.

Điều bắt buộc họ phải thực hiện là dạy đúng chương trình của Bộ GD&ĐT, có thể bổ sung thêm những môn học khác như ngoại ngữ, âm nhạc hội họa…., học phí có thể thu rất cao, ai đủ tiền thì học.

Tuy nhiên, với các cơ sở giáo dục CLC công lập, Chủ tịch HĐQT Trường THPT Lương Thế Vinh thể hiện sự băn khoăn: “Với mức trần học phí như Hà Nội quy định, chỉ có những gia đình giàu có mới đủ điều kiện cho con học trường CLC”.

Cô và trò đất học Tràng an

Liệu có mâu thuẫn?

Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung đã quy định rất rõ cơ chế học phí đối với các trường ngoài công lập, đó là sự thỏa thuận giữa nhà trường và cha mẹ học sinh. Thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng Trường Marie Curie – băn khoăn, trường công lập tự chủ tài chính, trường CLC có cơ chế cũng như trường tư?

Nếu vậy, sẽ có mâu thuẫn giữa chất lượng học sinh và khả năng đầu tư của cha mẹ; trường thu hút học sinh giỏi hay những học sinh mà gia đình có đủ tiềm lực tài chính.

Thầy Nguyễn Xuân Khang lấy dẫn chứng, Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam hiện chỉ quan tâm tuyển với một tiêu chí duy nhất là học sinh có năng lực, không quan tâm đến khả năng tài chính của cha mẹ học sinh. Nhưng, nếu trường này tuyển sinh kèm theo điều kiện về tài chính, đầu vào sẽ không còn cao như bây giờ.

“Để xây dựng được Đề án trường CLC, Sở GD&ĐT Hà Nội đã phải nghiên cứu rất kỹ; HĐND thành phố cũng cân nhắc nhiều mới ra quyết định. Đây là nỗ lực của Hà Nội với mong muốn tạo bứt phá cho giáo dục Thủ đô. Tuy nhiên, khi đưa vào thực tiễn, Đề án có thành công hay không, đó lại là một chuyện khác” – thầy Nguyễn Xuân Khang chia sẻ thêm.

“CLC là điều ai cũng mong muốn, nhưng đừng làm thành siêu dịch vụ để chỉ có một bộ phận nhỏ tham gia được. Ít nhất 10 – 20% học sinh Thủ đô có thể học trường CLC thì mới thực sự ý nghĩa. Có câu nói rất hay “biết người, biết ta, trăm trận, trăm thắng”, việc đề ra mức thu với trường CLC cũng vậy” – PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, chia sẻ.