‘Giỏi, chăm, ngoan’ vẫn rất cần thiết

Không nên “đóng khung”

Học sinh Trường THPT Bình Phú, Q.6, TP.HCM, tặng hoa chúc mừng cô giáo nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam – Ảnh: ANH KHÔI

Giỏi, chăm, ngoan là những tính chất tốt của học sinh. Tuy nhiên, cần một định nghĩa mở rộng các khái niệm của những tính chất này để không đóng khung đánh giá học sinh.

Theo đó, “giỏi” có nghĩa là học/thực hành đều các môn khoa học cơ bản và có các kỹ năng sống tốt (như có năng khiếu âm nhạc, bơi lội hoặc một môn văn thể mỹ nào đó); sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ…

“Chăm” là sự chuyên cần không chỉ trong học tập mà còn các công tác/sự kiện của Đoàn, hội, nhà trường, có đóng góp cho sự phát triển của tập thể.

“Ngoan” là không vi phạm đạo đức cũng như pháp luật. Ngoan không có nghĩa là nói gì nghe nấy, thụ động mà là có chính kiến và trình bày chính kiến hợp lý, phản biện và lắng nghe phản biện…

Thực ra, giỏi, chăm, ngoan là tiêu chí của một học sinh tốt, chúng ta không nên gắn liền điều này với sự thành công trong tương lai của người ấy. Bởi vì, thành công của một người cần nhiều yếu tố khác nữa, nó có thể tỉ lệ thuận với một học sinh đã từng đạt các tiêu chí đánh giá tốt ở phổ thông, cũng có thể không.

Vấn đề đánh giá học sinh là để giúp tuyên dương, khuyến khích cả những em đã có tố chất, nỗ lực, đồng thời động viên những em chưa đạt các tiêu chí đó phấn đấu hơn trong học tập, rèn luyện. Sự đánh giá ấy mang tính thời điểm của một cá nhân.

Có những học sinh học phổ thông rất tốt, rất ngoan nhưng lên đại học lại không tiếp tục sự cố gắng hoặc gặp sự cố đã buông lỏng bản thân, trở thành sinh viên không hoàn thành các tiêu chí đánh giá của cấp học ấy. Thậm chí, có những sinh viên khá giỏi nhưng ra thực tế công việc lại thiếu sáng tạo cũng không thành công.

Do vậy, việc thành công, hay tương lai của các em đương nhiên phải là sự nỗ lực không ngừng, xây dựng trên nền tảng học tập, rèn luyện, lựa chọn hướng đi đúng đắn từ nhỏ.

Có một sai lầm của đa số phụ huynh ở ta đó là chỉ nghĩ những học sinh học tốt các môn tự nhiên mới… giỏi. Còn các em khác, chẳng hạn học tốt các môn xã hội thì chỉ được đánh giá “nhờ siêng học bài”.

Thực tế, mỗi người có sự phát triển khác nhau ở những lĩnh vực riêng, được quy định ở những vùng não của người ấy. Từ đó, nếu nhận diện đúng khả năng riêng của mình, người đó rèn luyện, tích lũy để nó trở thành kỹ năng, có chuyên môn sâu thì sẽ thành công trong công việc tương ứng về sau.

Trong các sự phát triển năng lực thì thể thao, nghệ thuật… cũng là những dạng thông minh – năng lực mà nhiều người chỉ xem đó là “năng khiếu” hay “tài lẻ” nên thường không đưa vào đánh giá, rèn luyện ngay từ sớm. Nhiều học sinh có những năng lực này nhưng không học giỏi các môn tự nhiên hay xã hội thường bị “vùi dập” khi ngồi trên ghế phổ thông, nhưng có khi tương lai lại thành công trong những “tài lẻ” của mình.

Tóm lại, giỏi, chăm, ngoan vẫn nên giữ trong đánh giá tính chất tốt của học sinh, nhưng không nên chỉ khu biệt trong một vài môn học, hay chỉ học mà không tham gia các hoạt động cộng đồng cùng những rèn luyện khác trong “đối nhân xử thế”.

Ngoài yếu tố trên, cũng cần thêm tiêu chí trường học hạnh phúc, trong đó giáo viên và học sinh cũng phải có niềm vui trong vai trò của mình. Đừng chạy theo thành tích mà đánh rơi điều quan trọng của mỗi người là hạnh phúc.

ThS LÊ TRƯỜNG AN(giảng viên Trường ĐH Mở TP.HCM, nghiên cứu sinh tại Đại học Kỹ thuật Suranaree – Thái Lan)